Search
Thứ 4, 24/07/2019, 10:00 AM

Bình Định “quay cuồng” vì hạn hán: Người khát, ruộng đồng nứt toác

Bình Định “quay cuồng” vì hạn hán: Người khát, ruộng đồng nứt toác

Người dân ở tỉnh Bình Định đang phải đối mặt với trận hạn hán lịch sử căng thẳng nhất trong 5 năm trở lại đây. Hàng chục ngàn hộ dân đối diện với cơn “khát” nước sinh hoạt, ruộng đồng khắp nơi nứt nẻ, nhiều diện tích lúa đứng trước nguy cơ chết cháy.

Bình Định “quay cuồng” vì hạn hán: Người khát, ruộng đồng nứt toác

Nhiều cánh đồng của nông dân ở huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định) nứt toác vì thiếu nước. 

Hạn hán khốc liệt

Tại vùng nông thôn huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định), nắng nóng đã khiến 860ha cây trồng bị khô hạn. Riêng diện tích lúa có gần 200ha đã bị chết khô hoặc thiếu nước nghiêm trọng, trên 420ha lúa và các loại hoa màu không đảm bảo nước tưới đến cuối tháng 7.

Trong khi đó, nhiều chân ruộng đã nứt chân chim, lúa mới sạ chết khô không thể cứu vãn, diện tích khô hạn tập trung chủ yếu tại các xã Ân Hảo Tây, Ân Tín, Ân Hữu, Ân Đức.

Theo ông Võ Duy Tín, Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Hoài Ân, đến nay hầu hết các hồ chứa nước lớn đã cạn trơ đáy nên hạn hán không chỉ ảnh hưởng tới cây trồng mà cả nước sinh hoạt. UBND huyện Hoài Ân vừa phải trích ngân sách hàng tỷ đồng để triển khai các biện pháp cấp bách chống hạn. Hiện, 66 trạm bơm chuyên dụng phải hoạt động hết công suất để tìm nguồn nước giải cứu các diện tích lúa chết cháy.

“Qua theo dõi khoảng 15 năm trở lại đây, chúng tôi nhận thấy năm nay tình hình hạn hán gay gắt nhất, các nguồn nước ở các sông suối nhỏ hầu như đều bị cắt đứt. Huyện cũng đã tập trung chỉ đạo công tác chống hạn rất quyết liệt, bằng mọi biện pháp sử dụng các trạm bơm điện, trạm bơm dầu và lắp đặt một số trạm bơm dã chiến để tận dụng các ao đìa, sông suối nhỏ để có nguồn nước”, ông Tín nói.

Bình Định “quay cuồng” vì hạn hán: Người khát, ruộng đồng nứt toác

Nông dân ở huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) đưa máy móc ra đồng tìm nước cứu lúa trong trận hạn hán.

Cánh đồng lúa thôn Nhận An Đông, xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn) lúc 12h trưa, trời nắng như đổ lửa nhưng gia đình nông dân Trần An Diêm vẫn hỳ hục đào bới giếng khoan với hy vọng có nước tưới cho mấy sào lúa đang đến kỳ trổ bông.

Theo ông Diêm, khu vực này gần một nửa diện tích lúa đã bị chết cháy do không có nước, phải cắt cho trâu bò ăn. Tiếc của, tiếc công vì lúa chỉ 30 ngày nữa là có thể thu hoạch, 4 gia đình chung nhau 6 triệu đồng khoan 1 giếng để lấy nước tưới với hy vọng, cứu được chừng nào hay chừng đó.   

“Bây giờ nhiều khu vực đã khô nước hết rồi, nước ở đập dâng sông Lại Giang không có tới đây. Tiếc công sức bỏ ra, chúng tôi phải tự bỏ tiền để đóng giếng cứu hạn thôi, chứ không thì đồng chết cháy”, ông Diêm nói.

Bình Định “quay cuồng” vì hạn hán: Người khát, ruộng đồng nứt toác

Giữa trưa nắng, người dân hì hục đào bới tìm nguồn nước.

Đối diện cơn “khát” lịch sử

Theo Sở NNPTNT tỉnh Bình Định, toàn tỉnh có 165 hồ chứa thủy lợi nhưng 140 hồ đã cạn nước, dung tích nước 25 hồ chứa còn lại chỉ đạt 24,0% thiết kế. Trong khi đó, nắng nóng liên tục đã khiến 11.445ha lúa vụ thu thiếu nước.

Dù người dân đang dùng nhiều biện pháp chống hạn, song vẫn có khoảng 481ha lúa bị chết, còn lại 4.064ha (phải tưới từ 4-6 lứa nước nữa) tiếp tục chống hạn, nếu thời tiết nắng nóng và vẫn không có mưa thì đến ngày 30/7, tổng diện tích lúa bị chết dự kiến tăng thêm 1.123ha.

Nghiêm trọng nhất, tại trạm bơm Chánh Khoan (huyện Phù Mỹ) lấy nước từ đầm Trà Ổ đến nay, mực nước hồ xuống thấp đã khiến 186ha lúa bị khô héo, vùng thị trấn Phú Phong và xã Tây Xuân (huyện Tây Sơn) do nguồn nước đập dâng Lộc Đổng - Kiền Giang bị suy giảm nhanh nên 9ha bị chết và 25ha bị héo.

Tại cánh đồng Vạn Xuân (xã Ân Hảo Tây), nguồn nước từ đập dâng Thác Đổ bị cạn kiệt cũng đã làm 10ha lúa chết và 38ha bị héo, khu tưới Đập Cấm (xã Hoài Châu) hồ nước bị cạn kiệt khiến 100ha lúa đã chết và bị héo 53ha.

Bình Định “quay cuồng” vì hạn hán: Người khát, ruộng đồng nứt toác

Một số cánh đồng bỏ không vì nguồn nước không thể đưa đến.

Nắng nóng lịch sử đang khiến cuộc sống của người dân tại Bình Định quay cuồng, hàng chục ngàn hộ dân lo âu đối diện với tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bình Định, toàn tỉnh có 10.062 hộ dân với 42.509 người thiếu nước sinh hoạt, bao gồm các huyện Hoài Nhơn 4.925 hộ, Phù Mỹ 2.729 hộ, Tây Sơn 100 hộ, Vân Canh 850 hộ, thị xã An Nhơn 100 hộ và Tuy Phước 1.358 hộ. 

Nếu như trường hợp thời tiết tiếp tục diễn biến bất lợi, nắng hạn kéo dài thì đến cuối tháng 7, số hộ dân thiếu nước sinh hoạt toàn tỉnh sẽ tăng lên con số 11.396 hộ với 44.560 người.

“Chính quyền địa phương phải nắm bắt kịp thời tình hình nắng hạn gây thiếu nước sinh hoạt, xây dựng phương án chống hạn. Đặc biệt, cần có kế hoạch cụ thể vận chuyển nước cấp cho người dân những vùng thiếu nước không có giải pháp khắc phục tại chỗ”, ông Nguyễn Văn Tánh, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bình Định kiến nghị khẩn.

Bình Định “quay cuồng” vì hạn hán: Người khát, ruộng đồng nứt toác

Nông dân ở tỉnh Bình Định rất khó khăn tìm nguồn nước với hi vọng cứu được lúa.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu cho biết, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở NNPTNT rà soát, thống kê cụ thể từng vùng, từng hộ dân. Từ đó, tỉnh sẽ đề nghị lực lượng Công an, Quân đội dùng các xe chuyên dụng để vận chuyển nước sạch đến tiếp tế cho các hộ dân thiếu nước, tránh tình trạng người dân tự mua nước sinh hoạt không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng gây nguy cơ dịch bệnh.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định yêu cầu UBND các huyện khoanh vùng địa điểm thiếu nước nghiêm trọng. Từ đó, UBND tỉnh có kế hoạch mở rộng mạng lưới nước sạch, cung cấp cho người dân những năm tiếp theo.

Bình Định “quay cuồng” vì hạn hán: Người khát, ruộng đồng nứt toác

Người dân ở tỉnh Bình Định đang chạm mặt với trận hạn hán lịch sử trong vòng 15 năm trở lại đây.

Cũng theo ông Châu, tỉnh Bình Định cũng nắm được tình hình hạn hán nên đã chủ động chuyển đổi cây trồng và bỏ không nhiều diện tích đất để không phải lãng phí công canh tác.

“Tình hình hạn hán đã xảy ra trên toàn tỉnh và ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã có chỉ đạo, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện nên vận động người dân chuyển đổi cây trồng. Căn cứ vào lượng nước thực tế từ đầu năm để tính toán, khoanh vùng lại. Vùng nào tưới chủ động, vùng nào phải chống hạn hoặc vùng nào không có nước thì để trống đất cho đỡ thất thoát về giống cũng như công làm đất”, ông Châu cho hay.

Theo Dũ Tuấn (Dân Việt)



0.25439 sec| 1496.031 kb