Sau 10 năm xây dựng NTM, tỉnh Lâm Đồng đã gặt hái được nhiều thành quả quan trọng, giá trị sản xuất bình quân trên cùng một đơn vị diện tích năm 2018 đạt 169 triệu đồng/ha, tăng gấp đôi so với năm 2010. Thu nhập bình quân đạt khoảng 39 triệu đồng/người/năm.
Lâm Đồng là một tỉnh miền núi thuộc phía Nam Tây Nguyên, có 12 huyện, thành phố và 117 xã. Trong đó, địa phương có 1 huyện và 16 xã nghèo diện 30a với khoảng 14.500 hộ nghèo, chiếm 4,97% số hộ toàn tỉnh, số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 8.000 hộ.
Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn còn yếu kém và thiếu đồng bộ, đặc biệt là vùng sâu vùng xa. Kinh tế phát triển còn hạn chế nhất định, GRDP bình quân đầu người đạt 19 triệu đồng chỉ bằng 88% bình quân cả nước.
Vươn lên từ nông nghiệp
Tuy còn nhiều những khó khăn nhất định nhưng Lâm Đồng đã được Ban Bí thư TƯ chọn là 1 trong 11 địa phương của cả nước thực hiện mô hình thí điểm xây dựng xã NTM từ đó làm tiền đề triển khai chương trình xây dựng NTM trong phạm vi cả nước vào năm 2009.
Chính vì vậy, để đạt mục tiêu đề ra, Ban chỉ đạo thực hiện chương trình với Trưởng ban là Bí thư cấp ủy các cấp, thành viên là người đứng đầu các cơ quan chuyên môn và tổ chức đoàn thể đã huy động được toàn bộ hệ thống chính trị tham gia xây dựng NTM.
Là địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp, có cơ cấu ngành nông nghiệp chiếm tới 50% GRDP với 61% dân số sống ở nông thôn. Trong đó, 24% là đồng bào dân tộc thiểu số nên phát triển sản xuất nông nghiệp luôn là mặt trận kinh tế, xây dựng nông thôn luôn là mặt trận chính trị hàng đầu của Đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân toàn tỉnh.
Giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng bình quân đạt khoảng 400 triệu đồng/ha. Ảnh: Văn Long.
Do đó, khi chương trình được triển khai thực hiện đã được sự quan tâm, vào cuộc của toàn thể nhân dân và cả hệ thống chính trị, tạo nên sức mạnh, nguồn lực to lớn để cụ thể hóa các mục tiêu đề ra. Đặc biệt, sự thuận lợi trong phát triển sản xuất nông nghiệp đã giúp cho các địa phương trong tỉnh sớm đạt được tiêu chí về thu nhập, đây là tiêu chí khởi nguồn để thực hiện các tiêu chí khác đồng thời giúp cho việc xây dựng nông thôn đạt được tính bền vững.
Tính đến tháng 6/2019 diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao toàn tỉnh đạt 56.403 ha, giá trị sản xuất công nghệ cao bình quân đạt khoảng 400 triệu đồng/ha, đặc biệt có nhiều mô hình có giá trị sản xuất trên 1 tỷ đồng/ha.
Đặc biệt, điều quan trọng nhất là nâng cao thu nhập cho người dân đã có chuyển biến vượt bậc. Giá trị sản xuất bình quân trên cùng một đơn vị diện tích tại tỉnh năm 2018 đạt 169 triệu đồng/ha/năm tăng gấp đôi so với năm 2010. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 39 triệu đồng/năm tăng gần 4 lần so với năm 2010. Đến nay có 97/116 xã đạt tiêu chí về thu nhập, đạt 83,62%.
Vì mục tiêu xuyên suốt
Theo quan điểm của tỉnh Lâm Đồng thì Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là chương trình trọng tâm, xuyên suốt để thực hiện chủ trương của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Xây dựng NTM là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, có điểm khởi động nhưng không có điểm kết thúc.
Đến tháng 6 năm 2019, toàn tỉnh Lâm Đồng có 90/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại có 11 xã đạt từ 15 – 18 tiêu chí. Trong đó, địa phương có 2 thành phố là Đà Lạt và Bảo Lộc đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM, đang hoàn tất hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
TP. Đà Lạt và Bảo Lộc đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM. Ảnh: Văn Long.
Ngoài ra, huyện Đơn Dương là 1 trong 4 huyện được Trung ương chọn chỉ đạo thực hiện Đề án mô hình thí điểm huyện NTM kiểu mẫu của toàn quốc. Hiện nay UBND tỉnh đã ban hành và triển khai Đề án “Xây dựng huyện Đơn Dương đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh giai đoạn 2018- 2025”.
Ông Võ Đình Khoát – Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Lâm Đồng cho biết: “Đơn Dương là một trong bốn huyện của cả nước được chọn để thí điểm xây dựng mô hình huyện NTM kiểu mẫu. Là huyện đầu tiên thực hiện thí điểm nên chúng ta cần vừa làm, vừa sửa, sao cho sát với thực tế tại địa phương để đảm bảo quá trình xây dựng luôn suôn sẻ, phù hợp với tiềm lực của huyện. Với tiền đề là huyện NTM đầu tiên của Tây Nguyên thì việc xây dựng và thực hiện đề án này sẽ có những lợi thế nhất định và thành công trong tương lai không xa”.
Tuy đã đạt được nhiều thành tựu lớn nhưng chương trình xây dựng NTM tại Lâm Đồng vẫn còn nhiều hạn chế.
Tuy đã đạt được những thành tựu nhất định nhưng công cuộc xây dựng NTM tại Lâm Đồng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cá biệt như một số địa phương trong công tác chỉ đạo, thực hiện Chương trình chưa toàn diện, việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM còn lúng túng, chưa chọn được các giải pháp tạo được sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Hay chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả sau đạt chuẩn còn nhiều hạn chế. Một số công trình hạ tầng ít được quan tâm đến công tác duy tu, bảo dưỡng sau đầu tư nên có dấu hiệu xuống cấp...
Chính vì vậy, trong thời gian sắp tới Lâm Đồng sẽ cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và người dân về xây dựng NTM. Làm tốt công tác dân vận để người dân nhận thức đúng vai trò chủ thể của mình, từ đó chủ động, tích cực tham gia, xác định xây dựng NTM là việc của dân. Người dân là chủ thể thực hiện, Nhà nước định hướng và hỗ trợ thực hiện.
Theo Văn Long (Dân Việt)