Search
Thứ 4, 27/11/2019, 13:55 PM

Cục trưởng Cục Chăn nuôi: Cực chẳng đã mới phải nhập khẩu thịt lợn

Cục trưởng Cục Chăn nuôi: Cực chẳng đã mới phải nhập khẩu thịt lợn

Tại toạ đàm “Phát triển ngành chăn nuôi: Từ góc nhìn chống dịch tả lợn châu Phi” do Công thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 26/11, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, việc nhập khẩu thịt lợn để bù đắp lượng thiếu hụt là bất khả kháng nhưng sẽ tính toán trên cơ sở hài hòa lợi ích người dân và doanh nghiệp.

Theo ông Hoàng Anh Tuấn, dựa trên tổng đàn lợn hiện tại của Bộ NNPTNT, sức sản xuất của doanh nghiệp, Bộ Công Thương dự tính, lượng thịt lợn bị thiếu hụt cho các các tháng cuối năm 2019, đầu năm 2020 là khoảng 200.000 tấn.

"Trong bối cảnh đàn lợn bị thiệt hại nặng do dịch tả lợn châu Phi, việc thiếu hụt nguồn cung là khó tránh khỏi, trong khi việc tái đàn, khôi phục chăn nuôi phải có quá trình nên Bộ Công Thương thống nhất với Bộ NNPTNT đề xuất nhập khẩu thịt lợn để bù đắp lượng thịt thiếu hụt trên tinh thần đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, người chăn nuôi, người " - ông Tuấn nói.

Cục trưởng Cục Chăn nuôi: Cực chẳng đã mới phải nhập khẩu thịt lợn

Việt Nam thiếu khoảng 200.000 tấn thịt lợn cho những tháng cuối năm 2019, đầu năm 2020. Ảnh: I.T

Cũng theo ông Tuấn, hiện có 24 nước có quan hệ hai chiều với Việt Nam về mặt hàng thịt lợn, các doanh nghiệp có thể tìm kiếm nguồn hàng từ các thị trường này, nhưng phải đảm bảo các điều kiện về kiểm dịch thú y, dịch bệnh và an toàn thực phẩm của Bộ NNPTNT.

"Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ NNPTNT giúp các doanh nghiệp tiếp cận thị trường châu Âu, châu Mỹ, các doanh nghiệp quan tâm có thể liên hệ với Thương vụ của Việt Nam ở các thị trường để được hỗ trợ" - ông Tuấn cho biết thêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, trong cuộc họp bàn giải pháp bình ổn thị trường thịt lợn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ NNPTNT phải dự đoán nhu cầu thịt lợn và nguồn cung của từng tháng từ nay tới Tết Nguyên đán Canh Tý (nhu cầu thịt lợn sẽ tăng từ 25-30%/ngày). Cùng với đó, Bộ NNPTNT báo cáo Chính phủ kế hoạch bù đắp nguồn cung và không để dư thừa nguồn cung trong thời gian tới.

"Phó Thủ tướng chỉ đạo bằng mọi giá không để thiếu thịt, nhất là thịt lợn trong dịp Tết nhưng phải đảm bảo được lợi ích các bên là doanh nghiệp, người chăn nuôi, giữ ổn định thị trường chăn nuôi. Việt Nam không dễ có được ngành hàng thịt lợn phát triển như hiện nay khi đứng thứ 6 thế giới về đầu lợn, có lúc đứng thứ 4 thế giới. Bộ NNPTNT chắc chắn tìm mọi cách để đủ nguồn cung thịt lợn. Việt Nam là nước nông nghiệp không thể chỉ đi nhập khẩu thịt lợn về để ăn, “cực chẳng đã” mới phải nhập khẩu không để thiếu nguồn cung và không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng" - ông Dương nói.

Cục trưởng Cục Chăn nuôi: Cực chẳng đã mới phải nhập khẩu thịt lợn

Người Trung Quốc trong cơn khủng hoảng thiếu thịt lợn. Ảnh: I.T

Ông Dương cho rằng, thịt lợn là mặt hàng nhập khẩu tự do, doanh nghiệp tính toán có lợi thì sẽ nhập. "Nhưng đứng trên góc độ ngành chăn nuôi thì không ai muốn, nhưng nếu thiếu nguồn thì việc nhập khẩu là quy luật tự nhiên theo kinh tế thị trường.

"Trước mắt nhập khẩu cần kiểm soát tốt cả về chất lượng, xuất xứ hàng hóa, hạn sử dụng. Hiện nay, giá thành sản phẩm thịt lợn trên thế giới đang cao lên, khu vực ăn thịt lợn nhiều nhất là châu Á, điển hình là Trung Quốc, nguồn cung thế giới cũng có thể thiếu theo. Nếu hàng nhập khẩu được kiểm dịch tốt, xuất xứ tốt, hạn sử dụng tốt thì giá có về cũng không phải là giá thấp" - ông Dương dự đoán và cam kết "sẽ có phối hợp với các bên kiểm soát tốt, nhập về sản phẩm thực sự tốt có giá trị mà không ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi".

Cũng theo ông Dương, Bộ NNPTNT xác định tăng sản xuất các loại vật nuôi an toàn là gia cầm, gia súc ăn cỏ, thủy sản... Lựa chọn này là khoa học, phải tái cơ cấu cả sản xuất ngành chăn nuôi, tái cơ cấu cả bữa ăn hàng ngày, không quá lệ thuộc vào một mặt hàng thực phẩm.

Một chút thịt lợn, bò, gà, trứng, thủy sản… mới tạo ra khẩu phần ăn hợp về dinh dưỡng và khẩu vị, tận dụng lợi thế sinh học. Gia cầm vòng đời ngắn, chi phí chăn nuôi thấp. Trong khi nuôi lợn thời gian khá dài, mất tới 6 tháng, lợn nái thì vòng đời cả năm, áp lực môi trường… Theo tôi, vẫn phải tái cơ cấu thay đổi quy mô, giảm chăn nuôi lợn, tăng nuôi những con khác lên" - ông Dương nhấn mạnh.

Một trong những giải pháp quan trọng khác là tái đàn, không tái đàn ồ ạt tránh tái dịch. Ông Dương cho biết, từ 3 tháng trước, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã có văn bản chỉ đạo: Một là mở rộng quy mô đàn ở những vùng, cơ sở an toàn dịch. Tái đàn ở chỗ bị dịch thì sau 30 ngày hết dịch phải kiểm tra không có mầm bệnh, kiểm soát được chăn nuôi an toàn sinh học thì địa phương tạo điều kiện để tái đàn.

"Thịt lợn không chỉ thiếu từ nay đến Tết mà còn thời gian dài nữa. Không tái đàn thì không thể đủ, tái đàn nhưng không để tái dịch" - ông Dương nói.



0.22860 sec| 1471.875 kb