Anh Phạm Đình Chiểu - xã Vũ Đoài - Vũ Thư - Thái Bình đã có thu nhập tiền tỷ mỗi năm nhờ gắn bó với nghề nuôi cá lồng mặc dù trước đó anh từng thất bại từ trang trại VAC.
Vợ chồng anh Phạm Đình Chiểu hăng say với nghề nuôi cá lồng. Ảnh: Thu Hà
Vợ chồng anh Chiểu bắt đầu làm trang trại VAC từ năm 1992 và cho đến năm 2000, anh Chiểu có trang trại với quy mô lớn và hiện đại hàng đầu ở xã. Trong chuồng nhà anh lúc nào cũng nuôi trên 300 con lợn thịt, 10.000 con gà trên diện tích 7 mẫu, anh còn đào 3 ao để nuôi các loại cá. Ngoài ra, anh Chiểu cũng tận dụng trồng cây hòe trên bờ. Mỗi năm, vợ chồng anh có doanh thu vài tỷ đồng từ trang trại nhờ chăm chỉ, chịu khó.
Anh Phạm Đình Chiểu phấn khởi nói: "Gia đình tôi có cuộc sống sung túc hơn từ khi gắn bó với nghề cá lồng. Vợ chồng tôi có 2 cháu, cũng tạo mọi điều kiện cho con cái ăn học đàng hoàng và hiện cả 2 đều đang du học ở Nhật Bản. Vợ chồng tôi cố gắng lo cho con những gì tốt nhất có thể dù cho phải vất vả như thế nào". |
Nhưng sự đời đâu có ngờ, chuyện làm ăn đang thuận buồm xuôi gió, đột nhiên dịch cúm gia cầm, dịch tai xanh bùng phát vào năm 2005 khiến cho trang trại của anh thiệt hại cả tỷ đồng (hơn 100 con lợn thịt, 4.000 con gà). Vợ chồng anh gạt nỗi buồn qua bên, gây dựng cơ nghiệp lại từ đầu.
Đầu năm 2012, vợ chồng anh lại khăn gói sang tận Hải Dương tham khảo mô hình nuôi cá lồng hiệu quả, khi tình cờ nghe được sự giới thiệu từ bạn bè. Anh Chiểu tâm sự: "Tận dụng khí thấy có nguồn nước sạch từ sông Hồng chảy qua địa bàn xã, rất phù hợp để nuôi cá lồng. Vậy nên, tôi quyết định trở thành một trong những người đầu tiên nuôi thử nghiệm cá lồng, đầu tư nuôi 24 lồng cá trên sông tại địa phương.
Được biết, khi khởi nghiệp anh Chiểu đã vô cùng khó khăn do thiếu vốn, thiếu kỹ thuật với nghề nuôi cá lồng, cộng thêm những lần thất bại khiến tiền tỷ trôi sông. Anh Chiểu nhớ lại: "Tháng 8.2012 xảy ra trận mưa bão lịch sử khi vừa xuống giống cá được 4 tháng. Do chưa bao giờ bỏ neo nên đàn cá cứ thế mà theo dòng nước lớn bơi ra khỏi lồng. Anh Chiểu tiếp tục gặp khó khăn khi bị thiệt hại cả gần tỷ đồng từ việc cá trong lồng chết sạch do mưa to kéo dài gây lũ từ cơn bão.
Theo tính toán của anh Chiểu, loại cá lăng, cá diêu hồng, cá chép giòn là những giống cá được anh Chiểu chọn vì chúng được thị trường ưa chuộng làm đối tượng nuôi chính, và có giá trị kinh tế.
Từ năm thứ 2, anh Chiểu đã đầu tư nuôi cá lồng theo quy trình khép kín để tăng hiệu quả sinh lợi. Anh đã chủ động khi chọn con giống, tiếp thu ứng dụng kỹ thuật nuôi và tìm nguồn thị trường tiêu thụ. Đồng thời, anh Chiểu liên kết với các công ty sản xuất thức ăn, thuốc thủy sản.
Anh Chiểu cho hay: “Sẽ tiết kiệm được chi phí khi hợp tác với các công ty này bởi vì có 3 cái lợi: đảm bảo nguồn thức ăn, thuốc thủy sản uy tín, ổn định; các cán bộ của công ty thường xuyên về tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh cho cá cho các chủ trang trại".
Không lùi bước trước những khó khăn. Anh Chiểu nói: "Sau những lần thất bại và đúc rút ra bài học kinh nghiệm, tôi chủ động hơn khi vào mùa mưa lũ, thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, bỏ neo cẩn thận các nồng cá để tránh bị trôi khi nước chảy xiết...sẵn sàng chủ động chuẩn bị phòng tránh cho lồng cá trước những nguy cơ có thể xảy ra. Nghề nuôi cá lồng cũng rất gian nan nên mình không được nản, nút thắt ở đâu thì mình gỡ ra ở đó".
Giờ đây, bằng sự nỗ lực không ngừng của bản thân, anh Chiểu đã có thu nhập cao từ xây dựng mô hình nuôi cá lồng bền vững với 74 lồng cá, có diện tích 36m2/lồng. Anh Chiểu cho biết, mỗi lồng cá trên sông sẽ có năng suất cao bằng 8 – 9 mẫu ao và cho thu hoạch cả gần chục tấn cá. Mỗi năm, trừ chi phí đầu tư gia đình anh còn thu lãi hơn 3 tỷ đồng từ nuôi cá lồng, trong đó có hơn 500 tấn cá được anh xuất bán.
Thu Thuy/Nguồn: Dân Việt