Bạn tôi đi khảo sát thị trường Mỹ vừa gửi về một email gỏn gọn: “Ăn trưa ở nhà bà con, thấy cơm rất dẻo và thơm, hỏi gạo gì, phải Việt Nam không, thì được trả lời, gạo Mỹ chứ Việt gì. Blue Ribbon đó, bán ở Costco”.
Hình ảnh do anh bạn chụp ở siêu thị Cali gửi về. Gạo Thái in chữ Việt để bán cho người Việt.
Đối thủ thì ngày càng nặng ký
Một bao 25lbs (tính ra chừng gần 12kg) bán giá chỉ có 9 đô, trong khi một bao gạo Thái cùng trọng lượng tới 14 đô. Mà gạo Mỹ ăn ngon đâu thua gì gạo Ba Cô Gái hay Con Phượng của Thái? Cái chính là gạo Made in USA, dân Mỹ ăn không lo có chất độc như gạo các nước châu Á. Thêm một mối lo nữa cho gạo Việt mình?
Tôi cũng vừa tranh luận với anh bạn này, tuần trước, khi anh ta scan gửi về một bài báo của “Người Việt” ở bển cũng viết về…gạo. Panda Rice, gạo Mỹ trồng ở California cho… người Việt. Bài báo rành mạch: Panda Rice trồng ở Sacramento, ra mắt thị trường California từ năm 2011. Năm 2016, gạo này đã có chứng nhận NON-GMO (không biến đổi gen), còn được FDA chứng nhận là gạo 0% đường.
Nhiều người Việt Nam ăn thử, thấy được, nhưng rồi phân vân vì thấy tên và hình con gấu Panda là giống như gạo của Tàu, khiến chủ nhân phải giải thích là gạo ra đời đúng năm mà phim Kungfu Panda 2 do hãng Mỹ Dream Works được nhiều người Mỹ thích nên ông chọn tên là Panda. Sau đó, người Việt tỏ ra an tâm hơn để ăn gạo này, họ nói, căn bản là gạo trồng ở Mỹ, kiểm soát bởi USDA lại 0% đường, là an toàn. Bạn tôi kết luận: vậy phải qua Mỹ trồng lúa, chắc ăn hơn xuất gạo qua đây.
Phải sản xuất tại Mỹ mới an toàn? Nói vậy lạc hậu quá, tôi cãi. Vậy chứ USDA cấp chứng nhận hữu cơ cho doanh nghiệp ngoài nước Mỹ, sau ba bốn năm trời họ kiểm tra ngặt nghèo, để làm chi? Anh bạn hơi bí, nhưng cũng chống chế nhẹ: Ừ, chứng chỉ USDA thì chắc dân Mỹ tin an toàn, nhưng phải đi “nói” khắp bàng dân thiên hạ biết về giấy chứng nhận của mình thì còn mệt, còn lâu và tốn tiền lắm đó.
Nhưng tiền “đi nói” cho dân Mỹ tin, chắc chưa đáng kể bao nhiêu với chặng đường từ sản xuất trên cánh đồng Việt, cho tới khi cập cảng Hoa Kỳ. Nếu lấy được chứng chỉ hữu cơ, cũng còn lắm chặng mới vào được bếp người Mỹ. Nhìn lại chặng đường sinh thành, trôi dạt của hạt gạo này mới thấy bộn bề ngổn ngang kinh hoàng.
Ta rất sẵn dây để trói buộc mình!
Còn nóng và thời sự là nghị định 109 đặt những điều kiện thần thánh không sao đáp ứng nổi cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo, quy định về nhà kho chuyên dùng (có sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa), về nhà máy xay xát (công suất tối thiểu 10 tấn/giờ). Tìm hồi lâu mới ra được thông tin là: quý 2/2017, tổ biên tập và ban soạn thảo sửa đổi nghị định 109 gồm các viên chức bộ Công thương, đại diện các bộ ngành, các tỉnh sẽ báo cáo với Chính phủ vào quý 2/2017. Trời đất? Thị trường cạnh tranh từng ngày, từng giờ, người tiêu dùng đứng trước hàng dãy sản phẩm, chỉ có 30 giây để quyết định chọn mua mà cởi trói, sổ lồng cho xuất khẩu gạo phải chờ hàng năm, hàng quý?
Đừng than FDA chơi hiện đại hoá vụ an toàn, thành ra mình gặp khó. Đâu đến FDA, khó ngay từ trong chính nội bộ nơi cung ứng gạo. Luật Hiện đại hoá an toàn thực phẩm (Food Safety Modernization Act) ít được nhắc tới trong những khó khăn ngổn ngang của xuất khẩu thực phẩm, nông sản, coi như không mấy ai biết.
Cái khó chồng chất. Đất đai vốn nhiễm độc thuốc sâu lâu ngày, diện tích khả dĩ trồng được gạo sạch, hữu cơ để xuất sang Hoa Kỳ, châu Âu vẫn có nhưng ít, còn ruộng đang cày, muốn giảm hoá chất độc ngậm trong đất lâu nay, thì phải rửa hoá chất vài năm…
Trong khi đó, luật Hiện đại hoá an toàn thực phẩm (FSMA) yêu cầu: thay vì kiểm tra chất lượng sản phẩm cuối cùng khi đến cảng Hoa Kỳ, nay FDA yêu cầu tất cả tác nhân trên chuỗi ung ứng (từ nhà sản xuất đến chế biến, dán nhãn, đóng gói, vận chuyển đến nhà nhập khẩu của Mỹ) phải tổ chức lại, đầu tư hệ thống thiết bị và con người sẵn sàng để xác định và quản lý các nguồn gốc rủi ro ở từng khâu trong quy trình, ghi chép kỹ và luôn có sự giám sát của bên thứ ba. Nhà xuất khẩu phải đăng ký mã số kinh doanh mới với FDA và lựa chọn nhà đại diện nhập khẩu tại Mỹ.
Vào hệ thống siêu thị bán lẻ còn nhiêu khê hơn nữa. Tất cả bao hàm yêu cầu theo dõi thông tin thường xuyên của FDA và các cơ quan hữu quan liên quan, có sự tư vấn của nhà nhập khẩu, bên thứ ba và luôn có biện pháp phòng ngừa rủi ro trong chính dây chuyền cung ứng của mình. Không thể làm mọi chuyện quấy quá, qua loa và đối phó sao cho trót lọt ở khâu cuối cùng. Khi bàn sâu về những thay đổi này, anh bạn tôi kêu lên ai oán: “Cái chết là chỗ đó. Nóng ruột thì đi xem thiên hạ bán gạo, chớ càng đi xem càng uất nghẹn chị ơi”.
Đoạn email gần nhất của anh bạn, mới tối qua đây: “Người Việt ăn gạo của nước khác, người ta lịch sự in chữ Việt để bán cho mình. Trong khi lúa gạo trong nước thì thừa mà như mắc nghẹn, nhìn quầy gạo của Thái trong siêu thị Mỹ, vừa nghẹn ngào vừa uất ức. Mình là nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới, sao lại ra nông nỗi này?”.
Phải nói là “cái sự xuất khẩu gạo” của doanh nghiệp Việt Nam bây giờ cực kỳ ngổn ngang. Họ đang mắc trong mớ bòng bong quyền tài sản, quyền sử dụng về đất của người làm ra nguyên liệu chính (nông dân). Rồi ai giúp họ ghi chép theo tiêu chuẩn, quy trình? Ai cập nhật thông tin? Rồi ứng biến với biến đổi khí hậu? Rồi đi tìm nhà nhập khẩu từ Hoa Kỳ hay châu Âu? Rồi nghiên cứu luật Hiện đại hoá an toàn thực phẩm? Rồi ai hướng dẫn làm lại chuỗi cung ứng cho hợp quy định mới? Quá ngổn ngang. Nếu Chính phủ không hết lòng lắng nghe, thay đổi chính sách, kịp thời tháo gỡ cho người trồng lúa và kinh doanh xuất khẩu gạo, nếu các hiệp hội không đứng ra trợ lực doanh nghiệp những công việc họ cần mình…
Hỡi ôi, thị trường đâu chờ mình dọn xong tình thế ngổn ngang trong nhà. Huống chi thời buổi này ai cũng giương cao hàng rào kỹ thuật bảo hộ của chính nước nhập khẩu? Muốn tăng xuất khẩu thì đâu có thể chỉ sửa số thống kê hay hô khẩu hiệu?
Theo danviet.vn