Tiết mục sử dụng từ ngữ nhạy cảm của Lê Tấn Lợi gây chú ý với nhiều khán giả.
Tiết mục bị phản đối gay gắt
Tối 22.2, tập cuối của Thách thức danh hài mùa 3 đã lên sóng với chiến thắng 150 triệu dành cho Lê Tấn Lợi – hot boy trà sữa.
Tuy nhiên, kết quả này đã tạo nên làn sóng gây tranh cãi và phản ứng dữ dội trong cộng đồng mạng cũng như khán giả xem truyền hình. Trên Youtube, phần thi của nam thí sinh nhận được lượt dislike (không thích) rất lớn.
Thí sinh Tấn Lợi giành 150 triệu tại Thách thức danh hài.
Nhiều người cho rằng, Lê Tấn Lợi diễn quá nhạt và gượng ép, không xứng đáng giành được 150 triệu đồng giải thưởng của chương trình. Ý kiến này càng được ủng hộ hơn bởi trong giây phút đăng quang của Lê Tấn Lợi thay vì lời chúc mừng và tung hô, giám khảo đặc biệt là Trường Giang lại có những lời nói nghiêm khắc và khuyên thí sinh của mình đừng lấn sân vào showbiz.
“Nếu em có thể chọc cười khản giả ở các sân khấu bên ngoài, anh sẽ cho em 1 tỷ đồng”, Trường Giang nói.
“Nói thật là mình không thấy tiết mục của bạn Tấn Lợi mắc cười ở chỗ nào. Khi xem, mình và nhiều người bạn đều cảm thấy nó quá nhạt nhẽo và gượng gép. Thí sinh này giành 150 triệu thì đủ hiểu chương trình đang thiếu thí sinh tốt đến mức nào”, khán giả Việt Khanh bình luận trên trang web của chương trình.
“Mình không ganh ghét gì hết. Còn có giả tạo hay không thì mình không đề cập đến vì Tấn Lợi đang diễn. Nhưng diễn như vậy mà lấy được 150 triệu thì hơi quá. Mình thấy cô giáo xứng đáng hơn. Trường Giang nhận xét rất đúng”, độc giả H.S cho biết.
Chưa dừng lại ở đó, nhiều người còn phản đối Tấn Lợi về việc sử dụng từ nhạy cảm trong tiết mục của mình. Dù chi tiết này khiến Trấn Thành cười nghiêng ngả nhưng với nhiều người, đó là một chi tiết chưa chuẩn.
Trấn Thành được cho là quá dễ cười giúp Tấn Lợi giành được 150 triệu.
Trước đó, việc Tấn Lợi liên tục gọi vợ là “nó” trên sóng truyền hình cũng gây ra hai luồng ý kiến. Người thích thì khen đáng yêu chân thành, ngược lại người chê cho rằng anh chàng này quá thô lỗ và coi thường người bạn đời.
“Tôi thấy chỉ có 60 giây để chọc cười khán giả, nhưng có rất nhiều cách để chọc cười, chứ không phải dùng những từ ngữ nghe không lọt lỗ tai, từ đầu chương trình toàn kêu vợ sắp cưới bằng “nó” là không đúng. Tôi xem chương trình mà không thấy có chỗ nào để đáng cười cả”, độc giả Bùi Thanh Hải bày tỏ sự phản đối với tiết mục của Tấn Lợi.
“Trường Giang rất nghiêm túc trong chương trình này và giải thưởng chỉ giành cho những người xứng đáng nhận được nó. Mình nghĩ hài là phải thật sạch sẽ và trong sáng thì mới là hài”, khán giả Meiga cũng dành những nhận xét không mấy tích cực cho phần thi và cách sử dụng từ ngữ của Tấn Lợi.
“Thật đáng buồn vì những chương trình giải trí nhảm nhí như thế này phát sóng hết khung giờ “đẹp”, giành tiền thưởng khủng trong khi những chương trình mang tính nhân văn ngày càng teo tóp!”, một khán giả đặt vấn đề xa hơn.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc sử dụng từ ngữ của Tấn Lợi không có gì quá đáng. “Đây chỉ là hiểu lầm trong việc sử dụng từ ngữ giữa các miền thôi. Đối với miền Bắc, từ này dung tục nhưng với miền Nam, nó lại bình thường”, khán giả tên Thắng chia sẻ ý kiến.
Khán giả Thanh Hoàng cũng đồng tình với ý kiến này: “Việc gọi vợ là “con” hay “nó hoàn toàn không có gì quá đáng, nhất là ở các vùng tỉnh lẻ, vùng quê.”
Tấn Lợi liên tục gọi vợ là “nó” trên truyền hình.
Các danh hài trong nghề nói gì?
Chiến Thắng là một cây hài nổi tiếng bởi sự dân dã. Tuy nhiên, theo anh khi đi diễn trên truyền hình cũng phải tiết chế từ ngữ rất nhiều.
“Khi lên truyền hình phải suy nghĩ rất kĩ trước khi phát ngôn hay tấu hài điều gì. Phải suy tính được những từ ngữ đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến người xem, vì ai cũng biết khán giả truyền hình rất rộng và nhiều lứa tuổi khác nhau”, Chiến Thắng nói.
“Chúng tôi phải cân nhắc rất kĩ những từ ngữ địa phương, tiếng lóng,… vì không phải ở đâu họ cũng hiểu hết được ý nghĩa của nó. Nhiều khi dẫn đến hiểu nhầm rất tai hại. Bên cạnh đó, cũng phải hết sức tránh những từ liên quan đến “mẹ” vào”, Chiến Thắng hài bước nói.
Theo Chiến Thắng, khi đi diễn ở truyền hình và các sân khấu tỉnh có nhiều điều khác biệt, vì thế việc sử dụng từ ngữ cũng có thể “du di” được. Tuy nhiên, với sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng, các nghệ sĩ cũng cần hết sức tiết chế để tránh những điều không hay.
“Bây giờ cuộc sông phát triển, việc nắm bắt thông tin nhanh lắm. Đi diễn sân khấu nói là du di được nhưng các nghệ sĩ cũng phải hết lưu ý. Vì mình chỉ nói điều gì bậy bạ mà bị khán giả quay lại rồi tung lên mạng là chết dở. Ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín và tên tuổi của mình”, Chiến Thắng cho hay.
Danh hài Chiến Thắng cho rằng, khi diễn trên truyền hình cần tiết chế ngôn ngữ.
Nói về xu thế sử dụng nhiều từ ngữ phản cảm trong các chương trình, tiết mục hài ngày nay, Chiến Thắng cho rằng, đó là điều có thể hiểu được.
“Những từ ngữ lóng, dân dã và hơi tục rất gần gũi với đời sống thường ngày nên nó dễ tạo ra sự cuốn hút trong các tiểu phẩm hài, dễ gây cười. Tuy nhiên, nếu lạm dụng quá thì dễ gây phản tác dụng, tôi rất ít dùng”, Chiến Thắng cho biết.
Trong khi đó, danh hài Quang Tèo cho biết rằng, đã coi mình là người nghệ sĩ thì cần nói có trách nhiệm vì không còn là trẻ con nữa. “Tất cả những từ ngữ, câu nói nhạy cảm sẽ gặp phải những phản ứng không hay từ dư luận. Đó là điều tất nhiên. Pháp luật sẽ sờ đến nếu quá đà”, NSƯT cho biết.
Nói về trường hợp của Tấn Lợi với tư cách là một thí sinh đi thi chương trình truyền hình, Quang Tèo cho rằng, các BGK phải có trách nhiệm tiết chế thí sinh.
“Các giám khảo phải có tiếng nói. Thí sinh đi thi mà để họ phát ngôn không chuẩn thì phải xem lại ban giám khảo thôi. Ban giám khảo cũng như là người thầy của thí sinh mà, phải cho ra khỏi phòng thi ngay”, Quang Tèo nhấn mạnh.
Theo Blogtamsu