Câu chuyện đau lòng của hai học sinh nam bị những đối tượng đồng tính nam lạm dụng tình dục ở hồ bơi tại TP Hồ Chí Minh, sau đó không may nhiễm phải căn bệnh thế kỷ đã khiến cho nhiều người giật mình, bất an về thực trạng đáng báo động với đủ trò quấy rối, lạm dụng tại các hồ bơi công cộng…
Hai học sinh bị lạm dụng dẫn đến nhiễm căn bệnh thế kỷ
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Tiểu ban nhi Ủy ban Phòng chống AIDS TP Hồ Chí Minh, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP Hồ Chí Minh cho biết, mới đây một học sinh nam đang học lớp 9 tại một trường trung học cơ sở ở quận Tân Bình đã có kết quả dương tính với HIV sau khi tới xét nghiệm tại bệnh viện này.
Kết quả này đã khiến bản thân em học sinh này và cả cha mẹ em đều kinh ngạc và khóc hết nước mắt vì ở tuổi của em nguồn lây căn bệnh chết người này là khá hi hữu, bởi cha mẹ em hoàn toàn khỏe mạnh và trước giờ em học sinh này cũng chỉ chuyên tâm học tập, gần như không có bất cứ thói hư tật xấu nào có thể dẫn đến em bị dính vào căn bệnh này.
“Cậu học sinh này được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám bệnh với triệu chứng ốm yếu, sốt, ho. Các bác sĩ đã cho em xét nghiệm máu và đáng buồn là kết quả cho thấy em dương tính với HIV… Trường hợp này, cậu học sinh đang ở tuổi mới lớn, nếu bị nhiễm HIV thì nhiều khả năng cậu ta tiêm chích ma túy… Nhưng sau khi xem xét và hỏi kỹ, chúng tôi loại bỏ khả năng đó. Sau rất nhiều lần động viên và hỏi đi hỏi lại, cậu ta mới nói thật nguồn lây bệnh của mình”, bác sĩ Khanh kể lại.
Theo cậu học sinh này, em được đi học bơi ở một hồ bơi trên địa bàn quận Tân Bình. Ngay buổi học đầu tiên, khi em vào phòng tắm lại nước sạch và thay đồ để đi về thì em bị một thanh niên lạ mặt khoảng 30 tuổi xông thẳng vào phòng, khống chế, bịt chặt miệng nhằm không cho em la lên rồi lạm dụng em qua đường hậu môn. Sự việc xảy ra quá bất ngờ và nhanh chóng nên em này không kịp phản ứng và có hành động tự vệ.
Hai lần học bơi tiếp theo dù đã cảnh giác và chú ý nhưng em vẫn bị người thanh niên này có hành vi lạm dụng tương tự. Theo em, do học bơi theo lịch của nhà trường nên em không thể bỏ ngay được. Nhưng đến buổi học bơi cuối cùng, do quá sợ hãi nên em đã trốn buổi học này (em này học bơi mỗi tuần một buổi trong 4 tuần). Những ngày sau đó, do quá hoảng loạn và xấu hổ nên em đã im lặng, không nói cho ai biết, coi như một tai nạn.
Hồ bơi Hàng không
Tuy nhiên, chính vì sự im lặng này của em do không ý thức hết được những nguy cơ có thể xảy ra với mình nên khoảng 5-6 tháng sau khi bị lạm dụng, em bắt đầu có biểu hiện ốm yếu, sốt, ho. Sau nhiều lần uống thuốc vẫn không thuyên giảm, gia đình đã đưa em đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám, và điều không mong đợi đã xảy ra khi các bác sĩ phát hiện em bị nhiễm HIV.
Ngoài trường hợp này, bác sĩ Khanh còn kể một trường hợp khác tương tự, xuất phát từ lời kể của một nữ nhân viên làm công tác xã hội. Theo đó, vào khoảng tháng 2/3, khi đang còn là học sinh trung học phổ thông, em trai này thỉnh thoảng có đi bơi tại một hồ bơi ở quận 12. Một lần, sau khi bơi xong, em này vào phòng thay đồ và đã bị một thanh niên cao lớn, khoảng trên 30 tuổi bất ngờ xông vào phòng bịt miệng và lạm dụng em qua đường hậu môn…
Sau đó khoảng năm, sáu tháng, em thấy xuất hiện những triệu chứng nhiễm bệnh… Vừa lo sợ và hoang mang vừa không biết cách xử sự ra sao, tuy nhiên, sau khi xem các bảng tư vấn, hướng dẫn việc điều trị bệnh HIV được đặt tại nhiều nơi công cộng, em này đã gọi điện cho tư vấn viên và được hướng dẫn tới Bệnh viện Nhi Đồng 1 xét nghiệm. Hiện em này (đang là sinh viên đại học) đang được điều trị bằng thuốc ARV (thuốc kháng virus HIV).
Theo bác sĩ Khanh, khi em trai này gọi điện thoại trò chuyện với tư vấn viên, em tỏ rõ sự khủng hoảng, lo lắng tột độ. Điều đáng nói là em chỉ chủ động gọi điện cho tư vấn viên mỗi lần cần hỏi một điều gì đó, nhưng khi tư vấn viên gọi điện lại thì em không bắt máy hoặc tắt cuộc gọi. “Chúng tôi đang rất lo vì em này đã cố ý giấu về nhân thân và có vẻ em cũng giấu gia đình về bệnh tình của mình đang mắc phải. Do đang phải điều trị bằng thuốc ARV nên chúng tôi sợ rằng những tác dụng phụ của loại thuốc này sẽ khiến em mắc phải những triệu chứng không mong muốn, rất cần sự trợ giúp của người thân, của gia đình”, bác sĩ Khanh tỏ ý lo lắng.
Phòng thay đồ nam là nơi dễ diễn ra tình trạng quấy rối và lạm dụng.
Bản thân bác sĩ Khanh thừa nhận rằng hàng tuần hai lần ông đi bơi tại hồ bơi Nguyễn Tri Phương, ở đường Đồng Nai, quận 10. Tại đây thỉnh thoảng ông vẫn phải chứng kiến những việc quấy rối, mờ ám của những thanh niên đồng tính nam khi đến hồ bơi này.
Từ hai trường hợp học sinh nêu trên và lời bộc bạch của bác sĩ Khanh, chúng tôi đã đi khảo sát và tìm hiểu thực tế tại một số hồ bơi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Kết quả hết sức bất ngờ, đa số những vị quản lý các hồ bơi đều thừa nhận thực trạng đáng báo động về việc nhiều thanh niên đồng tính nam đến hồ bơi không phải để bơi mà chủ yếu nhằm những mục đích khác với đủ trò quấy rối, gạ gẫm, rình mò, thậm chí lạm dụng tình dục các khách nam…
Nỗi khổ khó nói của tất cả các hồ bơi
Hồ bơi Nguyễn Tri Phương ở đường Đồng Nai, quận 10 được thiết kế trên lầu 2 của tòa nhà chính. Theo quan sát của chúng tôi, diện tích hồ bơi và khuôn viên xung quanh được thiết kế khá thoáng rộng. Anh N.H, một khách nam đến đây bơi thường xuyên, cho biết, thời gian trước hồ bơi này được giới đồng tính nam ví như nơi tụ tập của họ.
Nhiều khách đến bơi thường bị mấy người này xông thẳng vào phòng tắm (phòng tắm lại sau khi bơi ở hồ bơi và thay đồ ra về) đòi tắm chung, gây khó chịu và bức xúc cho khách bơi đàng hoàng. Đó là chưa kể nhiều hành động phản cảm của những khách đồng tính nam như nhìn ngó chằm chằm vào các phòng tắm, rồi sau khi tắm ở hồ bơi xuống, họ cởi quần đi qua đi lại…
Trao đổi với chúng tôi về thực trạng tại hồ bơi này, ông Nguyễn Tuấn Khanh, Phó chủ nhiệm CLB bơi lặn Nguyễn Tri Phương cho biết, với tình hình thời tiết hiện nay hàng ngày có hơn 1.000 khách đến hồ bơi này. “Tôi thừa nhận thời gian trước, nhiều người ví hồ bơi này như một ổ “gay” vì có thời gian thành phần này còn kêu gọi tụ tập nhau về đây bơi lội và “hoạt động”, có người còn bắt cặp làm chuyện bậy bạ trong phòng tắm. Tình trạng đòi tắm chung với khách hay thậm chí có người còn lấy điện thoại ra quay clip lúc khách đang thay đồ vẫn thỉnh thoảng diễn ra… Tuy nhiên, đó là thời gian trước kia, còn hiện nay tình trạng phức tạp này đã đỡ lắm rồi”, ông Khanh nhìn nhận thực tế.
Cửa phòng tắm ở hồ bơi Hàng không là những tấm vải thưa.
Theo ông Khanh, hiện nay hồ bơi này phải cho hẳn một người thường xuyên có mặt ở khu vực thay đồ và phòng tắm để kiểm tra và theo dõi mọi động tĩnh nhằm can thiệp kịp thời mọi chuyện phức tạp xảy ra ở đây.
Dù là hồ bơi nằm trong khuôn viên đằng sau của Trung tâm văn hóa quận Gò Vấp (đường Phạm Văn Chiêu, phường 13, quận Gò Vấp) nhưng vẫn không tránh khỏi chuyện rắc rối. Theo ông Vàng, quản lý hồ bơi này cho biết, vào thời điểm trước Tết Giáp Ngọ tại hồ bơi đã xảy ra trường hợp một nam thanh niên đồng tính lén quay phim một khách nam đang tắm trong phòng tắm. Trước đó, thanh niên này mua vé vào bơi bình thường như bao khách khác. Nhưng khi vào khu vực phòng tắm của hồ bơi, anh này đã dùng điện thoại quay phim lén một khách nam. Sự việc này đã bị người khách phát hiện và báo cho nhân viên tại hồ bơi. Nhân viên hồ bơi đã yêu cầu người thanh niên này xóa dữ liệu trên điện thoại và làm bản cam kết không tái phạm…
Ông Nguyễn Anh Hoàng, Chủ nhiệm hồ bơi Lao Động thuộc Cung Văn hóa Lao động TP Hồ Chí Minh (quận 1), thừa nhận, tại hồ bơi này vẫn thỉnh thoảng xảy ra tình trạng các đối tượng đồng tính nam trà trộn vào để rình mò, quấy rối khách.
“Cách đây vài ngày, chúng tôi cũng mới đuổi một người khách ra khỏi hồ bơi vì anh ta đã rình mò chúng tôi khi đang tắm trong phòng. Khi phát hiện, chúng tôi đã nhanh chóng mời người này ra khỏi hồ bơi…”, ông Hoàng kể lại.
Đề cập đến việc xử lý những trường hợp tai quái này, ông Nguyễn Anh Hoàng cho biết: “Thực tế hiện nay không có điều khoản nào để cấm người đồng tính vào hồ bơi và chúng tôi cũng không thể kiểm tra mọi ngóc ngách để có thể thấy hết được những việc làm mờ ám của những người có vấn đề. Tuy nhiên chúng tôi luôn cố gắng đến mức cao nhất để hạn chế thấp nhất vấn đề rắc rối này, đồng thời thường xuyên khuyến cáo, nhắc nhở khách bơi đề phòng những hành vi rắc rối này”.
Riêng ông Nguyễn Tuấn Khanh lại băn khoăn vì hầu như không có bất cứ cơ sở nào để có thể xử lý dứt điểm vấn đề phức tạp này. “Biện pháp chế tài cao nhất hiện nay là chúng tôi chỉ có thể mời khách ra khỏi hồ bơi, ngoài ra không còn biện pháp nào cả. Tôi rất mong có cơ sở pháp lý để xử lý mấy dạng khách “biến thái” kiểu này, vì nó gây ảnh hưởng rất xấu đến hình ảnh hồ bơi và cả đội ngũ quản lý như chúng tôi nữa”, ông Khanh tỏ ý bức xúc.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo:
“Từ thực tế như vừa qua, có thể thấy những vấn đề đặt ra là chuyện đồng tính nam ở hồ bơi đang có thật, và việc các khách nam, thậm chí trẻ bị cưỡng bức và lạm dụng ở hồ bơi cũng có thể xảy ra. Vì thế, cần phải lên tiếng tuyên truyền và huấn luyện để trẻ có cách tự bảo vệ mình an toàn trong lúc đến hồ bơi, đồng thời cảnh báo để những trường hợp khác không may gặp phải chuyện bị lạm dụng và cưỡng bức, các trẻ cần phải báo ngay cho cha mẹ, người thân. Trẻ cũng có thể tự mình đến phòng B7, Bệnh viện Nhi Đồng 1 hoặc tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (phòng 8, 190 Bến Hàm Tử, phường 1, quận 5) để được tư vấn và uống thuốc chống phơi nhiễm. Cần nhớ khoảng thời gian “vàng” nạn nhân cần phải được tư vấn và điều trị phơi nhiễm ngay sau khi bị xâm hại là 72 tiếng đồng hồ”.
Theo Khám Phá