Lâu lâu, mẹ già dưới quê lại gọi lên, hỏi chừng nào có cháu cho bà ẵm bồng. Anh chỉ thở dài, bảo giờ đẻ con thì mẹ vợ bệnh lấy tiền đâu đi nhà thương, ba đứa cháu tật nguyền của vợ lấy ai tắm rửa, nuôi nấng…
Câu chuyện về người chồng hy sinh cả tuổi thanh xuân lẫn nghĩa vụ duy trì nòi giống của đứa con độc trai độc nhất trong nhà để toàn tâm toàn ý lo cho gia đình vợ được người dân ấp Bàu Tre 1, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi (TP.HCM) râm ran kể suốt mấy năm nay. Ở đó, người ta bất ngờ vì chàng trai cao ráo, trẻ trung chấp nhận lấy cô vợ lớn hơn mình nhiều tuổi bao nhiêu lại càng cảm phục trước tấm chân tình của anh dành cho những đứa trẻ “người dưng nước lã” bấy nhiêu.
Người đàn ông ấy là Nguyễn Văn Nhân (SN 1983, quê Quảng Ngãi), chồng của chị Đinh Thị Hồng Hạnh (SN 1978, quê TP.HCM).
Thấy em bất hạnh, anh thương
14 năm trước, anh Nhân rời Quảng Ngãi lên Sài Gòn mưu sinh. Cuộc sống một thân một mình nơi xứ lạ quê người khiến chàng trai nghèo khao khát có một mái ấm gia đình đông đúc, bởi suốt quãng đời thơ ấu, anh đã bao lần nếm trải nỗi cô đơn của cảnh con một. Năm 2006, số phận cho anh gặp chị Hạnh khi hai người cùng làm công nhân ở một công ty cao su.
Chị Hạnh kể lại: “Ngay từ những ngày đầu gặp mặt, tôi đã không ngần ngại kể về hoàn cảnh của mình cho Nhân nghe. Năm 1997, cú sốc đầu đời đến với tôi. Trong một lần đạp xe lên thành phố, chiếc xe bốn bánh đã cướp đi mạng sống của đứa em gái út và để lại trên đầu tôi một khoảng lõm nơi sọ trái. Vụ tai nạn khiến gia đình tôi điêu đứng, ba phải bán hết ruộng vườn để lo tiền thuốc thang cho tôi nhiều năm sau đó. Đến khi bệnh tôi thuyên giảm thì ba lại bị tai biến. Ít lâu sau thì ông mất”.
Tưởng vậy đã quá thương cảm, nhưng khi đến tận nhà đồng nghiệp, anh Nhân lại càng ngỡ ngàng khi biết ngoài việc tối mặt tối mũi lo chuyện cơm áo gạo tiền, chị Hạnh còn gánh luôn trách nhiệm chăm sóc cho ba đứa cháu ruột tật nguyền. Đó là em Đinh Long Hồ (SN 1988), sinh ra trong di chứng chất độc màu da cam. Em Đinh Chí Thoại (SN 2000) bị tật bẩm sinh chân trái, đi lại cưc kỳ rất khó khăn. Và em Đinh Khánh Duy (SN 2001) bị tâm thần nhẹ, suy nghĩ ngây ngô như một đứa bé ba tuổi.
Thấy người con gái ấy vì lo cho ba đứa trẻ bị bỏ rơi mà chấp nhận dở dang đường chữ nghĩa, chàng trai Quảng Ngãi bỗng động lòng cảm mến. Từ những ngày đầu sang nhà cô giúp đỡ việc lặt vặt, anh thấy nhớ, rồi yêu “người chị” cùng công ty lúc nào không hay. Mặc lời khuyên can của nhiều người, sự e ngại, tự ti của chính chị Hạnh, bằng tình cảm chân thành, anh đã thay đổi suy nghĩ của tất cả mọi người. Năm 2012, họ chính thức thành đôi sau 6 năm vượt bao phong ba sóng gió.
Về ở rể, anh Nhân cùng vợ thay phiên nhau vừa đi làm, vừa chăm sóc cho ba đứa cháu. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì vấn đề mới phát sinh. Đinh Long Hồ càng lớn càng khó chăm sóc, trong khi hai đứa còn lại cần người túc trực đưa rước đi học thường xuyên. Biết vợ không thể lo xuể tất cả chuyện này, khi cứ trái gió trở trời, mảng sọ lõm trong vụ tai nạn thuở nào lại hành cô đau đớn khôn tả. Vậy là anh Nhân quyết định nghỉ hẳn việc trên công ty, dành mọi thời gian ở nhà chăm sóc cho ba đứa cháu vợ.
Con cái là của trời cho, nhưng mẹ và cháu là của hai vợ chồng
Kể từ đó, anh Nhân bắt đầu làm những công việc quen thuộc: ngày hai cữ chở Chí Thoại và Khánh Duy đi học, rồi trở về nhà túc trực bên chiếc xe lăn của đứa cháu lớn nhất. Anh Nhân bồi hồi nhớ lại: “Mấy lần đầu cũng thấy kỳ lắm, nhất là lúc thằng nhóc la hét, phóng uế luôn trên xe. Một tay thay đồ cho nó, một tay bịt mũi mà mùi hôi thối vẫn bốc lên nồng nặc. Mình cắn răng, nghĩ đến hoàn cảnh của vợ mà cố gắng vượt qua”.
Dần dà, anh không còn e ngại, lại xem chuyện tắm rửa, lo ăn uống, vệ sinh cho cháu như một niềm vui. Anh còn kiêm luôn việc cho mấy con gà ngoài chuồng ăn, bổ đống củi lớn ngoài sân để nhà có cái để chụm. Đôi lúc rảnh rỗi, người chồng chạy sang một cơ sở làm than đá gần nhà, xin ông chủ cho làm công việc phơi than với thù lao vỏn vẹn chỉ 2.500 đồng/vỉ than. Một buổi làm giúp anh có được 50.000 – 60.000 đồng, đỡ đần cho vợ được phần nào hay phần đó.
Hơn một năm nay, bà Nguyễn Thị Gái (SN 1951, mẹ vợ anh Nhân) bất ngờ mắc căn bệnh nhồi máu não, phải điều trị tại bệnh viện Củ Chi với chi phí đắt đỏ. Vậy là anh Nhân lại phân thân, gánh thêm việc chở mẹ lên bệnh viện, rồi chạy đôn chạy đáo khắp đầu trên xóm dưới để cùng vợ lo tiền thuốc cho bà.
Giữa lúc đang rối ren, mẹ ruột anh Nhân lại gọi lên, bảo rằng thương nhớ con trai. Những cuộc điện thoại của bà mong ngóng đứa cháu ẵm bồng vì tuổi đã già, nhà lại cô quạnh không người kề cận cứ ngày một dày đặc hơn, khiến lòng đứa con trai độc nhất đau như dao cắt. Bởi ngay từ ngày đầu cưới nhau, anh cùng vợ đã dặn lòng sẽ không sinh con để dành hết thời gian lẫn tiền bạc lo cho mấy đứa cháu vợ. Giờ mẹ vợ lên cơn bạo bệnh, lời hứa xưa lại càng không thể nào xoá bỏ.
Nghe từng lời tận đáy lòng của anh Nhân, bà Gái nghẹn ngào: “Tôi phải tu ba đời mới có được thằng rể như nó. Thấy hai vợ chồng nó cô độc mình cũng nhói lòng, nhưng đâu dám khuyên can gì, bởi tình cảnh hiện tại quá thiếu thốn rồi. Thôi thì tuỳ con Hạnh, thằng Nhân quyết định”.
Quyết định đã đưa ra từ lâu, và người trong cuộc cũng đã chấp nhận. Anh Nhân bảo, con cái là của trời cho, còn mẹ và vợ mới là của hai vợ chồng. Nhưng trong tận thẳm sâu, người đàn ông ấy có lẽ cũng khao khát một mụn con, để người mẹ ngoài quê có cháu ẵm bồng, để .html" class="follow red">tình yêu hai vợ chồng kết trái ngọt trong chuỗi ngày tảo tần vất vả…
Theo Afamily