Xung quanh những bất đồng giữa người nuôi ong và chính quyền tỉnh Hà Giang với những người nuôi ong từ tỉnh khác đến, cũng như những lo ngại về việc ong ngoại gây hại cho ong nội và sản xuất nông nghiệp, phóng viên NTNN/Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Trọng- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NNPTNT.
Ông Trọng khẳng định, Cục Chăn nuôi sẽ căn cứ các Luật Đầu tư, đa dạng sinh học, thương mại, tiêu chuẩn chất lượng… để xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cho việc nuôi ong.
Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng, triển vọng của ngành ong hiện nay?
- Ngành ong mang lại hiệu quả kinh tế cao, có tiềm năng phát triển rất lớn, bởi 90 - 95% sản phẩm của con ong tạo ra có thể sử dụng và chế biến để xuất khẩu. Hiện các sản phẩm mật ong chủ yếu được xuất khẩu sang Mỹ, đem lại kim ngạch khá lớn. Năm 2014, sản lượng mật ong sản xuất có chững lại, song hiện nay đã phục hồi.
Đến nay Việt Nam vẫn chưa có quy chuẩn nào cho việc nuôi ong (ảnh minh họa). Ảnh: T.L
Nếu con ong ngoại được nuôi ở Đồng Văn, cũng không được ghi lên nhãn sản phẩm là mật ong bạc hà Đồng Văn, bởi giá trị của mật ong bạc hà cao gấp cả chục lần mật ong thường. Nếu các cơ quan chức năng không làm rõ, không bảo vệ được thì không những thương hiệu mật ong bạc hà Đồng Văn bị đánh cắp, mà người tiêu dùng sẽ bị đánh “lừa”, mua mật ong thường nhưng phải trả giá mật ong bạc hà” - Ông Nguyễn Văn Trọng |
Nghề nuôi ong rất phù hợp với những vùng miền núi, vùng khó khăn, tạo thêm sinh kế cho đồng bào các dân tộc trong khu vực. Song đặc điểm của nghề nuôi ong là nghề du mục, ở đâu có hoa là người dân tìm đến. Việc nuôi ong lấy mật không chỉ có giá trị kinh tế còn giúp cho cây trồng thụ phấn tốt, tăng năng suất, song nhiều người không hiểu lại cho rằng con ong gây bệnh cho cây trồng.
Thưa ông, Cục Chăn nuôi đánh giá như thế nào về chất lượng, hiệu quả kinh tế của con ong ngoại so với ong nội?
- Hiện nay chưa có một nghiên cứu cụ thể nào về chất lượng của mật ong ngoại so với mật ông nội. Song về nguyên lý sinh học thì con ong nội và ong ngoại đều có cơ chế lấy mật như nhau. Ong ngoại và ong nội được nuôi ở một khu vực, cùng ăn các loài hoa ở khu vực đó thì mật có chất lượng như nhau. Chất lượng mật tốt là do ong ăn được mật của loài hoa tốt, ví dụ như hoa bạc hà ở Hà Giang.
Tuy nhiên, con ong ngoại có thân hình to, khỏe hơn, vì thế nó lấy được nhiều mật hơn con ong nội (một đàn ong ngoại cho năng suất 38 – 40kg mật/thùng/năm, ong nội chỉ 18 – 20kg mật/thùng/năm). Song nhược điểm của con ong ngoại là nhu cầu mật rất lớn, nếu lượng hoa không đủ mật, nó “sẵn sàng” xâm nhập vào tổ ong khác để hút mật, thậm chí cắn chết ong trong tổ để lấy mật.
Lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã tuyên bố cấm người dân tỉnh khác đưa ong ngoại vào địa bàn tỉnh. Việc này đã gây không ít khó khăn cho người nuôi ong các địa phương khác. Ông nhìn nhận gì về việc này?
- “Cuộc chiến” giữa những người nuôi ong không phải bây giờ mới xảy ra ở Hà Giang, mà đã từng xảy ra ở nhiều tỉnh khác. Cụ thể, năm 2015, ở Quảng Nam vẫn đề này đã rất “nóng” khi người dân tụ tập yêu cầu lãnh đạo tỉnh “trục xuất” những người nuôi ong ở tỉnh khác ra khỏi địa bàn. Trước đó tại các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng… cũng đã xảy ra tình trạng này.
Để người dân hiểu rõ hơn về nghề nuôi ong và đặc tính của con ong, Cục Chăn nuôi đã phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo về con ong cho người nuôi ở các tỉnh Nam Trung Bộ. Tại hội thảo đó, các chuyên gia đã phân tích, chỉ rõ rằng con ong không những không gây hại cho cây trồng mà còn giúp cây trồng tăng năng suất nhờ giúp cây thụ phấn.
Như tôi đã nói ở trên, đặc điểm của nghề nuôi ong là du mục, không thể để ong nguyên một chỗ mà phải di chuyển ong theo mùa hoa của từng nơi để ong lấy mật. Khi người dân di chuyển ong từ vùng này sang vùng khác với mục đích lấy mật, họ sẽ thuê vườn của một vài hộ dân để đặt trại ong. Hộ được thuê thì thích, nhưng hộ không được thuê thì hậm hực, rằng nhà tôi cũng có vườn nhãn, vải… ong đến hút mật vườn tôi, nhưng tôi không được trả tiền, chỉ có ông cho thuê vườn được trả tiền.
Hơn nữa, số lượng hoa có hạn, người đang có ong tại địa phương sẽ bị chia lợi ích với người ở nơi khác đưa ong đến. Một khi lợi ích kinh tế bị san sẻ, không công bằng thì dẫn đến mâu thuẫn. Đây là nguyên nhân chính của các cuộc xung đột giữa những người nuôi ong ở các địa phương trong thời gian qua.
Tuy nhiên, việc tự ý cấm người dân nơi khác đưa ong vào Hà Giang của lãnh đạo tỉnh là sai.
Vậy trong thời gian tới, Cục có dự định ra văn bản để hướng dẫn cho người dân hiểu rõ về nghề nuôi ong, cũng như tránh xảy ra các vụ tranh chấp tương tự?
- Sau khi xảy ra việc tranh chấp giữa những người nuôi ong ở Hà Giang, Cục đã gửi 2 văn bản cho các địa phương. Theo đó, văn bản chỉ rõ, con ong ngoại không gây hại cho cây trồng, không có chuyện ong gây bệnh chổi rồng trên nhãn, vải như người dân đồn đoán. Tuy nhiên, do lượng hoa có hạn, nên Cục đã hướng dẫn các địa phương khuyến cáo người dân mỗi điểm chỉ nên để 100 đàn ong và phải cách nhau ít nhất 2km.
Theo tôi được biết, hiện chưa có quy chuẩn nào cho việc nuôi ong, vì vậy chúng tôi đang đề nghị xin Bộ kinh phí để nghiên cứu quy chuẩn, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật rõ ràng về việc nuôi ong để lấy căn cứ xử lý sau này. Tuy nhiên, cũng phải mất 1 – 2 năm các văn bản mới có thể hoàn thành.
Xin cảm ơn ông!
Áp dụng nhiều luật để quản lý Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, qua tìm hiểu các mâu thuẫn hiện nay về nuôi ong ở các địa phương, cục nhận thấy cần phải xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quản lý hoạt động nuôi ong dựa trên nhiều luật đã được ban hành. Cụ thể, căn cứ Luật Đầu tư để quy định việc khống chế người dân đặt đàn ong tại một điểm, đồng thời có nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước; căn cứ Luật Đa dạng sinh học để xây dựng các quy định về đảm bảo những người nuôi ong có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau, không phân biệt ong nội – ngoại, miễn là loại ong đó đã được Nhà nước cho phép nuôi... Các văn bản ban hành thời gian tới đây cũng sẽ căn cứ Luật Quy chuẩn chất lượng để quy định việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng mật ong, làm rõ đâu là mật ong ăn hoa, đâu là mật ong cho ăn đường; tránh tình trạng một số người lợi dụng thương hiệu mật ong của nơi khác để đẩy giá mật ong kém chất lượng lên cao kiếm lời... Nam Tùng Sơn “Chỉ đạo của tỉnh Hà Giang là vô lý” Luật sư Lê Hồng Hiển – Giám đốc Công ty Luật Nay & Mai - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết, việc Sở NNPTNT Hà Giang ban hành công văn đề nghị chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các tổ chức cá nhân vận chuyển ong ngoại từ các địa phương khác đến địa bàn tỉnh Hà Giang để khai thác mật hoa bạc hà, tiêu hủy bắt buộc đối với những đàn ong ngoại hiện có trên địa bàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ... là rất vô lý. Luật sư Hiển khẳng định, căn cứ quy định pháp luật hiện hành có thể thấy: Theo Danh mục giống vật nuôi được sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam (ban hành kèm theo Thông tư số 25/2015/TT-BNNPTNT ngày 1.7.2015 của Bộ trưởng Bộ NNPTNT, có quy định: “Các giống ong nội, các giống ong Ý và các tổ hợp lai của các giống ong trên thuộc giống vật nuôi được sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam”. V.T |
Theo Dân Việt