Trước việc giá nghệ đang xuống đáy, chỉ còn 4.000-5.000 đồng/kg, Tổng đội Thanh niên Xung phong 9 Nghệ An đã mạnh dạn đứng ra thu mua toàn bộ 70 tấn củ nghệ đỏ của bà con nông dân ở xã biên giới Tam Hợp, huyện Tương Dương.
Từ cú điện thoại “lạ”
Sau cuộc gặp gỡ do phóng viên Báo NTNN kết nối giữa Hội Nông dân tỉnh Nghệ An, đoàn doanh nghiệp nông nghiệp hiện đại các tỉnh thành và bí thư, chủ tịch một số huyện khu vực miền Tây khó khăn của xứ Nghệ, chúng tôi nhận được cuộc điện thoại của Chủ tịch UBND huyện Tương Dương - ông Nguyễn Văn Hải mong muốn Báo NTNN cử phóng viên về tìm hiểu mô hình trồng nghệ đỏ rất hiệu quả tại các bản biên giới thuộc xã Tam Hợp (huyện Tương Dương, nơi giáp ranh với nước bạn Lào) nhưng đang bí đầu ra.
Anh Vương Trung Úy
Mất tới 11 giờ ngồi ôtô, vượt quãng đường hơn 500km từ Hà Nội, qua những cung đường đèo dốc lởm chởm, chúng tôi mới tới được bản Huồi Sơn, xã Tam Hợp. Nơi đây không hề có sóng điện thoại, điểm duy nhất trong khu nhà của Tổng đội Thanh niên Xung phong 9 Nghệ An (Tổng đội) năm thì mười họa mới có sóng là nơi chỉ đủ để kê một chiếc bàn. Anh em cán bộ nào muốn nhận tin nhắn trễ từ người thân, gia đình đều phải đặt máy điện thoại tại góc đó, lâu lâu lại ngó xem... Và ai muốn về xuôi, cách duy nhất là đi xe máy vượt đèo dốc để ra Quốc lộ 7, gửi xe ở một quán hàng quen nào đó rồi bắt xe khách về.
“Trước khi về đây, chúng tôi “đóng quân” tại Tổng đội Thanh niên xung phong 2 ở xã biên giới Thanh Đức, huyện Thanh Chương rồi các xã Huồi Đun, Huồi Tụ thuộc huyện Kỳ Sơn để giúp bà con chăn nuôi, trồng lúa nước... Chúng tôi cũng hướng dẫn bà con trồng chè tuyết shan, nuôi cá, gà, bảo vệ rừng. Khi bà con đã thực sự là nông dân rồi, chúng tôi lại lên đây - đỉnh Huồi Sơn, Tam Hợp, Tương Dương để giúp đồng bào dân tộc Thái, Mông” - Tổng Đội phó Vương Trung Úy cho hay.
Và mô hình được chọn để bà con nơi đây phát triển kinh tế là cây chanh leo và nghệ đỏ. Hai giống cây này khi được đưa vào trồng đã sinh trưởng rất tốt, năng suất cao, rất thích hợp với khí hậu, đất đai và thổ nhưỡng. Sản lượng nghệ đỏ, chanh leo năm sau đều cao hơn năm trước. Thế nhưng, câu chuyện tiêu thụ lại là cả vấn đề...
Chúng tôi ngạc nhiên khi nghệ đỏ chất đống trong kho của Tổng đội. Hỏi ra mới hay, năm nay, 66 hộ dân nơi đây trồng được tổng cộng 70 tấn nghệ, nhưng giá thị trường xuống quá thấp (chỉ 4.000-5.000 đồng/kg) nên Tổng đội đã “đánh liều” thu mua toàn bộ với giá 10.000 đồng/kg để bà con yên tâm sản xuất, không quay lưng lại với giống cây công nghiệp này.
“Các anh tính làm gì với 70 tấn nghệ này?” - phóng viên hỏi Tổng Đội phó Vương Trung Úy. “Những năm trước, nghệ có giá trên 10.000 đồng/kg tươi và được thương lái mua, nhưng năm nay nghệ rớt giá sâu nên việc bán củ tươi là không khả thi. Trước mắt, chúng tôi đứng ra thu mua toàn bộ để bà con yên tâm, sau rồi tính toán chế biến thành tinh bột nghệ để có thể bảo quản lâu hơn, dễ tiêu thụ hơn” - anh Úy nói.
Trên sườn đồi trồng đầy nghệ đỏ, chúng tôi bắt gặp chị Vừ Y Dì (23 tuổi, bản Huồi Sơn, xã Tam Hợp) đang cắm cúi thu hoạch nghệ. Chị Dì khoe: “Năm đầu tiên, gia đình em trồng nghệ đỏ, ban đầu được cấp 40kg giống đã cho thu hoạch được 6 tạ. Toàn bộ số nghệ này được Tổng đội mua với giá 10.000 đồng/kg nên gia đình mừng lắm”.
Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Nguyễn Văn Hải cho hay: “Nếu sản phẩm từ cây nghệ đỏ, chanh leo của bà con trồng trên đất này được tiêu thụ rộng rãi và nhận được tín hiệu tốt từ thị trường sẽ giúp đời sống bà con nơi đây dần ổn định, góp phần giữ vững an ninh trật tự, ngăn chặn di cư trái phép...”.
Theo danviet.vn