Bí “lạ”
Cùng với đồng nghiệp Báo Lâm Đồng, chúng tôi đến Hợp tác xã trồng hoa màu Xuân Hương. Bước vào những căn nhà kính trồng màu siêu sạch của ông Lê Hữu Phan, chúng tôi bắt gặp những trái bí ngô“khủng”, với màu đỏ gạch, trông lạ lẫm. Có thể nói, từ trước đến nay, chúng tôi chưa thấy quả bí nào to như những quả bí ngô nơi đây.
Thấy mọi người ngỡ ngàng, ông Phan nói: “Giống bí này có nguồn gốc từ Mỹ. Trong một lần lên mạng, tôi thấy ở Mỹ có giống bí khổng lồ cho trái nặng 200-300 kg. Ham quá, tôi nhờ bạn bè bên Mỹ mua 100 hạt giống gửi về bằng đường hàng không. Những hạt giống được đem về tận nhà, tôi cưng như trứng vậy. Năm 2011, sau khi vun xới khoảng 150m2 đất trong nhà kính, tôi bắt đầu gieo 50 hạt bí. Qua nghiên cứu những tài liệu sưu tầm và cộng với kinh nghiệm canh tác màu, tôi đã trồng 8 luống bí đều nảy mầm. Mỗi luống, tôi bắt liếp cao khoảng 0,3m và dài khoảng 20m”.
Những trái bí khổng lồ của ông Phan mới thu hoạch.
Ở giai đoạn nửa tháng đầu, cây phát triển thành dây bò dài trên luống, khi bí ra hoa, ông Phan tiến hành thụ phấn bằng tay. Đến tháng thứ ba, bí lần lượt đậu trái, ông Phan giữ lại một trái to duy nhất, khỏe mạnh nhất để chăm sóc. “Giống bí này thích nghi với thổ nhưỡng và khí hậu nên cho trái rất đều. Sau 6 tháng chăm sóc, tôi thu hoạch được 11 trái bí, mỗi trái nặng từ 30 – 60 kg. Đây là những trái bí đậu trên thân dây có biểu hiện phát triển cầm chừng.
Còn lại 19 trái bí khổng lồ vẫn đang phát triển xanh tốt trên luống dây, ước cân nặng trái nhẹ nhất hơn 30 kg, trái nặng nhất phải đến 100 kg. Hôm rồi, Khu du lịch Đầm Sen đem xe tải đến mua 8 trái, tôi bán mỗi trái 2 triệu đồng. Loại bí này ăn rất dẻo và thơm ngon, nhiều nhà hàng cũng đến mua nhưng tôi chỉ bán vài trái. Số còn lại tôi để lại nhân giống”, ông Phan cho biết.
Đòi hỏi chăm sóc kỹ
Vụ bí mới đây, ông Lê Hữu Phan thu hoạch thêm 28 trái, mỗi trái nặng từ 30-50 kg. Ông nói, trong quá trình đơm hoa, khâu quan trọng nhất là phải nắm vững kỹ thuật thụ phấn. Khi bông “đậu” cho trái phải chăm sóc thật kỹ từ khâu bón phân, đặc biệt để trái không bị thối đít, ông Phan phải dùng những tấm xốp lót bên dưới chống ẩm. Trồng loại bí này cực gấp nhiều lần so với trồng bí thường.
“Ở giai đoạn bón lót các loại phân chuồng, phân vi sinh, phân phòng trừ bệnh nấm đối kháng… phải nhiều hơn liều lượng 2 – 3 lần so với các loại rau, bí thông thường. Riêng thời kỳ đậu trái, phải tưới phân pha loãng nước trên thân cây và dưới gốc, rễ chính, ít nhất 3 ngày một lần. Đồng thời, cũng với số lần tưới này, cần tưới nước phân cho các bộ rễ phụ trên thân dây, nhằm đảm bảo đủ dinh dưỡng nuôi trực tiếp từng phần thân dây và góp phần tăng trọng cho trái bí.
Tuy nhiên, cần chọn thời điểm phù hợp trong ngày, trong tháng để bón phân, phun thuốc dinh dưỡng, đây là những yếu tố chính quyết định cho cây bí ngô khổng lồ có đậu trái hay không và trái đó phát triển với cân nặng tối đa”, ông Phan chia sẻ kỹ thuật chăm sóc bí ngô.
Vào tận nhà kính, sờ vào những trái bí “khủng” vừa mới thu hoạch cảm giác thật thú vị. Theo ông Phan, nếu trồng và chăm sóc kỹ thì có trái nặng khoảng 200-300 kg. Với kinh nghiệm trồng thành công giống bí ngô Mỹ, ông Lê Hữu Phan sẽ tiếp tục trồng thêm nhiều luống bí ngô khổng lồ nữa.
“Tôi trồng 1 héc-ta rau màu trong nhà kính, mỗi năm đạt doanh thu hơn một tỷ đồng. Nhờ canh tác màu ứng dụng công nghệ cao trong nhà kính mà tôi làm giàu. Còn chuyện trồng bí là mình muốn tìm tòi, học cái mới lạ, biết đâu sau này cây bí ngô sẽ mang lại thu nhập cao cho gia đình tôi…”, ông Phan bày tỏ.
Nguồn: sưu tầm