Dù giá bán tại ruộng đã rớt xuống còn 1.000-1.200 đồng/kg, thấp hơn từ 5-7 lần so với đầu vụ nhưng tại 2 huyện Bình Sơn và Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi) hiện vẫn còn trên 2.000 tấn dưa ứ đọng chưa tiêu thụ được.
Đưa tay chỉ đống dưa hấu ước gần 6 tấn vừa thu hoạch đang chất đống bên vệ đường, ông Nguyễn Thành Lâm (41 tuổi), ở xã Bình Thanh Tây nói như khóc: "Đã gọi nhiều lần rồi nhưng thương lái vẫn chưa đến mua. Nếu không bán được số dưa này và cả phần đang nằm chờ tại ruộng chuẩn bị thu hoạch, vụ dưa năm nay công sức và tiền vốn đầu tư gần 10 triệu đồng coi như mất trắng".
Hàng ngàn tấn dưa đã thu hoạch về chất đống chờ tiêu thụ.
Không riêng gì ông Lâm, theo thống kê sơ bộ của huyện Bình Sơn thì hiện hàng trăm hộ trồng dưa khác trên địa bàn cũng như "ngồi trên đống lửa" khi có khoảng 1.000 tấn dưa đã thu hoạch và còn nằm tại ruộng vẫn chưa có người mua. Tương tự, tại huyện Sơn Tịnh và dọc khu vực bãi bồi 2 bên sông Trà Khúc, TP. Quảng Ngãi, số lượng dưa hấu tồn của người dân phải tính bằng con số ngàn tấn.
Theo chính quyền các địa phương trên thì số dưa hấu hiện tồn lại chủ yếu là số trồng muộn, trồng sau. Một số thương lái cho biết thời điểm này phía Trung Quốc, thị trường tiêu thụ dưa hấu chính của Quảng Ngãi và các tỉnh lân cận cũng đang có dưa hấu thu hoạch nên họ mua chậm, hoặc thậm chí không mua nữa, dẫn đến tình trạng ứ thừa trên. Còn số hộ trồng trước đó đã bán xong với giá tương đối cao, bình quân trên thị trường nông sản từ 5.000-8.000 đồng/kg
Một ruộng dưa của người dân ở huyện Bình Sơn
Cũng như nhiều hộ khác, ông Nguyễn Tần (45 tuổi), quê ở xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh bày tỏ: "Vẫn biết thị trường tiêu thụ rất bấp bênh, không ít lần đã "chết đứng" vì giá rẻ mạt và bán không được, thế nhưng chỉ cần dưa có giá từ 2.500 đồng/kg trở lên là đã lãi khá rồi. Còn nếu giá đạt 5.000-8.000 đồng/kg như đầu vụ thì lợi nhuận đã cao hơn gấp cả chục lần so với trồng cây ăn quả khác. Với giá bán này, nhà nông được 1-2 vụ nhưng thất thu 1 vụ cũng không sao".
Người dân thu hoạch dưa hấu và chuyển về nơi tập kết để bán.
Cũng chính vì lý do này mà năm nào cũng vậy, dù các cấp ngành, tỉnh huyện cảnh báo không đổ xô, nhân rộng diện tích trồng dưa hấu nhưng hàng ngàn hộ dân trong tỉnh vẫn bất chấp "đánh bạc với dưa". Hệ quả là không ít địa phương và tổ chức đoàn thể trong tỉnh phải đứng ra tổ chức "giải cứu" dưa giúp dân.
Cán bộ Tỉnh đoàn Quảng Ngãi trong một lần tham gia giải cứu dưa hấu cho người dân Bình Sơn.
Trao đổi với PV báo Dân Việt, cùng với xác nhận đang kết nối với các tổ chức, cá nhân các tỉnh bạn tiêu thụ giúp 1.000 tấn dưa hấu còn tồn của người dân có nguy cơ hư, thối, bà Hà Thị Anh Thư-Bí thư Huyện ủy huyện Bình Sơn cho biết thêm: Sắp tới huyện sẽ tổ chức đoàn đi khảo sát tại Trung Quốc để xem xét, tìm hiểu thị trường tiêu thụ của dưa hấu và các loại nông, thủy hải sản khác. Trên cơ sở này huyện sẽ đề ra giải pháp cụ thể, có sự khuyến cáo và cảnh báo đối với nông dân trong việc lựa chọn cây, con và thời điểm trồng phù hợp.
Theo danviet.vn