Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, 1 trong 3 thách thức lớn nhất của ngành nông nghiệp nước ta hiện nay, đó là tình trạng đất đai sản xuất manh mún với diện tích trung bình mỗi hộ chỉ đạt 0,3ha.
Làm thế nào để việc tích tụ, tập trung ruộng đất được đẩy mạnh hơn? NTNN xin trích giới thiệu bài viết của 2 Giáo sư- David Dapice và Nguyễn Xuân Thành đến từ Đại học Harvard (Mỹ) về chính sách đất đai, nông nghiệp của Việt Nam.
Tích tụ ruộng đất cần diễn ra tự nguyện
Việt Nam cần có chính sách giúp các nhà nông thành công tích tụ đất đai với diện tích có thể lên tới hàng nghìn ha. Ảnh: H.X
Những người nông dân muốn bán đất thường đã nghĩ đến một nơi ở mới hay một hoạt động sản xuất, kinh doanh mới – có thể là một nơi cach tác, chăn nuôi khác hay một nơi nào đó ở đô thị để sinh sống hay làm ăn. Họ cần đến nguồn vốn từ việc bán đất để có cơ hội tìm một cuộc sống tốt hơn" - GS Nguyễn Xuân Thành. |
Luật Đất đai 2013 cho phép người nông dân có quyền thuê đất 50 năm; đó là sự cải thiện lớn so với 20 năm như trước kia. Tuy nhiên, tính không linh hoạt trong sử dụng đất vẫn là một vấn đề. Nông dân không được thực sự tự do trong việc quyết định chăn nuôi hay trồng trọt trên đất nông nghiệp của mình.
Sự hạn chế này làm giảm giá trị đất của nông dân, và khiến họ không chắc có thể bán được đất để chuyển sáng hoạt động nông nghiệp khác hay chuyển ra thành phố. Thanh niên nông thôn thường có xu hướng rời bỏ hoạt động nông nghiệp, phản ánh trình độ học vấn cao hơn, sở thích và khả năng lưu chuyển cao hơn. Tuy nhiên, những người về già (trên 40 tuổi chẳng hạn) và lao động nữ có xu hướng ở lại nông thôn. Đó là lý do dẫn đến mức năng suất lao động tăng trưởng chậm và tương đối thấp.
Đất nông nghiệp vẫn không được đảm bảo quyền sử dụng ngang bằng với bất động sản đô thị. Quả thật, một nguồn tài chính và thu nhập lớn của các địa phương là thu hồi đất với giá đền bù phải chăng (dựa theo giá trị nông nghiệp) rồi chuyển sang mục đích sử dụng phi nông nghiệp với giá trị cao hơn nhiều. Điều này thực chất là tước đoạt giá trị đất đang gia tăng từ tay người nông dân rồi giao cho các nhóm lợi ích khác nhau. Chính sách này làm giảm thu nhập nông nghiệp vốn dĩ đã thấp, cản trở khả năng lưu chuyển lao động và sự hợp nhất đất nông nghiệp, và làm cho việc đầu tư vào đất nông nghiệp trở nên rủi ro hơn. Điều này vẫn xảy ra bất chấp những tiến bộ đạt được trong Luật Đất đai năm 2013.
Điều quan trọng cần lưu ý là nông nghiệp vẫn tiếp tục đóng vai trò xã hội quan trọng để cho những người lao động về già không muốn di chuyển và kỹ năng đô thị hạn chế vẫn có thể ở lại quê hương bản quán của họ. Không ai đề nghị rằng ta nên buộc nông dân bán quyền sử dụng đất của họ. Nhiều người hiện nay đang buộc phải làm thế, để các quan chức sử dụng đất của họ vào các dự án. Đúng hơn, vấn đề ở đây là nên đặt lại trọng tâm chính sách đất đai sao cho việc tích tụ đất đai một cách tự nguyện trở nên dễ dàng và được xem là đáng mong đợi, chứ không phải như sự trở lại của những địa chủ lớn.
Trong một xã hội hiện đại, đất nông nghiệp không phải là một nguồn sản nghiệp lớn, mà nông nghiệp cũng không chiếm tỷ trọng lớn trong sản lượng quốc gia. Những trang trại quy mô lớn sẽ không tạo thành một giai cấp kinh tế xã hội quan trọng như ngày xưa. Đó là lý do khiến ở tất cả các nước giàu, lực lượng lao động nông nghiệp giảm xuống. Nhà nước không nên tăng tốc quá trình này một cách khiên cưỡng, nhưng cũng không nên cấm đoán hay cản trở. Áp lực kinh tế tự nhiên khiến cho những người có khả năng lưu chuyển sẽ quyết định đi tìm thu nhập cao hơn trong những nghề nghiệp phi nông nghiệp. Việt Nam đang ở vào thời kỳ mà số lượng nông dân nên bắt đầu giảm dần, chứ không phải chỉ giảm tỷ trọng trong lực lượng lao động. Điều này sẽ đặc biệt đúng nếu tỷ lệ tăng trưởng chung gia tăng và xã hội sẽ tạo ra được nhiều việc làm nhà máy hơn, gắn liền với việc làm trong lĩnh vực dịch vụ và xây dựng, thông qua dòng vào FDI cũng như đầu tư của các nhà cung cấp ngoài quốc doanh.
Cho phép nhà nông thành công mở rộng trang trại
Hiện Việt Nam cần thu hút mạnh đầu tư tư nhân vào nông nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng năng suất của đất đai và năng suất của lao động. Điều này sẽ được thực hiện thông qua hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) tập trung tốt hơn, nâng cao hiệu quả chính sách công trong khai thác tài nguyên, giảm tổn thất sau thu hoạch, kết nối sản xuất, chế biến và tiếp thị nông nghiệp.
Đề xuất nhà nước đầu tư hay để thành lập những trang trại quy mô lớn hàng nghìn ha, hiện đại và thâm dụng vốn đã được thử nghiệm ở những nước khác ở Đông Nam Á và nói chung là không có hiệu quả – chí ít nếu tính đến chi phí kinh tế của những khoản trợ cấp ngầm về đất đai và tín dụng. Một cách tiếp cận hữu cơ và “từ dưới lên” là cho phép những nhà nông thành công mở mang trang trại lên hàng chục hay có thể hàng trăm ha. Các tổ chức tín dụng cung cấp vốn theo lãi suất thị trường để cải thiện đất, máy móc và chế biến nông sản trên cơ sở tự thẩm định tính khả thi.
Một phương án khác là cho các nhóm nông dân canh tác trên những diện tích lớn hơn – một sự tái sinh mô hình hợp tác xã. Phương án này đã được đề xuất trong một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới về sức cạnh tranh của lúa gạo và cây trồng khác. Mô hình hợp tác xã đã phát huy hiệu quả ở một số nơi tại châu Á có hệ thống kinh tế thị trường như Đài Loan. Nhưng Việt Nam thiếu năng lực thể chế để phát huy mô hình này. Cho phép những nông dân thành công mua lại đất của láng giềng, những người muốn ra đi, sẽ là một phương án đòi hỏi ít nỗ lực tổ chức hơn nhiều. Nếu cảm thấy có nguy hiểm từ những địa chủ lớn, nhà nước có thể áp thuế đất đối với những diện tích vượt quá một mức nhất định, và mức quy định này có thể thay đổi tùy theo vùng và chất lượng đất. Nếu áp dụng thuế này, nên áp dụng cho cả các doanh nghiệp nhà nước cũng như tư nhân.
Một thực tế cũng cần thay đổi là, chính sách đất đai vẫn thiên về lúa gạo hiện nay hay thiên về các cây hàng năm. Do đó, chất lượng sản phẩm thường không đủ cho các thị trường xuất khẩu giá trị cao và quy mô nhỏ làm hạn chế việc sử dụng cơ giới hóa và công nghệ. Trên hết, năng suất của lao động và đất xem ra thấp và (hoặc) tăng trưởng chậm. Ứng với những xu hướng này, ta có thể dự kiến người lao động sẽ lìa bỏ nông nghiệp nhanh hơn nhưng trên thực tế, số lượng lao động làm việc trong nông nghiệp vẫn gần 24 triệu người trong gần 2 thập niên.
Nhiều người nông dân sẽ quyết định ở lại bên những lô đất nhỏ do tuổi tác, tính cách, trình độ kỹ năng hay nghĩa vụ gia đình. Họ sẽ hưởng lợi nhờ những chương trình đặc biệt, liên quan đến nhiều hoạt động R&D, truyền bá kiến thức và cung cấp giống để có thể trồng những hoa màu có giá trị cao hơn. Những nỗ lực kiểu này thích hợp với sự hợp tác nhà nước - tư nhân. Các hiệp hội doanh nghiệp cũng có thể đóng vai trò nhất định trong việc phát triển và thực thi các tiêu chuẩn chất lượng giúp nâng cao danh tiếng và giá cả của sản phẩm Việt Nam.
Việc bổ sung thêm thuế đất đối với những diện tích đất lớn sẽ giúp bù đắp cho nguồn thu ngân sách mất vào tay những quan chức địa phương khi chuyển đổi mục đích sử dụng nông nghiệp sang phi nông nghiệp rồi tận hưởng giá trị đất lên cao cho mục đích riêng. Thuế đất cũng là nguồn thu ngân sách địa phương bền vững hơn.
Theo Dân Việt