Search
Thứ 2, 28/11/2016, 09:39 AM

Đặc sản huyền thoại xứ Mường: Nếp gà gáy Mỹ Lung

Đặc sản huyền thoại xứ Mường: Nếp gà gáy Mỹ Lung

Nếp Gà gáy Mỹ Lung nổi tiếng là thứ gạo đặc sản ngàn năm của người dân tộc Mường ở huyện Yên Lập (Phú Thọ) gắn liền với huyền thoại được nhiều người dân nơi đây truyền miệng từ đời này sang đời khác.

 dac san huyen thoai xu muong: nep ga gay my lung hinh anh 1

Đặc sản huyền thoại xứ Mường: Nếp gà gáy Mỹ Lung (Ảnh: NNVN)

Lúa nếp gà gáy có sự tích từ câu chuyện về một người con gái xinh đẹp đã từ chối nhiều chàng trai giàu có để đem lòng yêu một chàng nông dân chịu thương chịu khó, chăm chỉ làm ăn. Đêm tân hôn của hai vợ chồng, mẹ chồng cô gái dặn ngâm gạo nếp để sáng mai dậy đồ xôi. Vì quá say đắm bên nhau, họ quên mất lời mẹ dặn.

Khi tỉnh dậy, gà đã gáy canh ba, người vợ hốt hoảng vội vàng đổ gạo nếp vào ngâm. Lạ thay, nồi xôi hôm đó vẫn dẻo và thơm như mọi ngày. Mẹ chồng biết chuyện, nhìn con dâu với ánh mắt âu yếm và mỉm cười thốt lên "Nếp gà gáy".

Từ đó, cái tên ấy được lưu truyền cho đến ngày nay. “Nếp gà gáy” không chỉ là nét văn hóa ẩm thực lâu đời của địa phương mà quả thực, hương vị của gạo nếp gà gáy rất thơm ngon, độc đáo. Xôi nếp đồ từ loại gạo này dẻo, bùi mà lại không dính tay, để được hai ngày không bị cứng. Người nào từng ăn qua nếp gà gáy chắc hẳn không thể nào quên được vị ngọt mộc mạc, đậm đà hiếm có. Nếp Gà gáy được trồng từ tháng 5 đến tháng 10.

Thóc giống nếp Gà gáy được bảo quản nửa năm trước khi vào vụ mới. Người dân trong xã căn cứ vào màu sắc biến đổi của lá cây cỏ từ màu xanh chuyển màu đỏ ở trên rừng là lúc vào thời vụ gieo lúa hoặc khi cây sổ đang rụng lá thì được đem mạ nếp Gà gáy đi gieo. Đặc biệt, nếp Gà gáy chỉ ngon và đạt năng suất cao khi trồng ở đất pha cát, nước từ khe suối chảy ra.

Nếp Gà Gáy không được gặt bằng liềm hay máy mà phải thu hoạch từng bông bằng tay cùng dụng cụ có tên là “túm”. Lúa được bó thành từng “cúm”, gánh về phơi. Khi những cúm lúa đã săn, người Mường không đem đi suốt mà cho vào bao hoặc treo lên gác bếp. Hạt thóc khi xát ra nhìn nửa trắng, nửa trong, tỏa hương thơm dễ chịu.

Lúa nếp Gà gáy khi trồng thân cây cao ngang đầu người, mùi hương thơm nên rất dễ bị sâu bệnh. Đặc biệt là nếu thời tiết xấu, mưa bão vào dịp lúa chín, cây đổ thì coi như mất mùa. Bởi vậy, năm 2005, nếp gà gáy đứng trước nguy cơ mất giống vì chỉ có duy nhất xã Mỹ Lung còn trồng với diện tích ít ỏi, khoảng 4 - 5 ha.

Từ năm 2006 đến 2011, dự án phục tráng gạo nếp gà gáy được thực hiện, diện tích và năng suất lúa tăng lên. Tuy nhiên, sau khi dự án kết thúc diện tích trồng lúa nếp gà gáy dần bị thay thế bằng giống lúa khác. Nguyên nhân là do bà con nơi đây còn chưa quen với sản xuất hàng hóa, giá thành gạo nếp gà gáy cao gấp 2 đến 3 lần gạo thường trong khi đầu ra không ổn định, chưa có nơi tập trung bao tiêu sản phẩm để phân phối ra thị trường.

Trong những năm gần đây, các cơ quan quản lý tại huyện Yên Lập (Phú Thọ) đã tạo điều kiện thuận lợi để xã Mỹ Lung thành lập được Hợp tác xã (HTX) sản xuất nếp Gà gáy. Ban chỉ đạo sản xuất xã Mỹ Lung đã chỉ đạo Tổ khuyến nông, HTX Gà Gáy đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm...; tổ chức cho bà con nhân dân tại địa phương tham gia tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan, học hỏi các mô hình sản xuất, trong và ngoài tỉnh. Năm 2007, nếp Gà gáy đã đạt giải thưởng COVA.

Tới tháng 10.2010, được Cục sở hữu Trí tuệ công nhận nhãn hiệu tại Quyết định số 22828/QĐ- SHTT. Năm 2015, diện tích gieo cấy nếp Gà gáy của xã đạt 40,5 ha, tăng 135% so với năm 2014. Nếp Gà gáy có năng suất trung bình đạt từ 100 - 130 kg/sào, tương đương 28 đến 36 tấn/ha; thu nhập đạt 70 triệu đến 90 triệu/ha cao gấp 3,7 - 4,0 lần so với trồng các giống nếp khác.

Hiện nay, nếp Gà gáy Mỹ Lung đã được giới thiệu và vươn tới thị trường khắp mọi miền đất nước, góp phần cho những bữa cơm thêm thơm ngon và mang đậm bản sắc Văn hóa ẩm thực của miền quê Đất Tổ. Cũng nhờ phát triển sản xuất nếp Gà gáy mà nhiều hộ dân xã Mỹ Lung đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống khá giả hơn.

 

Theo TTXTTMNNHN



0.36174 sec| 1471.094 kb