Gần đây, thị trường Trung Quốc đã ngừng thu mua dăm gỗ nên nhiều doanh nghiệp tại Bình Định chấp nhận dừng việc sản xuất, thu mua gỗ nguyên liệu. Điều này, khiến gỗ rừng trồng tại địa phương liên tục rớt giá.
Lệ thuộc thị trường Trung Quốc
Theo ông Võ Vạn Toàn - Phó giám đốc Công ty TNHH Sông Kôn (doanh nghiệp chuyên sản xuất dăm gỗ xuất khẩu tại Khu công nghiệp Phú Tài, TP Quy Nhơn), trước đây, gỗ rừng trồng (keo) được doanh nghiệp này thu mua với giá 1 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, từ ngày 15.10 đến nay thị trường Trung Quốc đã ngừng việc nhập hàng dăm gỗ nên khiến giá keo hạ xuống chỉ còn 900.000 đồng/tấn, đối với gỗ bạch đàn thì doanh nghiệp từ chối thu mua.
“Trước ngày 15.10, chúng tôi đã xuất được 5.000 tấn dăm khô với giá 118 USD/tấn (giảm gần 20 USD/tấn so năm 2016). Từ đó đến nay, không xuất được tấn hàng nào nữa, việc buôn bán rơi vào tình trạng ế ẩm đến thảm hại”, ông Toàn chia sẻ.
Mặt dăm gỗ xuất khẩu tại Bình Định đang bị tồn kho
Theo ông Toàn, hiện Công ty đang tồn 8.000 tấn dăm khô, không còn chỗ chứa nên đành phải ngưng sản xuất. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cũng lâm vào tình cảnh tương tự, nhiều nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu trên địa bàn Bình Định hiện đã ứ đầy hàng trong kho, đành chấp nhận dừng việc thu mua gỗ nguyên liệu. Có những nhà máy có công suất lớn, tồn kho đến 60.000 – 70.000 tấn dăm khô/ nhà máy.
“Theo dự đoán, đến cuối tháng 12.2017 thị trường tiêu thụ dăm gỗ Trung Quốc mới “ấm” trở lại. Như vậy, từ nay đến cuối năm 2017 giá gỗ rừng trồng sẽ vẫn còn ế dài dài và nguy cơ giá có thể còn xuống thấp hơn nữa”, ông Toàn cho hay.
Nhiều diện tích rừng trồng tại Bình Định ngã đổ do sự tàn phá của bão số 12
Bão tấn công, chủ rừng điêu đứng
Bão số 12 càn quét, khiến hàng ngàn ha rừng trồng tại Bình Định gãy đổ, trốc gốc. Trong khi đó, gỗ trừng trồng tại tỉnh này đang ế hàng bởi thị trường xuất khẩu mặt hàng dăm gỗ đứng bánh nên lượng cây ngã đổ do bão bán chẳng ai mua.
Thị trường ế ẩm kéo theo giá keo nguyên liệu giảm
Theo ông Trần Nguyên Tú - Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, chỉ tính riêng rừng trồng phòng hộ - môi trường cảnh quan mà Công ty quản lý đã có 734,93ha bị ảnh hưởng do bão (mức độ thiệt hại từ 5 – 50% với gần 81ha bị trốc gốc, gãy ngã không thể phục hồi), rừng trồng thay thế bị thiệt hại 53,29ha và rừng trồng sản xuất bị ảnh hưởng gần 1.379ha.
“Riêng mức thiệt hại về rừng trồng của Công ty trong cơn bão số 12 ước tính gần 5,2 tỷ đồng. Nếu tính cả thiệt hại về đường lâm sinh, gần 300.000 cây giống lâm nghiệp và 3m đê bao vườn ươm bị lũ cuốn trôi, xô ngã thì con số thiệt hại lên đến gần 10 tỷ đồng. Đối với những diện tích rừng trồng bị gãy ngã, trốc gốc trong bão số 12, đơn vị đã xin khai thác tận thu nhưng bán chẳng ai mua”, ông Tú nói.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Bình Định, bão số 12 càn quét địa phương này đã gây hại hơn 4.178ha rừng trồng. Trong đó, bị thiệt hại dưới 30% có trên 4.023ha; thiệt hại từ 30% đến 50% có 132,3ha; thiệt hại từ 50% đến 70% có 22,1ha và thiệt hại trên 70% có 0,52ha. |
Theo danviet