Trung Quốc tuyên bố có 60 nước ủng hộ lập trường Biển Đông của họ, nhưng lại vấp phải phản ứng quyết liệt từ chính các nước này.
Đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên Biển Đông. Ảnh: CSIS
Sự tham gia đầy bất ngờ của Lesotho và một loạt các nước nhỏ khác nằm cách rất xa châu Á vào vụ kiện của Philippines này chính là kết quả của một chiến dịch vận động hành lang của Trung Quốc nhằm lôi kéo sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế, chống lại phán quyết của một tòa án được Liên Hợp Quốc bảo trợ, theo bình luận viên Ryan Kilpatrick của WSJ.Vương quốc nhỏ bé Lesotho ở châu Phi không hề có mối liên quan rõ ràng nào tới Biển Đông, nhưng đây lại là một trong khoảng 60 nước mà Trung Quốc tuyên bố rằng ủng hộ lập trường của họ đối với phán quyết về "đường lưỡi bò" sắp tới do Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ban hành.
Những tuần gần đây, khi phán quyết của PCA sắp được ban hành, báo chí Trung Quốc liên tục đưa tin về nước này nước kia ủng hộ lập trường "không theo kiện, không chấp hành phán quyết" của họ. Con số này được nâng từ 40 nước hồi tháng trước lên 60 quốc gia vào tuần này, trong đó được nhắc tới nhiều nhất là các quốc gia ở châu Phi, Trung Đông và Trung Á.
Hôm qua, CCTV còn đưa tin rằng một đảng chính trị ở Nepal đã lên tiếng ủng hộ lập trường của họ đối với vấn đề Biển Đông, trong một cuộc họp của đảng. Trước đó, Trung Quốc đã công khai "cảm ơn" các quốc gia mà họ nói rằng ủng hộ quan điểm của mình về vụ kiện.
"So với nhóm 7 hoặc 8 nước, con số này nói lên nhiều điều", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói hôm thứ ba. Con số "7 hoặc 8 nước" mà ông Lục nêu nhiều khả năng ám chỉ nhóm G7, những nước đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế.
Thế nhưng Kilpatrick chỉ ra rằng, trên thực tế, sự ủng hộ của này có vẻ yếu ớt hơn rất nhiều so với những gì Trung Quốc tuyên bố: Đến nay, chỉ mới có 8 quốc gia đưa ra tuyên bố công khai rằng họ ủng hộ việc Trung Quốc tẩy chay quá trình xét xử và bác bỏ phán quyết của PCA.
Đó chính là các nước Afghanistan, Gambia, Kenya, Niger, Sudan, Togo, Vanuatu, và Lesotho, dựa trên các dữ liệu công khai mà Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington thu thập được.
5 trong số 60 quốc gia trong danh sách Trung Quốc tự công bố đã thẳng thừng bác bỏ việc ủng hộ lập trường của Bắc Kinh, trong đó có hai thành viên của Liên minh châu Âu (EU).
Theo Kilpatrick, với một quốc gia từ lâu đã phản đối Mỹ "quốc tế hóa" tranh chấp trên Biển Đông, chiến dịch lôi kéo này chứng tỏ Bắc Kinh đang ngày càng lo lắng về khả năng họ sẽ bị cô lập trong cộng đồng quốc tế nếu không chấp hành phán quyết của PCA.
Kết quả thực tế của chiến dịch vận động cũng cho thấy những hạn chế trong sức ảnh hưởng và quyền lực mềm của Trung Quốc, ngay cả với những quốc gia nhỏ đang khao khát tiền viện trợ và đầu tư.
"Đây giống như một liên minh đầy mơ hồ, hoặc chỉ đơn giản là những nước không nắm rõ tình hình, chứ không phải là một khối đồng nhất", Euan Graham, chuyên gia về Biển Đông tại Viện Lowy ở Sydney, Australia, nhận định.
Từ trước tới nay, Trung Quốc luôn khăng khăng không thừa nhận thẩm quyền của PCA và do đó sẽ bác bỏ phán quyết của tòa. Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh vẫn đang gia tăng sức ép để buộc Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế và phán quyết của PCA, nếu không sẽ phải đối mặt với tình trạng bị cô lập nghiêm trọng.
Mập mờ
Giải thích cho việc có hàng chục nước ủng hộ lập trường của mình, ông Lục Khảng cho rằng đây là những quốc gia "quan tâm, hữu hảo với Trung Quốc và muốn hiểu biết tình hình thực tế". "Sau khi nắm rõ bản chất vấn đề, họ quyết định đưa ra quan điểm và giữ gìn công lý", ông Lục nói.
8 quốc gia công khai ủng hộ Trung Quốc đều đưa ra một luận điểm chung rằng Trung Quốc có quyền lựa chọn phương pháp riêng để giải quyết tranh chấp. Thậm chí có quốc gia Tây Phi là Gambia còn thừa nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông ngay sau khi chuyển hướng quan hệ ngoại giao từ Đài Loan sang Trung Quốc vào tháng ba.
Sự khác nhau trong danh sách của Trung Quốc và tuyên bố các nước về lập trường đối với vụ kiện "đường lưỡi bò". Đồ họa: WSJ. |
Trung Quốc nói rằng nhiều quốc gia Arab thể hiện sự ủng hộ của họ trong "Tuyên bố Doha" sau một cuộc họp ở Qatar hồi tháng trước. Thế nhưng bản tuyên bố này chưa hề được công khai, và các quan chức Qatar lẫn Trung Quốc đều không cung cấp được bản sao của nó. Một quan chức Trung Quốc còn nói rằng bản tuyên bố "vẫn đang được dịch".
Nga, cường quốc duy nhất nằm trong danh sách của Trung Quốc, đã nhất trí không nên quốc tế hóa tranh chấp trên Biển Đông, nhưng chưa từng công khai ủng hộ Bắc Kinh trong vụ kiện.
Những tuyên bố của Trung Quốc về danh sách các nước ủng hộ chứa đựng nhiều thông tin mập mờ, không rõ ràng, và đã vấp phải phản ứng của chính các nước có tên trong đó.
Hồi tháng 4, Trung Quốc bất ngờ ra một tuyên bố nói rằng Ba Lan, một thành viên của EU, ủng hộ lập trường Biển Đông của họ. Ngay sau đó, các quan chức Ba Lan đã lên tiếng phản đối, giải thích rằng tuyên bố mà Trung Quốc đưa ra chưa được hai bên phê chuẩn sau một hội nghị giữa ngoại trưởng hai nước.
Họ cũng nói rằng trong tuyên bố này, Ban Lan chỉ ủng hộ chính sách giải quyết tranh chấp "thông qua đối thoại và tham vấn" của Trung Quốc, không hề nhắc một chữ nào đến vụ kiện hay tòa trọng tài.
"Tuyên bố đó không phản ánh chính xác quan điểm của Ba Lan về vấn đề Biển Đông. Quan điểm của chúng tôi vẫn không thay đổi, và phù hợp với chính sách tổng thể của EU", Bộ Ngoại giao nước này nhấn mạnh.
Slovenia, một thành viên khác của EU, cùng quốc gia vùng Balkan là Bosnia và Herzegovina, cũng lên tiếng bác bỏ các tuyên bố chính thức của phía Trung Quốc rằng họ ủng hộ Bắc Kinh trong vụ kiện.
Có lẽ điều đáng ngạc nhiên nhất là Trung Quốc đã bị "bóc mẽ" bởi các nước nhỏ hơn vốn rất cần đến nguồn viện trợ và đầu tư khổng lồ từ Bắc Kinh. Hồi tháng 4, đảo quốc Fiji bác bỏ tuyên bố trên báo chí Trung Quốc rằng nước này ủng hộ Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông. Lào và Campuchia cũng bác bỏ thông tin từ phía Trung Quốc rằng ba nước đã đạt được "đồng thuận quan trọng" liên quan đến giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.
Một quan chức Campuchia tuyên bố thẳng thừng rằng chính phủ nước này chưa đạt được thỏa thuận như vậy với Trung Quốc. "Chúng tôi vẫn chưa thay đổi lập trường của mình", ông này nhấn mạnh
Theo Greg Poling, chuyên gia tại Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc CSIS, Trung Quốc có vẻ như không mấy thành công trong chiến dịch lôi kéo quy mô lớn của mình. "Rốt cuộc, khả năng nghĩ ra được một kịch bản xoay trở và lôi kéo các nước khác tin vào điều đó của Trung Quốc phản ánh cường độ sức ép mà nước này đang hứng chịu", ông nói.