Miền tây xứ Nghệ những ngày này mưa lạnh bao trùm, thế nhưng người dân ở các xã Thông Thụ, Tiền Phong, Châu Kim, Hạnh Dịch, Đồng Văn… của huyện Quế Phong vẫn náo nức rủ nhau vào rừng hái chè hoa vàng. Giá loại chè này hiện dao động từ 1,5 – 5 triệu đồng/kg, giúp người dân thu gần chục tỷ đồng mỗi năm.
Chè đắt như “vàng ròng”
Theo tiếng Thái, chè hoa vàng được gọi là cỏ “tắp quái”, một loại cây thân gỗ nhỏ cao từ 2 - 5m, giống với cây chè. Cây chè hoa vàng thường sinh trưởng và phát triển trên những vùng núi cao, mùa ra hoa của chúng kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau (âm lịch). Hoa chè có màu vàng, đỏ và trắng (phần lớn là màu vàng), với đường kính 5 – 6cm nên được người dân gọi là chè hoa vàng.
Người dân huyện Quế Phong phơi khô chè hoa vàng để bán lại cho thương lái. Ảnh: Mỹ Hà
Trao đổi với phóng viên, ông Mong Văn Nga- Chủ tịch Hội đông y huyện Quế Phong cho biết: “Chè hoa vàng có tác dụng giúp hưng phấn thần kinh, lợi tiểu mạnh, giải độc gan và thận, ngăn ngừa xơ vữa động mạch máu, ức chế và tiêu diệt vi khuẩn, giúp hạ huyết áp, phòng ngừa ung thư và ức chế sự phát triển của các khối u khác. Ngoài ra, lá chè còn có tác dụng chống viêm, chống dị ứng và duy trì trạng thái bình thường của tuyến giáp”. |
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, anh Sầm Văn Hưng - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Quế Phong cho hay: “Huyện có diện tích rộng lớn, nhưng cây chè hoa vàng chỉ mọc ở các xã Đồng Văn, Thông Thụ, Hạnh Dịch, Tiền Phong, Mường Nọc, Châu Kim, các xã khác không có. Năm 2012, cây chè hoa vàng được phát hiện và công bố có nhiều giá trị khoa học, chứa hàng trăm thành phần dinh dưỡng, là loại dược liệu quý.
Vừa qua, tại xã Đồng Văn, Sở KHCN tỉnh Nghệ An đã tổ chức xây dựng vườn ươm cây chè hoa vàng tại khu vực lòng hồ thủy điện Hủa Na, với kỳ vọng sẽ tạo ra nguồn cây giống để giúp bảo tồn nguồn gen và cung cấp cho người dân địa phương”.
Do chè hoa vàng có giá trị kinh tế lớn nên tháng 4.2016, UBND huyện Quế Phong đã đưa loài cây này vào đề án bảo tồn và phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu của đề án là đến năm 2020, phấn đấu trồng được 5ha cây chè hoa vàng. Riêng năm 2017 mục tiêu trồng được 1ha, nhưng hết năm mới trồng được 0,5ha do gặp nhiều khó khăn.
Bà Lương Thị Lan (bản Na Chạng, xã Tiền Phong) cho biết: “Gần 1 tháng nay, từ sáng sớm cả gia đình tôi 5 người đã xách gùi, mang theo cơm nắm lên núi để thu hái chè hoa vàng. Nếu may mắn gặp khu vực có nhiều cây thì một ngày cũng thu hái được 0,8 – 1kg hoa, bán được hơn 1 triệu đồng”.
Bà Lan cho biết: “Sau khi thu hái được chè hoa vàng, người dân cho vào ống tre nứa, dùng lá cây nút lại để đảm bảo bông hoa luôn tươi ngon. Do người dân địa phương không có dụng cụ và công nghệ để chế biến nên thường bán nguyên liệu tươi cho thương lái”.
Ông Võ Khánh Toàn- Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho biết: “Do có giá trị kinh tế lớn nên những ngày này, nhiều người dân trong khu vực rủ nhau lên rừng thu hái chè hoa vàng. Gần đây, một số hộ dân đã mang giống cây này từ trên rừng về trồng ở vườn nhà, nhưng tỷ lệ sống không cao”.
Trò chuyện với bà Sầm Thị Thanh- chủ cơ sở Thanh Hải chuyên thu mua, chế biến chè hoa vàng và các loại dược liệu, địa chỉ tại khối 1, thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong, được biết: “Giá thu mua của chè hoa vàng tùy thuộc vào chất lượng sản phẩm. Loại 1 có giá từ 3 – 5 triệu đồng/kg, loại 2 từ 2 – 3 triệu đồng/kg, loại 3 từ 1,5 – 2 triệu đồng/kg.
Còn hoa chè khô có giá từ 5 – 8 triệu đồng/kg, loại đã qua chế biến có thể lên đến 12 triệu đồng/kg. Người dân đi thu hái trên núi về thường mang đến các cơ sở thu mua để bán ngay trong ngày, như vậy mới đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất”.
Ngoài cơ sở của bà Thanh, tại huyện Quế Phong còn có 4 cơ sở chế biến thô và một nhà máy thu mua sản phẩm chè hoa vàng từ người dân. Các cơ sở sau khi mua chè từ người dân sẽ tiến hành phân loại và sơ chế, bán lại cho các thương lái để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Chè hoa vàng bị thu mua kiểu tận diệt?
Những năm gần đây, trước mùa chè hoa vàng ra hoa, thương lái các nơi lại tìm về địa phương thu mua cả gốc, thân và lá của cây chè hoa vàng, với giá khá cao từ 30.000 – 70.000 đồng/kg. Do điều kiện kinh tế khó khăn và nhận thức hạn chế, nhiều bà con nông dân đã kéo nhau lên núi tìm đào cả gốc, mang cả thân và lá cây chè hoa vàng về bán cho tư thương, khiến cây dược liệu quý hiếm này có nguy cơ bị tận diệt.
Trước tình hình đó, ngày 27.3.2017, UBND huyện Quế Phong đã ban hành công văn hỏa tốc gửi UBND các xã, thị trấn, các phòng, ngành liên quan và các chủ rừng trên địa bàn về việc tăng cường tuyên truyền, quản lý và bảo vệ cây chè hoa vàng.
Bà Lương Thị Đào - Phó Chủ tịch UBND xã Hạnh Dịch cho biết: “UBND xã đã tổ chức họp dân để tuyên truyền, nhiều hộ đã ký cam kết khai thác đúng cách và bảo vệ cây chè hoa vàng. Xã cũng đang tiến hành quy hoạch, bảo tồn gần 3ha cây chè hoa vàng tại khu vực rừng do xã quản lý”.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng huyện Quế Phong, mỗi vụ ra hoa, người dân trên địa bàn huyện thu hái được khoảng 5 tấn nguyên liệu, thu nhập gần 10 tỷ đồng.
Theo dân việt