Sau 7 lần tổ chức, Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam năm 2019 tiếp tục khẳng định và đề cao vai trò, vị thế của người nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng hình mẫu người nông dân mới.
Đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam
Tôn vinh những cống hiến tiêu biểu
Nhân dịp này, đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (T.Ư NDVN) đã trả lời Báo NTNN về mục đích, ý nghĩa của chương trình nhằm vận động giai cấp nông dân tích cực vươn lên làm giàu chính đáng trong thời kỳ hội nhập.
2019 là năm thứ 7 Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam được tổ chức nhằm tôn vinh những nông dân thế hệ mới dám nghĩ dám làm. Vậy mục đích hướng tới của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam năm 2019 là gì, thưa đồng chí?
- Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam do T.Ư Hội NDVN chủ trì đã trải qua 7 lần tổ chức và trở thành một hoạt động không thể thiếu nhằm chào mừng Ngày Truyền thống Nông dân Việt Nam (14/10) hàng năm.
Đồng chí Thào Xuân Sùng tham quan mô hình cửa hàng nông sản an toàn ở Ninh Bình. Ảnh: Trần Quang
"Dự kiến, cuối năm 2019 này, BCH T.Ư Hội NDVN sẽ ban hành nghị quyết về “Xây dựng xã hội nông thôn văn minh hiện đại”. Trong đó, nghị quyết cũng hướng đến xây dựng “người nông dân mới”, những người nông dân “3 biết” đó là xây dựng kế hoạch sản xuất hàng hóa, biết sản xuất hàng hóa và biết tiêu dùng hàng hóa”. Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng |
Người nông dân nói riêng với tư cách là cá thể, giai cấp nông dân với tư cách là một tổ chức luôn luôn là chủ thể trong dựng nước và giữ nước. Trong quá trình phát triển nông nghiệp và nông thôn, vai trò chủ thể của nông dân thể hiện rất rõ, góp phần phát triển nền nông nghiệp của nước ta ngày càng có năng suất, chất lượng, giá trị cao.
Việc tôn vinh người nông dân chính là khẳng định những sáng kiến mà họ đã đóng góp trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng thời cũng khẳng định những chủ trương của Đảng, Nhà nước ta là đúng đắn và ngày càng hoàn thiện. Đây chính là mục đích, ý nghĩa định kỳ chúng ta tổ chức lễ tôn vinh những người nông dân có nhiều cống hiến xuất sắc, tiêu biểu.
So với những lần tổ chức trước, Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam năm 2019 có gì khác biệt, thưa đồng chí?
- Điểm khác biệt nhất và đáng mừng nhất của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 2019 chính là chất lượng người nông dân cùng với sản phẩm của họ được nâng cao hơn.
Vừa qua BCH T.Ư Hội NDVN đã ban hành Nghị quyết số 04 về đẩy mạnh phát triển chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp để những người cùng chí hướng, cùng ước mơ cùng thực hiện việc sản xuất đến tiêu thụ một loại sản phẩm.
Thời gian qua, Hội NDVN đã xây dựng được 683 chi hội nông dân nghề nghiệp với doanh thu bình quân của chi hội 30 - 40 người là 60 - 70 tỷ đồng/năm. Đây là điều mà chi hội nông dân truyền thống chưa thể làm được mà phải có chi hội nông dân nghề nghiệp để cùng liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất. Thông qua những chi hội nông dân nghề nghiệp, tính tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự chia sẻ, tự chịu trách nhiệm, tự hưởng thụ... của chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp được tôn vinh.
Vì thế, năm nay sẽ có những gương mặt rất mới. Đây không chỉ là khát vọng, mong muốn của người nông dân mà cũng là khát vọng, mong muốn của Đảng, Nhà nước và Hội NDVN.
Thưa đồng chí, sau buổi lễ Tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019, T.Ư Hội NDVN có giải pháp gì để tiếp tục hỗ trợ nông dân, nhất là vấn đề thị trường, hội nhập quốc tế?
- Hiện, Hội NDVN đang và sẽ phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại tăng cường hỗ trợ, giúp đỡ người nông dân về vốn.
Sau lễ tôn vinh này, BCH T.Ư Hội NDVN sẽ ban hành các nghị quyết mới về nâng cao chất lượng hội viên, xây dựng các tổ chức kinh tế hợp tác và xã hội nông thôn văn minh, hiện đại. Trong đó, người nông dân thế hệ mới là chủ, làm chủ chính quê hương của mình để thực hiện thắng lợi phương châm “ly nông bất ly hương”...
3 giải pháp then chốt
Để giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản, tránh điệp khúc "được mùa rớt giá, được giá mất mùa", T.Ư Hội NDVN có giải pháp như thế nào về vấn đề này, thưa đồng chí?
- Để giải quyết căn cơ được vấn đề này, theo tôi chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp. Theo đó, việc đầu tiên chúng ta cần làm là làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản, nhất là các thông tin liên quan đến dự báo thị trường cho các loại hàng hóa cho người nông dân.
Trong thời gian vừa qua, T.Ư Hội NDVN cũng đã xây dựng và đưa vào hoạt động trung tâm thông tin về sản xuất và tiêu thụ nông sản. Hiện, trung tâm này đang hoạt động tốt và ngày càng hoàn thiện hơn để thường xuyên cung cấp, chuyển tải các thông tin mới nhất, đầy đủ nhất, chất lượng nhất về tình hình sản xuất cũng như thị trường, dự báo đầu ra cho các sản phẩm nông sản đến với nông dân cả nước, để từ đó bà con có kế hoạch sản xuất, chăn nuôi.
Giải pháp thứ 2 là tập trung vào công tác đào tạo, dạy nghề cho người nông dân theo phương châm “nông dân dạy nông dân”. Tức là chúng tôi tích cực đào tạo nghề cho các chi hội trưởng nông dân để từ đó các cán bộ hội cơ sở này về địa phương dạy nghề cho các hội viên, nông dân. Bên cạnh đó, Hội cũng sẽ tổ chức cho bà con đi tham quan mô hình sản xuất ở trong nước và nước ngoài để tiếp thu, học tập các kinh nghiệm sản xuất, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm...
Giải pháp thứ 3 là giải quyết vấn đề then chốt, đó là xây dựng đội ngũ cán bộ hội từ T.Ư đến cơ sở ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ. Từ năm 2019 này, T.Ư Hội đã tập trung rất cao cho công việc đào tạo đội ngũ cán bộ hội để đội ngũ này tiếp thu được các kiến thức mới, chuyên sâu đáp ứng nhu cầu triển khai nhiệm vụ, công việc trong tình hình mới.
Sắp tới để giải quyết các vấn đề "nóng" của ngành nông nghiệp như tiêu thụ nông sản, đất đai... đồng chí có kiến nghị hoặc đề xuất gì dưới góc độ đại diện tiếng nói người nông dân?
- Hiện nay, Chính phủ và các cơ quan liên quan của Quốc hội đang tập trung rất cao để sửa đổi, hoàn thiện Luật Đất đai 2013. Theo đó, Quốc hội sẽ xem xét sửa và bổ sung một số điều và bổ sung 5 quyền của người nông dân đối với đất đai. Qua đó sẽ giải quyết được điểm nghẽn về đất đai giúp người nông dân làm chủ được đất đai để người nông dân yên tâm sản xuất.
Thứ 2, các bộ, ngành liên quan như Bộ NNPTNT, Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Công Thương, Bộ LĐTBXH... cần phải phối hợp chặt chẽ với T.Ư Hội NDVN và UBND các tỉnh, thành trong việc tháo gỡ các vướng mắc về tam nông, dạy nghề, đặc biệt là việc quy hoạch sản xuất, chăn nuôi và lo đầu ra, thị trường tiêu thụ nông sản cho nông dân. Bộ Công Thương tăng cường thông tin, tuyên truyền và định hướng, dự báo thị trường giúp người nông dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Theo Trần Quang - Nguyễn Quỳnh