Search
Thứ 2, 12/09/2016, 17:12 PM

Thu tiền tỷ mỗi tháng từ tỏi đen Lý Sơn

Thu tiền tỷ mỗi tháng từ tỏi đen Lý Sơn

Từ mức doanh thu chỉ vài chục triệu đồng một tháng, sau một năm Nam tiến, công ty thực phẩm chức năng với sản phẩm chủ chốt là tỏi đen Lý Sơn của nhóm bạn trẻ gốc Đà Nẵng đã cho doanh số khoảng 1,5 tỷ đồng mỗi tháng.

Thời điểm năm 2013, nhận thấy thị trường ngày càng ưa chuộng tỏi đen nhưng phần lớn là sản phẩm nhập khẩu, chàng sinh viên 9x Chế Viết Vũ nảy ra ý tưởng tận dụng nguồn tỏi dồi dào từ Lý Sơn để xây dựng quy trình sản xuất của riêng mình.

Qua những lần một mình nghiên cứu thâu đêm tại phòng thí nghiệm của trường, Vũ đúc kết quá trình làm tỏi quan trọng nhất ở các yếu tố là nhiệt độ, độ ẩm và áp suất. Từ đó, những mẻ sản phẩm đầu tiên lần lượt ra đời nhưng đều thất bại do bốc mùi hôi và bị thối, hàm lượng dinh dưỡng không đạt tiêu chuẩn. Suốt ba năm thay đổi gần 200 công thức, Vũ mới công bố hoàn thiện quy trình lên men tỏi mang tên “bóng đèn và ly nước”, xử lý lên men tỏi từ 40 đến 60 ngày mà không sử dụng hóa chất và phụ gia.

Toi-den-Ly-Son

Sản phẩm tỏi đen từ quy trình lên men “bóng đèn và ly nước”

Tự tin về chất lượng sản phẩm, Vũ bắt đầu kết nối cùng những bạn đồng hương thành lập công ty, xây dựng thương hiệu IAmV để phân phối rộng rãi sản phẩm này. Với số vốn ban đầu chưa đến 100 triệu đồng, cả nhóm đầu tư mua nguyên liệu sản xuất, thiết kế bao bì, xin cấp phép kinh doanh và chứng nhận sản phẩm. Vì vướng một số vấn đề pháp lí về trụ sở doanh nghiệp, cộng thêm việc nhận định thị trường miền Trung kém năng động hơn nên cả nhóm quyết định chuyển công ty vào TP HCM hoạt động. Trong chuyến “dời đô” kết hợp tham gia hội chợ giới thiệu sản phẩm, cả nhóm bàng hoàng khi phát hiện 100kg tỏi đen bị nấm mốc, hư hỏng do không lường trước điều kiện bảo quản khi thời tiết thay đổi đột ngột.

“Tổng thiệt hại của lô hàng đó hơn 200 triệu đồng. Mọi người đều tiếc nuối và hoang mang cực độ khi toàn bộ tiền bạc, công sức đổ dồn vào đấy đã mất trắng khi vừa đặt chân đến nơi mới”, Hồng Phúc – Giám đốc tiếp thị thương hiệu, ngậm ngùi thất bại đầu tiên từ lúc thương mại sản phẩm.

Chưa dừng lại ở đó, sau khi góp vốn vực dậy công ty thì thất bại tiếp tục đến từ nhóm nghiên cứu và tiếp cận thị trường. Vì giá bán sản phẩm tương đối cao, cộng thêm đối tượng khách hàng hạn chế nên việc truyền thông cũng gặp không ít khó khăn. Một đội telesales được thành lập để tìm kiếm khách hàng nhưng sớm phải giải tán vì hoạt động kém hiệu quả, tiêu tốn hơn 30 triệu đồng. Sau đó, hình thức chạy trên website, chào hàng trực tiếp tại nhà thuốc và tạp hóa… đều được thực hiện nhưng không mang lại kết quả như ý.

Toi-den-Ly-Son-lam-giau

Nhóm sáng lập và điều hành thương hiệu tỏi đen IAmV.

Sau gần nửa năm hoạt động với nhiều khó khăn, thương hiệu tỏi đen của nhóm bạn trẻ này bắt đầu được đón nhận tại nhiều sàn thương mại điện tử uy tín. Trung bình mỗi tháng dây chuyền sản xuất vận hành thử cho ra khoảng 800kg tỏi đen thành phẩm nhưng vẫn thường xuyên cháy hàng. Mỗi kg tỏi đen hiện có giá 1,9 triệu đồng, ước tính bình quân mỗi tháng doanh thu công ty đạt hơn 1,5 tỷ đồng. Trong đó, chi phí sản xuất chiếm khoảng 70% do tỷ lệ đầu tư vào công nghệ, quản lý bán hàng, sản phẩm dùng thử, tủ kệ trưng bày… còn khá cao.

“Chúng tôi vừa kí một hợp đồng 15 tấn với đối tác Trung Quốc và đang nhắm đến các siêu thị trong nước. Dự kiến để đảm bảo số lượng cung cấp cho thị trường thì sắp tới dây chuyền sản xuất phải tăng gấp 3 lần công suất hiện tại. Nhóm nghiên cứu cũng đang ấp ủ dự định mang gen tỏi Lý Sơn về đất liền trồng để chủ động nguồn nguyên liệu, đồng thời nghiên cứu hình thức sản phẩm mới là bột hòa tan và nước cốt tỏi đen để tăng công năng sử dụng”,  Hồng Phúc hào hứng chia sẻ về định hướng phát triển.

Tuy nhiên, các bạn trẻ cũng thừa nhận đang gặp khó trong bài toán về lợi nhuận tái đầu tư. Sắp tới, sản phẩm tỏi đen IAmV sẽ được mang đến giới thiệu tại Sàn giao dịch và đầu tư khởi nghiệp do Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) tổ chức với mong muốn tăng mức độ lan tỏa của thương hiệu và thu hút khoảng 1 tỷ đồng vốn đầu tư thông qua hình thức ủng hộ bằng phiếu trực tiếp hoặc hợp tác với các nhà đầu tư thiên thần.

Chia sẻ về công nghệ làm tỏi đặc biệt của mình, Chế Viết Vũ cho biết thời gian  đầu còn thiếu thốn, tỏi được đặt trong một chiếc tủ lạnh đã hỏng, sau chuyển sang dùng thùng phuy (có thể chứa 40kg), bên trong có bóng đèn lấy nhiệt, ly nước tạo độ ẩm và thành thùng phuy được lót nilon dày để không thoát nhiệt. Nhiệt độ từ bóng đèn giúp nước bốc hơi, áp suất giúp tỏi lên men. Trước khi cho lên men, tỏi phải được hấp cách thủy để diệt khuẩn.

Hơn 9 tháng nghiên cứu và ứng dụng các thiết bị tự tạo, Vũ mới có được những thành công bước đầu (tỷ lệ thành công chỉ 1,2%). Chính điều này đã tạo thêm động lực cho Vũ và các anh em trong nhóm tiếp tục tìm hiểu, cải tiến để tạo nên phương pháp lên men vừa đơn giản, vừa tiết kiệm chi phí nhất.

So với việc đầu tư máy móc thông thường (40 triệu đồng một máy, làm được 2kg tỏi), thì những dụng cụ mà Vũ nghiên cứu và áp dụng để lên men tỏi rất đơn giản, giúp hạ giá thành đáng kể mà không mất chất lượng sản phẩm. Cụ thể, ban đầu Vũ tự làm bóng đèn với chi phí 10.000 đồng, dây điện, phích cắm 10.000 đồng, tỏi Lý Sơn 50.000 đồng mỗi kg và 10.000 đồng tiền điện. Mẻ tỏi đen đầu tiên, một kg tỏi Vũ làm ra được 500 gram tỏi đen, rồi cứ thế nâng công suất tăng dần lên đạt 800 gram.

“Sản phẩm lúc đầu chủ yếu đem tặng và bán cho người quen với giá 750.000-800.000 đồng một kg, chỉ bằng nửa giá thị trường với mục đích lấy vốn để tiếp tục đầu tư”, Vũ nhớ lại thời gian đầu tung sản phẩm ra thử nghiệm.

 

Nguồn Vnexpress



0.27691 sec| 1529.32 kb