Nhiều luật sự phản pháo, không đồng tình với báo cáo của Phòng Giáo dục quận Thủ Đức (TP.HCM) về việc bé gái học lớp 1 bị té và chảy máu ở vùng kín chứ không bị xâm hại tình dục.
Buổi làm việc giữa gia đình bé và Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM vào sáng nay
Sáng 13.3, bà Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, đã có buổi làm việc với chị Phụng (mẹ cháu bé, tên đã được thay đổi) liên quan đến việc bé bị gái (học lớp 1) con của chị Phụng bị nghi xâm hại tình dục.
Theo chị Phụng, tối 14.2, chị đón con đi học về thì phát hiện vùng kín của bé bị chảy máu. Khi chị tra hỏi, bé kể trưa cùng ngày, ăn cơm xong con chị về lớp ngủ thì bị người đàn ông tên Đ. (hay giao nước cho nhà trường) xâm hại vào vùng kín.
Ngay trong đêm phát hiện vụ việc, chị đã đưa bé đến Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ và được các bác sĩ khám theo quy trình pháp y. Tuy nhiên, bác sĩ nghi con chị có dấu hiệu bị xâm hại nên tư vấn chị báo công an và yêu cầu chị không quay lại lấy kết quả vì theo quy định, vụ việc có dấu hiệu xâm hại chỉ trả lời pháp y.
Taị buổi làm việc, luật sư Nữ yêu cầu chị Phụng đưa biên lai đóng tiền học phí bán trú của con chị để xác nhận cháu có ở lại trường buổi trưa. Luật sư Nữ bức xúc đặt vấn đề trách nhiệm nhà trường ở đâu khi cho rằng cháu bé bị chảu máu nhiều tại trường mà nhà trường không đưa cháu đến phòng y tế.
“Ngay trong ngày hôm nay, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP sẽ cầm giấy giới thiệu đến Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ tìm hiểu về kết quả phám phụ khoa cho bé Phú (tên đã được thay đổi)”, luật sư Nữ nói.
Theo chị Phụng trong buổi sáng 15.2, khi chị cùng công an đưa con về lại trường, cô bảo mẫu cũng không hề nói bé bị té.
“Hơn 11h cùng ngày, bé nói chú Đ. làm bé đau. Trong lúc tôi đang đứng suy nghĩ thì bé lên bục giảng với cô bảo mẫu và các bạn. Ít phút sau đó, bé nói với công an là bé bị té. Điều tôi nghi vấn là tại sao cô bảo mẫu nói không hề té, sáng cũng không hề té và giờ lại nói là bị té”, chị Phụng đặt câu hỏi.
Về vấn đề camera bị mất dữ liệu, chị Phụng cho biết, trong ngày 15.2, chị cùng công an xem xét lại camera ghi hình vào ngày xảy ra sự việc tại phòng làm việc của thầy hiệu trưởng. Lúc kiểm tra, chị và công an phát hiện camera (số 4) đặt ở vị trí nghi con chị bị xâm hại bị mất dữ liệu đúng vào thời điểm xảy ra vụ việc, từ 11h18 đến 12h22 ngày 14/2/2017.
Không lâu sau đó, chị Phụng có làm việc với cán bộ Công an quận Thủ Đức và yêu cầu làm rõ vụ việc dữ liệu camera bị mất thời gian con chị nghi bị xâm hại. Theo lời chị Phụng, công an quận Thủ Đức nói hiệu trường trường khẳng định việc camera số 4 tự dưng bị mất dữ liệu thời gian mà chị tố cáo là do cô lao công dọn phòng ngắt cầu dao tổng. Cầu dao tổng chỉ kết nối camera số 4 nên khoảng thời gian đó mất.
Tại buổi làm việc, chị Phụng nói trong nước mắt và cho biết rất bức xúc với kết luận của Phòng Giáo dục quận Thủ Đức cho rằng con chị chỉ bị té và chảy máu. Chị phản bác: “Báo cáo nói nhà trường tuyệt đối không cho người lạ vào là không đúng vì khi quan sát camera của trường, tôi thấy có nhiều phụ huynh là đàn ông vẫn vào tới tận cửa lớp để đón các bé. Làm sao các cô biết tất cả trong số đó không có người gian. Với lương tâm một người mẹ, hôm nay là con tôi còn hôm sau có thể là bé khác nữa nên tôi phải làm đến cùng vụ việc”.
Liên quan đến báo cáo của Phòng Giáo dục quận Thủ Đức về việc bé bị té ngã không phải “bị xâm hại”, Luật sư Nguyễn Văn Đức cho rằng: “Đây là kết luận quá vội vàng của Phòng giáo dục. Việc bé bị xâm hại hay không, phải có kết quả pháp y, kết luận trả lời của cơ quan công an”
Luật sư Đức đề nghị cơ quan công an cần đẩy nhanh tiến độ vì để lâu các dấu vết sẽ mờ dần, đặc biệt là các hình ảnh từ camera an ninh được cho là đã bị can thiệp. “Vụ việc đã gần một tháng trôi qua, cần phải có kết quả giám định để khởi tố vụ án hay không, gia đình đang nóng lòng chờ động thái này. Vì càng về lâu dài, tâm lý cháu bé càng ảnh hưởng lớn”, luật sư Đức nói.
Theo danviet.vn