Lily (hoa Ly) là một trong những loài hoa đẹp và quan trọng hàng đầu thế giới. Với sự đa dạng về chủng loại và số lượng các giống lai thương mại nên hoa Ly đã chiếm phần lớn thị trường tiêu thụ. Người trồng hoa ly nếu nắm đúng kĩ thuật và cách chăm sóc thì sẽ thu về cho mình giá trị kinh tế cao.
Đặc trưng của Lily này là có kiểu dáng quý phái, độ bền cao, mùi hương ngọt ngào và màu sắc hấp dẫn, đặc biệt là ra hoa quanh năm…Loài hoa này rất thích hợp trồng ở những vùng có khí hậu mát mẻ, vì nó thuộc loại ôn đới.
Tại Việt Nam, hoa ly được xếp vào loại hoa cao cấp, so với các loại hoa thông thường như cúc, hồng, cẩm chướng thì thường có giá cao hơn từ 10-15 lần, chỉ đắt sau phong lan và địa lan. Chính vì có vị trí cao như vậy nên cơ hội để Việt Nam sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ hoa ở trong nước và ngoài thế giới là rất lớn.
Hoa ly có thể trồng làm hoa cát, hoa trong chậu và hoa ngoài vườn và dùng để phục vụ trong những ngày lễ tết và các dịp đặc biệt hoặc dùng cho trang trí nhà cửa, văn phòng. Nhờ sự đặc trưng về mùi hương và độ bền nên lyli được lòng rất nhiều người trên thế giới.
Nhiệt độ
Hoa Ly là cây ưa khí hậu mát ẩm, chịu rét khá, chịu nóng kém nên nhiệt độ thích hợp là 20-25 độ C (ban ngày) và 12 – 15 độ C (ban đêm). Hoa sẽ chậm phát triển, sinh trưởng kém và dễ bị mù nếu nhiệt độ dưới 120 độ C. Từ khi xuất hiện nụ đến khi ra hoa nhiệt độ chênh lệch ngày/đêm ảnh hưởng tới sự sinh trưởng của thân.
Ánh sáng
Cường độ ánh sáng phù hợp cho hoa ly là ở mức trung bình. Vào mùa hè cần che bớt 50% ánh sáng với nhóm lily châu Á và lily thơm, và nên che bớt 70% ánh sáng đối với nhóm hoa ly phương đông. Vào mùa đông, nếu bà con trồng trong nhà lưới, mà ánh sáng không đủ, nhị đực sẽ sản sinh Etylen, dẫn đến nụ bị rụng. Bà con lưu ý là nên bỏ bớt lưới che phủ để tăng cường ánh sáng tự nhiên cho nhóm lai châu Á, vì thiếu ánh sáng chúng sẽ không sinh trưởng nhanh được.
Độ ẩm
Hoa ly cần nhiều nước vào thời gian đầu và giảm bớt trong thời kỳ ra hoa (củ dễ bị thối, rụng nụ nếu gặp nhiều nước). Lily thích không khí ẩm ướt, độ ẩm thích hợp nhất là 80-85%.
Không khí
Hoa Ly khá mẫn cảm với khí etylen.
Chọn giống và củ giống
Nên chọn củ mập, to tròn, không có sâu bệnh nào và chưa nảy mầm, củ được bảo quản lạnh dài ngày. Để trừ nấm bệnh đem ngâm củ giống trong dung dịch thuốc Daconil 75WP từ 5 đến 10 phút, sau đó vớt ra để ráo nước rồi đem trồng vào chậu.
Chọn thời vụ trồng
Để hoa nở đúng dịp tết, chúng ta tính ngày trồng đến ngày hoa đầu nở khoảng 77 ngày cộng trừ 5 ngày tùy thời tiết lạnh hay nóng. Căn cứ thời gian sinh trưởng của giống, nhiệt độ, thời vụ trồng củ bắt đầu từ ngày 10-15/10 âm lịch.
Chọn đất
Loài hoa này cũng không kén đất nên nó có thể trồng trên nhiều loại đất. Tuy nhiên, vì rễ của hoa ăn nông và để tăng hiệu quả cao cho sự phát triển của hoa thì nên chọn đất thoát nước, tơi xốp, nhiều mùn, đất thịt nhẹ. Độ pH dao động từ 5,5-7. Trộn đều giá thể cho vào chậu theo công thức: 1 phần đất phù sa với 1 phân phân chuồng đã được ủ hoại mục và 2 phần xơ dừa đã được xử lý loại bỏ nanh.
Thời tiết mát mẻ (6-9h) thì tiến hành trồng hoa. Cho ½ đất đã trộn vào chậu hoa, đặt các củ ngay ngắn, mầm hướng lên trên. Cho tiếp ½ đất trồng còn lại vào chậu và tưới nhẹ. Nén nhẹ đất và giữ cố định vị trí củ trước khi di chuyển chậu.
Mật độ trồng
Căn cứ vào thời tiết, chủng loại củ giống, độ lớn của củ. Nên trồng thưa với các giống cây to, cao, và trồng dày với giống cây nhỏ thấp; vụ Xuân và vụ Thu ánh sáng đầy đủ có thể trồng dày, và trồng thưa trong vụ Đông ánh sáng yếu. Cây cách cây 15-20cm và mật độ 20-40 củ/m2.
Cách chăm sóc
Cần duy trì độ ẩm ở mức cân bằng cho đất trong kỳ sinh trưởng. Có thể tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt lên cây vào lúc 10h sáng. Căn cứa vào đất, nhiệt độ không khí, giống, tình hình sinh trưởng của cây và hàm lượng muối trong đất mà căn chỉnh lượng nước tưới cho phù hợp. Khi cây ra hoa tránh phun lên cây và ít tưới để nụ và hoa không bị thối.
Bón phân, tưới nước
Sau trồng khoảng 2-3 tuần đầu không cần bón phân. Nếu đất khô quá thì phun nước duy trì độ ẩm đất. Lấy tay bóp đất, nếu không ra nước sau đó gõ nhẹ mà đất vỡ ra là được.
Đối với 1ha cần bón: Phân chuồng hoai mục 60-80 m3; Vôi: 1000- 1500 kg. Lượng phân vô cơ nguyên chất: N: 120-150 kg; P205: 120-150 kg; K20: 150-180 kg. Hoặc tiến hành bón lót và thúc cho hoa vào các đợt. Cần bổ sung thêm các loại phân bón lá và vi lượng cho cây.
Phòng trừ sâu bệnh
Hoa ly rất dễ bị sâu bệnh như bệnh kho lá, rệp bông phá hạinên rất khó để có thể hồi phục được. Vì vậy, cần thường xuyên theo dõi, vệ sinh đồng ruộng, tiêu hủy tàn dư cây bệnh, đảm bảo nhà lưới thông gió, phun thuốc phòng trừ bệnh. Từ khi cây có lá thật, chiều cao thân chính đạt khoảng 15cm bắt đầu phun thuốc định kỳ 7 ngày/lần.
Che giảm và bổ sung chiếu sáng sau trồng
Biện pháp che lưới đen: dùng 1 hoặc 2 lớp lưới đen (tùy theo điều kiện từng năm) che cách chậu từ 2,0 - 2,5m. Tiến hành bỏ lưới đen ra sau 15-20 ngày.
Người trồng hoa nếu thấy điều kiện ánh sáng không đủ để cây phát triển, muốn giảm tỷ lệ thui nụ, nụ biến dạng thì có thể sử dụng chiếu sáng bổ sung 3 tiếng mỗi ngày (18 - 21h), liên tục trong 20 ngày.
Thu hoạch
Phải thu hoạch vào buổi sáng hoặc lúc trời râm mát để nụ không bị khô tóp lại và hạn chế việc giữ khô trong nhà lưới và để tránh sự thoát hơi nước của hoa. Tuyệt đối không thu hoạch vào giữa trưa.
Sau trồng 50-55 ngày thì có nụ và có thể thu hoạch vào khoảng 2-3 tuần sau đó.
Dùng dao hoặc kéo sắc để cắt, nên cắt cách mặt đất 10-15cm, để lại 5-6 lá/cây. Sau cắt đem ngâm ngay cành hoa vào nước sạch để cành hoa không bị mất nước.
Như vậy, việc trồng hoa ly không hề khó nhưng điều quan trọng là người trồng hoa phải nắm vững những kiến thức cơ bản cũng như kinh nghiệm: Các kĩ thuật, chăm sóc và bón phân hợp lý, cũng nên xác định thời điểm phù hợp để có thể thu hoạch hoa thành công.
Nhất Thủy