Nông nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), còn gọi là "nông nghiệp thông minh" hay "nông nghiệp điện tử" - đang trở thành xu thế mới, cải thiện đáng kể nền nông nghiệp ở nhiều nơi trên thế giới. Tại Việt Nam, một số địa phương ứng dụng ICT trong sản xuất nông nghiệp và đạt được kết quả khả quan. Với lợi thế là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, ứng dụng ICT mở ra cơ hội nâng cao giá trị nông sản, hướng đến ngành nông nghiệp hiện đại cho vùng ĐBSCL.
\
"Nông nghiệp thông minh" đang mở ra cơ hội nâng cao giá trị nông sản, hướng đến ngành nông nghiệp hiện đại cho vùng ĐBSCL. Trong ảnh: Trồng hoa chuông từ phương pháp nuôi cấy mô của Trung tâm Ứng dụng
*Đột phá phát triển nông nghiệp
Trên thế giới, có nhiều quốc gia ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong nông nghiệp và tạo bước đột phá đáng kể. Nhờ ứng dụng CNTT trong nông nghiệp mà Israel từ nước có điều kiện đất đai khô hạn, khí hậu khắc nghiệt trở thành một quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới; Nhật Bản cũng khẳng định vai trò của một cường quốc về nông nghiệp bên cạnh thế mạnh công nghiệp và điện tử. Đến nay, 1 hécta đất ở Israel có thể cho năng suất hơn 3 triệu bông hồng, hay hơn 500 tấn cà chua mỗi vụ; mỗi năm, một con bò của Israel cho tới 11 tấn sữa. Chỉ với khoảng 2,5% dân số làm nông nghiệp, Israel không những bảo đảm đủ nhu cầu lương thực mà còn xuất khẩu nông sản mỗi năm.
Tại Việt Nam, việc ứng dụng CNTT vào nông nghiệp đang ở những bước đầu. Trong đó, ICT được ứng dụng nhiều nhất hiện nay là trong lĩnh vực sản xuất cây trồng trong hệ thống nhà màng, bao gồm hệ thống tự động hóa trong điều khiển nhà màng, điều khiển hệ thống tưới kết hợp với bón phân, hệ thống điều chỉnh ẩm độ và nhiệt độ, quang năng…; hệ thống quản lý chuỗi cung ứng tập trung quản lý hệ thống cung ứng đầu vào và hệ thống phân phối của một vài tập đoàn, công ty lớn, trong các trại chăn nuôi gia súc và đại gia súc, các trại nuôi thủy sản theo phương thức thâm canh hoặc trong hệ thống thiết lập chuỗi thực phẩm an toàn… Hiện đang có một số công ty nước ngoài triển khai các dự án có liên quan đến ứng dụng ICT trong nông nghiệp, như: dự án hợp tác giữa Công ty Fujitsu Nhật Bản với Tập đoàn FPT tại Hà Nam tự động hóa sản xuất nông nghiệp trong nhà màng; dự án ứng dụng ICT quản lý và vận hành sản xuất lúa tại Đồng Tháp; dự án của Công ty NEC ứng dụng ICT sản xuất, kinh doanh nông sản; dự án ứng dụng ICT trong vận hành và quản lý sản xuất nông nghiệp công nghệ cao giữa Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh với Công viên Phần mềm Quang Trung và Global Cyber Soft…
Ông Từ Minh Thiện, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: Ứng dụng ICT trong sản xuất nông nghiệp rất đa dạng, phong phú và hiệu quả. Tùy thuộc vào trình độ phát triển sản xuất và trình độ của lực lượng lao động mà những ứng dụng này sẽ được thiết kế cho phù hợp. Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao của TP Hồ Chí Minh đã từng bước ứng dụng CNTT phục vụ cho nông nghiệp. Thực hiện vấn đề này, Ban quản lý thử nghiệm việc trồng dưa lưới thông qua ứng dụng SmartAgri tại Khu nông nghiệp công nghệ cao từ tháng 12-2015. Kết quả bước đầu khá khả quan, sản lượng dưa lưới tăng khoảng 10% so với phương pháp truyền thống, chất lượng và trọng lượng cũng khá đồng đều. SmartAgri là hệ thống phần mềm quản lý sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ giai đoạn ươm mầm, xuống giống đến thu hoạch và bảo quản theo quy trình chuẩn. Hệ thống còn thiết lập hệ sinh thái cho nhà nông, chuyên gia, nhà phân phối và đơn vị thu mua trao đổi thông tin, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm… cũng như hệ thống phân tích dữ liệu và đề xuất giải pháp tối ưu. Qua đó làm tăng giá trị và năng suất của các sản phẩm nông nghiệp. Trước đây, việc xem xét nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng cho cây trồng hoàn toàn được thực hiện bằng con người và chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, với phần mềm này, tất cả sẽ được thực hiện một cách tự động thông qua các hệ thống chíp cảm biến được gắn ở một số vị trí trong nhà màng. Việc ứng dụng SmartAgri vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh qua việc tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và tối giản chi phí sản xuất, quản lý quá trình sản xuất tuân theo các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP… hỗ trợ cho việc xuất khẩu vào các thị trường như Mỹ, Nhật, châu Âu… Ứng dụng SmartAgri là giải pháp an toàn vệ sinh thực phẩm và giúp nông dân giảm thiểu được chi phí đầu tư ban đầu so với các hệ thống của các nước đối tác nước ngoài.
*Nền tảng cho vùng ĐBSCL
Để ứng dụng CNTT trở thành hướng đi bền vững cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cần nhiều giải pháp đồng bộ từ các cấp, cũng như việc mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này. Theo ý kiến của các chuyên gia, cần có hệ thống cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực sẵn sàng ứng dụng CNTT trong nông nghiệp cho vùng ĐBSCL. Có như vậy, ĐBSCL thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư và thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp.
Hiện vùng ĐBSCL có nhiều ưu thế và thuận lợi trong đào tạo nguồn nhân lực CNTT; trong đó TP Cần Thơ vai trò là trung tâm đào tạo của vùng – nơi tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng uy tín. Hằng năm, các trường đại học, cao đẳng trong vùng đào tạo hơn 1.200 sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT, trong đó chưa kể các trường đào tạo nghề ứng dụng. Đây chính là nguồn nhân lực quan trọng để phục vụ cho sự phát triển, ứng dụng CNTT. Tại TP Cần Thơ có nhiều doanh nghiệp CNTT trong và ngoài nước đầu tư hoạt động, như: Trung tâm Phần mềm Đại học Cần Thơ, Công ty Phần mềm FPT Cần Thơ, Công ty TNHH Dữ liệu phần mềm MêKong, Công ty TNHH SPS, Công ty TNHH Digitexx… Ngoài ra, một số doanh nghiệp từ châu Âu, Nhật Bản tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Cần Thơ, cho thấy tiềm năng cơ hội phát triển ngành CNTT của vùng ĐBSCL đang là một xu hướng. Cuối tháng 6-2016, UBND TP Cần Thơ có Quyết định chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị mới và Khu CNTT tập trung. Theo đó, Khu CNTT tập trung có diện tích sử dụng đất khoảng 20,03ha tại quận Cái Răng, dự kiến đưa vào hoạt động đầu năm 2020. Khu CNTT tập trung xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng về công nghệ - công nghiệp CNTT - viễn thông đáp ứng mọi nhu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư, doanh nghiệp CNTT trong và ngoài nước. Đồng thời, cung cấp môi trường thuận lợi về cơ chế chính sách, khả năng liên kết, hợp tác phục vụ hoạt động công nghiệp CNTT, dịch vụ bổ trợ, dịch vụ phục vụ cho các doanh nghiệp CNTT. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển CNTT ở Cần Thơ và của cả vùng ĐBSCL.
Theo ông Lê Văn Lợi, Viện trưởng Viện Tin học Doanh nghiệp – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ĐBSCL cần xác định thế mạnh của vùng để ứng dụng CNTT và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để thu hút nguồn nhân lực. Vùng ĐBSCL có thể ứng dụng CNTT để kiểm soát và phát triển chất lượng lúa, thủy sản, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm nâng cao uy tín và thương hiệu của vùng. Để tạo được một cộng đồng doanh nghiệp số ứng dụng công nghệ đồng nhất với chi phí tối ưu, ông Lê Văn Lợi khuyến nghị: Mỗi doanh nghiệp nên đầu tư một kết nối internet cáp quang. Hiện có nhiều nhà mạng như: Viettel, FPT, VNPT… có thể thực hiện việc này chỉ với chi phí vài trăm nghìn đồng/tháng. Doanh nghiệp có một tên miền + website quảng bá dễ dàng theo dõi, cập nhật thông tin và tích hợp các dịch vụ khác như dịch từ tiếng Việt sang nhiều thứ tiếng khác. Ưu tiên đầu tư smartphone, máy tính bảng, máy tính xách tay. Mỗi doanh nghiệp có ít nhất 80% nhân viên sử dụng email trong công việc và có tài khoản trên facebook và biết sử dụng để quảng bá sản phẩm và chăm sóc khách hàng…
Nguồn: Báo điện tử Cần Thơ