Nhờ cây cam xoàn, nhiều nông dân tại Đồng Tháp đã ăn nên làm ra. Cũng từ đây, nhà nông đang ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo hướng an toàn để nâng giá trị cam xoàn, thu lãi ổn định hơn.
Lợi nhuận ổn định
Khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh Đồng Tháp nói chung, huyện Lấp Vò nói riêng thuận lợi cho việc phát triển cây ăn quả có múi, đặc biệt là cam xoàn. Hiện diện tích trồng cam xoàn toàn tỉnh Đồng Tháp khoảng 1.137ha, trong đó huyện Lấp Vò khoảng 245ha.
Nông dân Đồng Tháp nhiều người có thu nhập ổn định nhờ trồng cam xoắn (Ảnh: Văn Thật).
Ông Dương Văn Thành, tổ trưởng tổ hợp tác trồng cam xoàn tại xã Phong Mỹ (huyện Lấp Vò), cho biết: Tôi vừa xuất bán 3,5 tấn cam xoàn, với giá 30.000/kg lợi nhuận mang lại trên 70 triệu đồng. Thời gian gần đây do tình hình thời tiết mưa nhiều, nên nhiều nhà vườn gặp khó khăn do sâu bệnh, nấm trên trái dẫn đến đến tỷ lệ đậu trái không cao, chất lượng thấp dẫn đến giá thành cũng giảm. Thời gian trước, khi điều kiện thuận lợi, giá cam xoàn ở mức cao hơn.
Cam xoàn rất thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng của Đồng Tháp (Ảnh: Văn Thật).
Theo nhiều nông dân tại địa phương, cam xoàn từ khi ra hoa đến thu hoạch khoảng 9 tháng, cam có vị ngọt thanh, nhiều nước, khi chín da hơi vàng, bình quân 4-5 quả/kg. Cây cam xoàn trồng từ 2-3 năm là cho thu hoạch. Cây cam xoàn có thể cho quả cả mùa nghịch và mùa thuận. Trung bình 1.000m2 cam xoàn cho sản lượng từ 3-5 tấn. Với giá bán hiện nay, cây cam xoàn cho lãi từ 50-70 triệu đồng/1.000m2.
Nông dân xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp trồng cam xoàn, cho thu nhập ổn định (Ảnh: Tấn Kha).
Chia sẻ về kinh nghiệm sản xuất cam xoàn theo hướng an toàn, bà Nguyễn Thị Lệ Hồng (ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò), cho biết: Để tạo ra sản phẩm cam xoàn an toàn, chất lượng việc cần làm trước tiên là phải lựa chọn giống cam có chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.
“Ngoài ra, cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật, đảm bảo sản phẩm làm ra an toàn; thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ, cách phòng trừ sâu bệnh, thu hái, bảo quản. Nông dân cũng cần lập hồ sơ, ghi chép lại những căn cứ để chứng minh sản phẩm của mình là an toàn. Thực tế cho thấy trồng cam xoàn theo hướng an toàn cho lợi nhuận ổn định hơn” - bà Hồng chia sẻ.
Hiện giá cam xoàn trên thị trường dao động từ 25.000 - 35.000 đồng/kg tùy theo loại, cao hơn cùng kỳ năm trước từ 7.000 - 10.000 đồng/kg.
Sản xuất theo hướng an toàn
Nhằm đưa ra giải pháp phát triển cây cam xoàn nói riêng theo hướng an toàn, bền vững, vừa qua, Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội thảo trao đổi kinh nghiệm trồng cam xoàn theo hướng an toàn, tại xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò.
Tại hội thảo, ông Vũ Văn Đông - Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh trình bày cho đông đảo nông dân về cách đăng ký và sử dụng website truy xuất nguồn gốc trái cây bằng mã vạch.
Trao đổi tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Bảo Vệ cho biết: Cây cam xoàn yêu cầu tương đối khắc khe về đất trồng, đất phải có tầng canh tác sâu trên 70cm, đất thoát nước tốt, mực nước ngầm sâu, pH thích hợp từ 5,5 – 6,5; đất có độ mùn cao, kết cấu tốt…Tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên và tập quán canh tác, khả năng tiêu thụ sản phẩm trên thị trường mà nhà vườn cần lựa chọn giống cây trồng thích hợp nhất.
GS.TS Nguyễn Bảo Vệ cũng khuyến cáo, trong bối cảnh nhiều loại sâu bệnh hại đang lan rộng thì việc sử dụng giống sạch bệnh, áp dụng các biện pháp thâm canh và quản lý tổng hợp sâu bệnh hại để chống tái nhiễm bệnh trên đất sản xuất cần được tuyên truyền rộng rãi. Bên cạnh đó, việc áp dụng hướng canh tác mới, sử dụng hiệu quả và đảm bảo an toàn đối với thuốc bảo vệ thực vật trên cây có múi là việc làm hết sức cần thiết.
Theo danviet