Ở núi Thiết Sơn, không ai yêu thương, chăm sóc những con voọc quý hiếm bằng ông Tú!
Ông là Nguyễn Thanh Tú, thôn Thiết Sơn, xã Thạch Hóa, huyện rẻo cao Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Bạn bè bốn phương trong hội chụp ảnh động vật hoang dã gắn cho ông cái tên Tú "voọc" bởi không ai sành về loài voọc bằng ông, và cũng không ai yêu thương, chăm sóc những con voọc quý hiếm trên đỉnh núi Thiết Sơn ấy bằng ông!
Qua lời kể của nhiếp ảnh gia động vật hoang dã Dương Thanh Tùng, với facekook khá nổi tiếng “Voọc hành”, chúng tôi vượt hơn 100 cây số từ TP Đồng Hới, Quảng Bình lên núi Thiết Sơn để “mục sở thị” công việc nghe rất lạ tai. Công việc chăn voọc của người đàn ông có biệt danh Tú “voọc”!
Thôn Thiết Sơn tọa lạc quây quần trên một bãi bằng, dưới chân những rặng núi cao, chảy bao quanh là thượng nguồn con sông Gianh hùng vĩ. Căn nhà của vợ chồng Tú “voọc” ở vào cuối thôn trông đơn sơ, nhưng rộng rãi và thoáng mát. Đặc biệt, không khí trong gia đình lúc nào cũng ấm cúng, rộn tiếng nói cười của các thành viên và bạn bè bốn phương đến thăm chơi.
Thu phục thợ săn
Tú “voọc” bảo chúng tôi nghỉ sớm để lấy sức, sáng sớm mai lên núi. Tuy nhiên, câu chuyện qua lại giữa chúng tôi, những người lần đầu tiên gặp kéo dài mãi đến quá nửa đêm. Nhất là câu chuyện của anh Nguyễn Văn Hồng, trú xã Đồng Hóa, Tuyên Hóa, một trong những người bị Tú “voọc” thu phục nghề săn bắn động vật hoang dã, thu hút chúng tôi qua từng lời kể.
Tú "voọc" quan sát đàn voọc.
“Hôm đó vào đầu mùa đông cách đây đã 5 năm” - Anh Hồng trầm ngâm - “Tui (tôi) từ rừng về nhà chừng đã hơn 11 giờ đêm, và thấy lạ là sao điện nhà mình vẫn sáng. Tưởng nhà có chuyện chẳng lành, vợ con ốm đau, nên tui chạy ngay vào thì thấy Tú lúc đó đang ngồi ở bàn khách, một mình uống trà, mặt hướng ra cửa chờ đợi.
Tui hắng giọng, lên tiếng: “Có việc chi (gì) mà đến lúc khuya khoắt rứa Tú?” Vừa nghe thấy tui, Tú đứng bật người dậy, đi nhanh ra sân, đưa tay ra bắt tay tui, rồi nói với vẻ gấp gáp: “Có việc ni nhờ anh, không thể chờ được!”. Sau khi nghe Tú trình bày, giải thích và thuyết phục tui không nên tiếp tục săn bắn voọc, tui im lặng, rồi bảo Tú ra về để khi khác có dịp rảnh rỗi thì nói chuyện.
Nhưng sáng hôm sau tui lại thấy Tú xuất hiện. Lúc này, tui dặn vợ con không tiếp chuyện Tú, bảo với Tú tui đã đi làm”, anh châm điếu thuốc lá, rít một hơi rõ dài, rồi chậm rãi kể tiếp: “Tú đeo bám tui mãi, không chỉ hôm đó, hôm sau, mà suốt cả tháng tiếp đó. Sự kiên trì của Tú làm tui rất khó chịu, nên một lần tui chủ động gặp Tú để nói chuyện phải trái.
Tui bảo với Tú không nên cắt cái cần câu cơm của gia đình tui vốn bao năm đã gắn bó, tồn tại ở vùng rừng núi này. Nhưng Tú lúc đó không trả lời, mà tỏ thái độ thông cảm, rồi muốn rủ tui cùng vào rừng một chuyến. Trên đường đi, Tú không may vấp phải tảng đá lớn, đầu ngón chân cái của bàn chân phải tóe máu. Điều kỳ lạ, Tú bị thương, nhưng không kêu đau đớn.
Ngược lại, lúc tui băng bó cho Tú, anh ta còn nói với tui một câu nghe lạ hoắc: “Anh Hồng này, giá như đá cũng cảm nhận được sự đau đớn như con người nhỉ?!”. Chuyến đi hôm đó bị bỏ dở, Tú không đạt được mục đích như ban đầu (nếu có), nhưng câu nói của anh ta cứ làm tui suy nghĩ mãi. Một lần tui tự đặt ra câu hỏi, nếu Tú đã biết rõ tui săn bắn động vật hoang dã, thì tại sao anh ta không trình báo cơ quan chức năng, thay vì phải mãi bỏ công việc để theo đuổi, thuyết phục tui?
Sự thật mình chẳng biết gì về sự quý hiếm của loài voọc, về pháp luật cấm săn bắt các loài động vật hoang dã quý hiếm này. Nhưng việc làm và câu nói của Tú làm mình thức tỉnh, anh ta thật sự có một trái tim nhân hậu đến vô cùng. Đất đá, cây rừng chắc cũng cảm nhận được sự đau đớn khi bị va vấp, xâm hại hay tấn công, nhưng chỉ vì chúng không biết nói, nên không ai biết chúng bị đau.
Những thứ tưởng chừng bất động ấy, thực ra chúng vẫn có tâm hồn, huống hồ con vật có tiếng kêu, có ngôn ngữ của riêng chúng, nhưng lại bị ta săn tìm, bắn giết mà ta không cảm nhận được nỗi đau đớn của chúng, thì quả thật là quá tàn độc”, anh dịch chỗ ngồi, tựa lưng vào vách nhà, chân phải duỗi thẳng, chân trái co lên, tay trái áp nhẹ một bên mái đầu, khuỷu tay chống vào đầu gối, nói với chúng tôi mà như nói với chính mình.
“Sau những suy nghĩ ấy, tui đã quyết định gặp Tú, hứa với anh ta tui sẽ không chỉ bỏ nghề, mà còn tự nguyện theo bảo vệ, chăm sóc đàn voọc như anh ta mong muốn. Sau tui, những thợ săn lâu năm như anh Sửu, anh Nam ở Tuyên Hóa, cũng đã được Tú thuyết phục bỏ nghề, chung sức cùng với chúng tôi bảo vệ, chăm sóc đàn voọc”.
Chăn voọc trên núi Thiết Sơn
Chúng tôi xuất phát vào rừng lúc 7h sáng. Sau khi băng qua thung lũng Thiết Sơn cách làng Thiết Sơn chừng 2 cây số, với bốn bên phong cảnh núi rừng, sông suối hữu tình đẹp như tranh vẽ, những rặng núi đá vôi hiện ra trước mắt chúng tôi lừng lững. Tú “voọc” bỗng dừng chân, đầu hơi ngả về phía sau, mắt hướng lên cao qua chiếc ống nhòm.
“Lũ voọc hôm nay ra sớm hơn mọi hôm”, Tú “voọc” quay sang nói với mọi người, rồi giải thích: “Mấy hôm nay nắng nóng, hạn hán nên có lẽ nước trên các lèn đá vôi đã cạn kiệt, chúng vì thế dậy sớm để đi kiếm nước”.
Đi tiếp một lúc sau, chúng tôi thấy rõ hơn đàn voọc trên sườn núi đá vôi, với khoảng 14-15 con. Toàn thân chúng có màu đen tuyền, ngoại trừ hai má trắng, đuôi của loài voọc này khá dài, trên đỉnh đầu lại có chòm lông đen hất lên.
Theo Tú “voọc”, loài voọc này có tên khoa học là Trachypithecus hatinhensis, thuộc nhóm IB. Cách đây đã nhiều năm, trong một lần lực lượng chức năng Quảng Bình tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng, đã phát hiện một đối tượng vận chuyển một cá thể voọc này đi trên đường Hồ Chí Minh hướng từ Hà Tĩnh vào. Qua điều tra, đối tượng này khai nhận, đã mua lại của một người dân ở Hà Tĩnh.
Theo đó, qua công tác điều tra, bảo tồn loài voọc quý hiếm trên, các nhà khoa học đã đặt tên cho nó là voọc Hà Tĩnh. Tuy nhiên, sau này biết được trong tự nhiên có khoảng 1.500 cá thể, ở Việt Nam chúng sinh sống duy nhất ở các dãy núi đá vôi thuộc tỉnh Quảng Bình. Cụ thể, ngoài Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng (Di sản Thiên nhiên thế giới), Thạch Hóa là nơi thứ 2 ghi nhận loài voọc này hiện đang tồn tại, sinh sống.
Đoạn, Tú “voọc” lại dừng chân, bảo với mọi người chờ ông ta và các anh Hồng, Nam, Sửu dưới chân núi, rồi họ đi nhanh đến một con suối ở gần đó. Sau khi đã đổ đầy nước vào các chai nhựa loại 1 lít và chất đầy ba lô của từng người, cả ba bắt đầu bám dây rừng, vách đá leo lên sườn núi. Sau khi đã leo lên được sườn núi, họ tản ra các khu vực quanh đó để đổ nước vào các vách đá.
Ông Bùi Trọng Nghĩa, một nông dân ở Thiết Sơn tham gia cùng đoàn cho biết, đó là cách tiếp nước cho đàn voọc vào những lúc hạn nặng nhằm tránh việc chúng phải di chuyển từ trên núi cao xuống các thung lũng, khe suối đã cạn nước để tìm nguồn nước uống dễ gặp các thợ săn rất nguy hiểm.
Chúng tôi lại quay sang quan sát đàn voọc, lúc này chúng vẫn ở yên chỗ cũ, ánh mắt nhìn thân thiện những người tiếp nước. Lúc sau, khi những người tiếp nước di chuyển về phía dưới, chúng thong thả tiến lại chỗ các vách đá chứa nước để tha hồ uống.
Trở lại chuyện chăn voọc, Tú “voọc” nguyên là một sĩ quan Biên phòng, năm 2012, ông được Nhà nước cho về nghỉ hưu theo chế độ. Song với bản tính siêng năng và yêu lao động, hằng ngày ông đã cùng với vợ con quăng quật tấm thân làm tất cả công việc của một nhà nông.
Vì thế, 5 năm qua kể từ khi nghỉ hưu, ông đã không ít lần được Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình chọn đi dự và phát biểu tham luận tại Hội nghị nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc tại Hà Nội.
Ông kể: “Đầu năm 2013, sau cả buổi sáng phát nương trồng rừng ở chân lèn Cây Gạo thuộc vùng rừng núi Thiết Sơn, lúc đang ngồi nghỉ ở một phiến đá lớn, tôi bất ngờ phát hiện đàn voọc 8-9 con đang kiếm ăn ở gần đó.
Lúc trong quân ngũ, tôi từng có 16 năm công tác tại các vùng rừng núi biên giới của tỉnh Quảng Bình, và từng được tập huấn nhận diện và bảo vệ các loài động vật hoang dã quý hiếm, trong đó có loài voọc. Vậy nên, qua quan sát thấy chúng toàn thân đen tuyền, hai má lại trắng, tôi biết ngay đó là loài voọc Hà Tĩnh đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Về nhà, tôi đem câu chuyện này kể với bố vợ tôi là cụ Nguyễn Văn Đồng (80 tuổi), thì cụ cho hay, ngày xưa trong chiến tranh và những năm sau giải phóng, vùng lèn Cây Gạo có rất nhiều voọc (người dân thường gọi vượn) sinh sống. Tuy nhiên, khoảng 30 năm nay, rất ít người dân bắt gặp lại chúng do nạn săn bắn động vật hoang dã ngày càng gia tăng phức tạp”.
Cụ Đồng đồng thời động viên con rể mình tìm cách bảo vệ đàn voọc khỏi sự săn bắn, tuyệt chủng.
Những con voọc trên núi Thiết Sơn.
Từ đó, hằng ngày người dân Thiết Sơn đều thấy anh Bộ đội Cụ Hồ, cũng là một “lão nông tri điền” Nguyễn Thanh Tú tạm gác mọi việc nhà, vào rừng để chăn đàn voọc. “Mình biết đó là loài thú quý hiếm đang bị đe dọa, có nguy cơ tuyệt chủng cao mà mình không bảo vệ chúng là mình có tội”, Tú “voọc” giải thích đơn giải vậy mỗi khi ai đó hỏi về công việc lạ đời của ông!
Qua 4 năm bảo vệ, chăm sóc đàn voọc, đến nay người dân 2 xã Thạch Hóa và Đồng Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình) ngày nào cũng có thể nhìn ngắm những chú voọc Hà Tĩnh, với khoảng 10 đàn, tổng cộng trên 200 cá thể, thường lui tới kiếm ăn ở ngay các sườn núi, lèn đá vôi gần với ruộng rẫy của bà con.
Ghi nhận công lao bảo vệ, chăm sóc đàn voọc Hà Tĩnh của ông Tú, UBND tỉnh Quảng Bình và các sở, ban, ngành, đơn vị chức năng liên quan, đã nhiều lần tổ chức thăm hỏi, động viên và biểu dương, trao tặng ông nhiều bằng khen, giấy khen. Đặc biệt, năm 2015, ông đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích phát hiện và bảo vệ tốt đàn voọc quý hiếm có tên trong Sách đỏ.