(Congtin.net) - Trong đợt hạn mặn kỷ lục vừa qua, hàng ngàn nông dân (ND) ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rơi vào cảnh trắng tay, vỡ nợ khi lúa, hoa màu, mía chết cháy, sản xuất thủy sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng…
LTS: Như NTNN đã thông tin, mới đây, tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm, Bộ NNPTNT đã công bố số liệu cho thấy, lần đầu tiên sản xuất nông nghiệp rơi vào tình trạng tăng trưởng âm. Ngoài các nguyên nhân như rét đậm, hạn, mặn, biến đổi khí hậu đã được chỉ ra, một trong những nguyên nhân quan trọng đó là, nông nghiệp trong những năm qua được đầu tư quá thấp, khiến nông dân gần như kiệt sức, không đủ khả năng đầu tư mở rộng sản xuất. Ghi nhận của phóng viên NTNN cho thấy rõ điều này...
Phó mặc cho may rủi
Theo số liệu từ Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở các tỉnh ĐBSCL đã gây thiệt hại nặng nề về sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng sinh hoạt người dân.
Cụ thể, có hơn 221.000ha lúa bị thiệt hại (trong đó tỷ lệ lúa chết trên 70% trên 128.200ha); diện tích rau màu bị thiệt hại khoảng 6.568ha; cây ăn trái và cây công nghiệp thiệt hại 26.500ha…
Nhiều diện tích lúa hè thu 2016 của nông dân tỉnh Hậu Giang bị thiệt hại do đợt mưa bão đầu mùa. ảnh: CHÚC LY
Đi đến các vùng trồng lúa ở các tỉnh vùng ĐBSCL, không khó để nhận ra không khí đìu hiu của xóm làng nơi đây sau đợt hạn, mặn được coi là lịch sử này. Gặp phóng viên, bà Trương Thị Hoài Nhân (ngụ xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu), ngậm ngùi: “Gia đình tôi thuộc diện nghèo khó, không đất sản xuất nên phải thuê 5 công đất để sản xuất lúa. Nhưng trời không thương, lúa chết trắng đồng trong đợt hạn mặn vừa rồi, thiệt hại gần 40 triệu đồng. Giờ phải đi vay mượn khắp nơi để có tiền đầu tư nuôi tôm lại, nhưng nghe đâu nuôi tôm cũng bấp bênh, dịch bệnh rồi thời tiết khắc nghiệt. Chúng tôi giờ chỉ biết cầu trời”.
Trong đợt hạn, mặn vừa qua, có khoảng 225.800 hộ gia đình ở ĐBSCL bị thiếu nước sinh hoạt. Tổng thiệt hại do hạn, mặn gây ra ước trên 4.729 tỷ đồng.
Khi được nghe phóng viên hỏi, sao không đợi hỗ trợ của nhà nước, mà phải vội vàng đi vay lãi, bà Nhân nói, đợi được hỗ trợ thì có lẽ đã hết vụ tôm, bây giờ hết hạn rồi, phải tranh thủ xuống giống cho kịp vụ tôm mới.
Còn ông Đoàn Văn Khang (xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) than: “Gần chục năm theo nghề trồng mía, với 5 công mía vụ rồi, tôi đầu tư gần 50 triệu đồng. Thời tiết bất lợi, tôi phải xuống giống đến 3 lần. Ban đầu nước mặn tràn vào ruộng mía, tôi cứ nghĩ sau vài ngày sẽ rút, ai dè nó kéo dài, rồi khi hết mặn thì lại đến hạn. Chúng tôi chỉ biết đứng nhìn mía chết khô, không chỉ gia đình tôi mà hàng ngàn hộ dân cũng lâm vào cũng nợ nần”. Cũng như bà Nhân, ông Khanh và nhiều hộ dân ở đây lại đang phải chạy vạy đi vay vốn để trả nợ.
Trước các thiệt hại do hạn, mặn gây ra vừa qua, nhiều nông dân ĐBSCL thay vì chọn phương án ở lại để khôi phục sản xuất, đã chọn cách “thoát ly” khỏi đồng ruộng lên các thành phố để tìm công ăn việc làm mới. Theo kết quả nghiên cứu gần đây của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho thấy, ĐBSCL là vùng có số dân di cư cao nhất nước (6 – 7%).
Không thể hỗ trợ kiểu “theo đuôi thiệt hại”
Đánh giá về thực trạng nông nghiệp, ND ở ĐBSCL hiện nay, ông Trần Hữu Hiệp – Ủy viên chuyên trách Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ nêu quan điểm: Chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng, tác động của thiên tai nghiêm trọng, nhưng mặt khác cũng có những khó khăn tồn tại từ lâu khiến cho đời sống người ND ngày càng khó khăn.
“Với tình trạng hạn mặn, chúng ta đã nhìn thấy những con số với những hỗ trợ, nhưng đó chỉ là những hỗ trợ trước mắt, còn lâu dài phải làm sao cho người ND chống chịu được, nâng cao sinh kế. Phải thấy được rằng biến đổi khí hậu không phải chỉ có năm nay, còn có những năm sau, mà chúng ta không lường trước được. Điều này đòi hỏi phải có hệ thống cảnh báo sớm, thông tin cho người dân, phải có chính sách chủ động chứ không phải đi theo đuôi thiệt hại” – ông Hiệp nhấn mạnh.
Một vấn đề nữa tồn tại ở ĐBSC là, mặc dù Bộ NNPTNT đã phê duyệt quy hoạch chuyển đổi cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2014-2020 với mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, duy trì quỹ đất trồng lúa, đảm bảo an ninh lượng thực quốc gia và tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo… Mục tiêu cụ thể của vùng ĐBSCL là khoảng 200.000ha đến năm 2020.
Tuy nhiên, theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, trên thực tế diện tích chuyển đổi từ cây lúa năng suất thấp sang các loại hoa màu khác ở các tỉnh ĐBSCL rất thấp, chỉ đạt 3.600ha vào năm 2015.
Ông Trần Văn Dũng – Trưởng Văn phòng Thường trực tại Nam Bộ, Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết: “Việc chuyển đổi hiện nay còn tự phát, các địa phương chưa hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi với những giải pháp đồng bộ về vụ, vùng chuyển đổi, cây trồng và kỹ thuật, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nên làm mô hình thì thành công nhưng chưa nhân ra diện rộng”.
Cũng theo ông Dũng, chính sách của Nhà nước còn bất cập (Quyết định 62 của Chính phủ), đặc biệt có chính sách hỗ trợ nhưng nguồn kinh phí lại từ địa phương nên tính khả thi thấp.
Về các khó khăn trong chuyển đổi cây trồng, TS Lê Quý Kha – Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cho rằng: “Thuyết minh dự án cũng như hợp đồng thực hiện ở cấp T.Ư được phê duyệt khá chậm nên không theo kịp mùa vụ tại địa phương. Người dân một số vùng còn ngán ngại trong việc chuyển đổi cây trồng; ứng dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất còn hạn chế nên chi phí còn rất cao; giá cả bấp bênh, phương thức tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp chưa khuyến khích người dân đẩy mạnh chuyển đổi”.
Ông Lê Quốc Doanh-Thứ trưởng Bộ NNPTNT : Chọn những cây trồng có giá trị xuất khẩu Theo thống kê, dù ngành trồng trọt trong 6 tháng đầu năm suy giảm 3%, nhưng số liệu thống kê cũng cho thấy, xuất khẩu các mặt hàng nông sản lại tăng 5,1% đạt kim ngạch 7,3 tỷ USD. Đây là điều khá bất ngờ, nhưng xem xét lại thì thấy, chúng ta đang có những bước chuyển đổi đúng hướng trong ngành trồng trọt, đó là tập trung vào những cây có giá trị xuất khẩu lớn như trái cây xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm đã tăng tới 47% đạt trên 1 tỷ USD và chắc chắn hết năm nay sẽ đạt trên 2,5 tỷ USD. Định hướng của Bộ trong thời gian tới là sẽ tập trung vào những cây trồng có giá trị lớn, không nhất thiết cứ phải trồng lúa. Ông Trần Hữu Hiệp- Ủy viên chuyên trách Ban chỉ đạo Tây Nam bộ: Kinh tế nông hộ đứng trước thách thức lớn Từ lâu, nền kinh tế nông hộ được ca tụng, vì trong đổi mới thì một trong những đột phá là phát huy kinh tế nông hộ, nhưng kinh tế nông hộ hiện nay đang đứng trước thách thức lớn khi hội nhập, cạnh tranh. Vì vậy, đặt ra yêu cầu là phải có những mô hình liên kết tốt, đặc biệt là vai trò của doanh nghiệp, chính sách của Nhà nước hỗ trợ người dân. Hỗ trợ không phải là một vài chính sách nhỏ lẻ mà phải có phương thức làm ăn mới. Như trong chuỗi liên kết sản xuất, chế biến lúa gạo vẫn còn có nhiều bất cập. Trước nhất là sự liên kết của các tác nhân trong chuỗi chưa chặt chẽ, trên cơ sở chia sẻ lợi ích với nhau, người ND chưa được hưởng lợi hợp lý. |