Search
Thứ 3, 17/04/2018, 14:07 PM

Hải Dương chuẩn bị "tung" ra thị trường 15.000 tấn vải thiều sớm

Hải Dương chuẩn bị "tung" ra thị trường 15.000 tấn vải thiều sớm

Theo của Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương, hiện nay, các trà vải trên địa bàn đang trong giai đoạn quả non đến vào cùi; tỷ lệ ra hoa, đậu quả của các trà vải cao, trên 95% và dự kiến là một năm được mùa nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hải Dương cho biết, diện tích vải thiều của tỉnh niên vụ 2018 đạt 10.500ha, trong đó vải chín sớm 2.000 – 2.500ha, vải thiều 8.000 – 8.500ha; tổng sản lượng vải quả dự kiến đạt 55.000 – 60.000 tấn, trong đó, vải sớm khoảng 15.000 – 18.000 tấn, vải thiều từ 40.000 – 45.000 tấn, tập trung chủ yếu tại huyện Thanh Hà (vải sớm 15.000 tấn, vải thiều 20.000 tấn), Chí Linh (vải thiều 15.000 tấn).

 hai duong chuan bi

Dự kiến, năm nay nông dân Hải Dương có một vụ vải được mùa lớn. Ảnh: I.T.

“Dự kiến, từ ngày 5/5/2018, trà vải cực sớm của tỉnh Hải Dương, gồm vải u trứng và vải hang son bắt đầu cho thu hoạch; trà vải sớm thu hoạch tập trung từ 15 – 25/5 và trà vải thiều thu hoạch tập trung từ 20/5 đến 20/6”, bà Hà cho biết thêm.

Điều đáng ghi nhận là, tỉnh Hải Dương đã xây dựng được 13 vùng sản xuất vải phục vụ xuất khẩu đi Mỹ, Australia, EU, với diện tích 131,68ha, sản lượng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu khoảng 1.000 tấn; diện tích vải đạt tiêu chuẩn VietGAP là 187ha, sản lượng 1.500 tấn.

 hai duong chuan bi

Việc tiêu thụ vải vẫn phụ thuộc vào thương lái.

Tuy vậy, cũng theo bà Hà, việc vải, nhãn toàn miền Bắc được mùa cũng sẽ gây áp lực trong việc tiêu thụ khi thị trường tiêu thụ vải vẫn chưa mở rộng. Cho đến nay, thị trường tiêu thụ truyền thống của vải vẫn là Trung Quốc và nội địa.

“Trong khi Trung Quốc vừa đưa ra yêu cầu về áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm. Đây là rào cản mới cho nông sản Việt Nam nói chung và quả vải Việt Nam nói riêng khi xuất khẩu sang thị trường này”, bà Hà nói.

Đó là chưa kể công nghệ bảo quản, chế biến vải còn lạc hậu, thời gian bảo quản vải tươi không dài, trong khi thời vụ thu hoạch ngắn, tập trung nên khó khăn cho việc vận chuyển, tiêu thụ.

Nông dân sản xuất vải còn thiếu thông tin thị trường nông sản, sản xuất không theo hợp đồng từ đầu vụ và luôn đứng trước nguy cơ được mùa mất giá với dễ bị tư thương ép giá ngay tại các điểm thu mua trong vùng.

 hai duong chuan bi

Dự kiến vụ vải thiều năm nay, nông dân Hải Dương sẽ được mùa. Ảnh minh họa

Để đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều, bà Hà kiến nghị, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương đẩy mạnh các chương trình quảng bá, xúc tiến tiêu thụ vải để mở rộng thị trường; mời gọi, hỗ trợ và kết nối các doanh nghiệp tiêu thụ vải trong và ngoài nước để đẩy mạnh xuất khẩu.

Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp về chính sách thị trường, các rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật, đặc biệt là các yêu cầu về tiêu chuẩn quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm của các thị trường.

Năm 2017, sản lượng vải của tỉnh Hải Dương đạt 29.097 tấn, năng suất bình quân đạt 27,86 tạ/ha; tổng sản lượng vải tiêu thụ trong nước đạt 18.500 tấn; tổng sản lượng xuất khẩu 10.541, 5 tấn, trong đó, hơn 80% lượng vải được xuất đi Trung Quốc.

Theo danviet.vn



0.78349 sec| 1471.023 kb