Việc liên kết trồng chè giữa người dân xã Phúc Thọ, Lâm Hà, Lâm Đồng và Công ty cổ phần Long Đỉnh thời gian gần đây không còn hiệu quả, nhiều hộ dân bị công ty nợ tiền mua chè kéo dài dẫn đến bức xúc, muốn phá chè trồng cây khác.
Doanh nghiệp nợ tiền, dân thiếu vốn
Ông Nguyễn Trung Đông (Phúc Thọ, Lâm Hà, Lâm Đồng), cho biết: "Chúng tôi liên kết với Công ty Long Đỉnh năm 2014, diện tích gần 1ha, thế nhưng hiện nay công ty đang nợ tôi 132 triệu đồng tiền mua chè. Bị công ty chiếm dụng vốn kéo dài, gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn. Gia đình tôi mua chịu phân bón, vật tư sản xuất phải trả lãi cho đại lý, còn công ty nợ tôi thì không tính lãi là rất vô lý". Cũng theo ông Đông, nếu công ty nợ một hoặc hai lứa chè thì có thể được, nhưng hiện nay công ty đã nợ lên đến 6 lứa (mỗi lứa chè phải chăm sóc từ 45 -55 ngày).
Hợp đồng bao tiêu sản phẩn của ông Đông với Công ty cổ phần Long Đỉnh ký năm 2014
Tương tự, năm 2013 gia đình ông Lê Văn Thi cũng hợp đồng với công ty trồng 1ha chè, đến nay bị nợ 200 triệu đồng. Ông Thi cho biết: “Công ty nợ tôi hai năm nay, lúc nào cũng khất lần, không trả, mỗi lần tôi qua đòi thì mới đưa một ít. Bán chè không lấy được tiền, sắp tới tôi buộc phải phá chè trồng cà phê lại".
Theo tìm hiều của phóng viên, hợp đồng liên kết giữa Công ty cổ phần Long Đỉnh với người dân là hợp tác bốn bên, trong đó có Phòng NN&PTNT huyện Lâm Hà, UBND xã Phúc Thọ. Theo đó, Phòng NN&PTNT huyện hỗ trợ 60% tiền cây giống, Công ty Long Đỉnh hỗ trợ 40% tiền cây giống và kỹ thuật. Đến lứa hái chè, công ty sẽ cho công tới hái, nhân viên kỹ thuật đến tư vấn...
Trước tình trạng công ty nợ dây dưa kéo dài, ngày 14.11 vừa qua, 18 hộ dân đã gửi đơn kiến nghị lên UBND xã Phúc thọ đề nghị giải quyết, nếu công ty không trả hết nợ thì các hộ sẽ kiện ra tòa.
Nợ có lý do, “muốn cùng dân vượt khó”
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hồ Tất Và – Giám đốc Công ty cổ phần Long Đỉnh, cho rằng ngành chè cả nước đang gặp khó khăn, công ty cũng muốn cùng người dân cố gắng vượt qua giai đoạn này.
Công ty cổ phần Long Đỉnh đang nợ tiền mua chè của nhiều hộ dân
Theo ông Và, hàng tháng công ty vẫn trả tiền nợ cho người dân, đến cuối năm 2017 công ty sẽ trả được khoảng 50 - 60% số nợ. “Vì tiền bên nước ngoài trả về chậm nên chúng tôi đành phải chậm với người dân, tiền về đến đâu là giải ngân, chia đều trả cho các hộ dân đến đó”, ông Và nói. Vì lý do bảo mật nên ông Và từ chối cung cấp danh sách các hộ dân bị nợ cũng như tổng số tiền công ty nợ.
Về việc công ty cho rằng gia đình ông Nguyễn Trung Đông không tuân thủ quy trình kỹ thuật khi phun thuốc cỏ trong vườn chè, ông Đông khẳng định hoàn toàn không có. “Cách đây 3 năm, công ty đưa chè của tôi đi xét nghiệm nhưng đưa kết quả sai, không đúng mã số vườn chè của tôi”, ông Đông nói.
Ông Nguyễn Tài Phương – Chủ tịch UBND xã Phúc Thọ, cũng khẳng định 2 năm trở lại đây Công ty Long Đỉnh chậm trả tiền mua chè cho dân. “Việc trả chậm, nợ lên đến vài trăm triệu đồng là công ty hoàn toàn sai, vi phạm hợp đồng”, ông Phương cho biết. Cũng theo ông Phương, sắp tới xã sẽ mời hai bên tới làm việc để thống nhất cách giải quyết, nếu không thương lượng được thì phải nhờ tòa án vì đây là hợp đồng dân sự.
Theo Dân Việt