Search
Thứ 5, 23/02/2017, 11:20 AM

Một câu nói mà nghẹn lòng cả triệu người: “Chứ mẹ chết thì phải làm sao hả chú?”

Một câu nói mà nghẹn lòng cả triệu người: “Chứ mẹ chết thì phải làm sao hả chú?”

Cuộc mưu sinh và cái nghèo không cho chị có cơ hội bên mẹ những ngày đau yếu, chỉ khi tử biệt sinh ly mới tất tả chạy về. “Chứ mẹ chết thì phải làm sao hả chú?”, một câu nói chứa đựng nỗi đau và cũng là sự uất hận của người con không gặp mặt mẹ trước khi mẹ mất.

Ngày còn nhỏ, mẹ tôi thường bảo, buổi tối ở nhà không nên chải tóc. Hai chị em tôi đều là con gái, đứa nào cũng nuôi tóc dài, ngô nghê hỏi mẹ tại sao lại phải làm thế? Mẹ xoa đầu, bảo hai đứa phải ngoan, nghe lời mẹ. “Không ai cấm các con chải đầu, nhưng từ xa xưa đã có lời cảnh báo, chải tóc ban đêm sẽ phải chịu cảnh biệt ly mãi mãi với người thân yêu, bố mẹ mất không được gặp mặt lần cuối. Các con có muốn vậy không?”.

Lớn lên, lời mẹ dặn dò đã trở thành thói quen trong vô thức, kể cả gội đầu muộn tôi cũng không chải tóc bao giờ. Có thể điều ấy chẳng có cơ sở gì để tin là thật, nhưng có kiêng có lành, tôi rất sợ sau này bố mẹ già yếu mình lại không kịp ở bên lúc lâm chung. Nếu như thế, tôi sẽ ân hận cả đời mất, vì tôi trưởng thành thêm ngày nào thì bố mẹ cũng già đi ngày đó.

Một câu nói mà nghẹn lòng cả triệu người: “Chứ mẹ chết thì phải làm sao hả chú?”

Lớn lên, người con nào cũng chỉ mong bố mẹ ở bên mình mãi mãi.

Chẳng hiểu sao mấy ngày nay trên mạng lại lan truyền một câu chuyện rất xúc động, đã xảy ra cách đây một thời gian khá lâu nhưng được ai đó lại, nhận được đồng cảm sâu sắc của hàng chục ngàn người. Câu giống với những gì tôi băn khoăn lâu nay, đọc mà nhói lòng.

“Chứ mẹ chết thì phải làm sao hả chú?”

Khoảng 5h sáng ngày 25/9 tại sân bay Tân Sơn Nhất, một người phụ nữ làm thủ tục ở quầy vé. Nhìn là biết người nghèo vì áo quần cũ kỹ, mặt mày hốc hác, tiều tụy, đã vậy lại còn thấp bé, chỉ độ 1,5m. Với thái độ khẩn cầu, chị xin được đổi giờ bay chuyến 6h, nhưng chuyến bay đã hết vé, chỉ còn hạng thương gia. Muốn đổi vé, chị phải bù thêm 1,5 triệu đồng.

Những người xung quanh nhìn một người phụ nữ tiều tụy, nghèo khổ ấy lục túi lấy tiền, những đồng tiền chẵn lẻ khác nhau chứng tỏ được thu gom theo kiểu bỏ ống, nhưng cũng đủ để bù giá vé. Ai cũng ngạc nhiên khi thấy chị quyết định không chút đắn đo, có người còn cười cợt vì cho rằng nghèo mà “chơi leo”. Hầu như chị không quan tâm đến thái độ, ánh nhìn của những người xung quanh, với chị, được đổi giờ bay sớm hơn là quan trọng nhất.

Một câu nói mà nghẹn lòng cả triệu người: “Chứ mẹ chết thì phải làm sao hả chú?”

Mọi tiếng xì xào mỉa mai đều im bặt khi người phụ nữ ấy nói lý do đổi vé máy bay: “Chứ mẹ chết thì phải làm sao hả chú?”.

Nam nhân viên giám sát mặt đất như muốn xác định lại: “Chị mua vé hạng thương gia cơ à?”. Chị đáp lại: “Dạ vâng! Chứ mẹ chết thì phải làm sao hả chú?”.

Những người xung quanh nghe câu nói của chị đều lặng ngắt và thực sự chia sẻ. Có thể chị không hề biết hạng thương gia là gì, và chị cũng không bận tâm khi phải thêm số tiền không nhỏ đối với chị, để chỉ về với mẹ sớm hơn một giờ. Một giờ thôi nhưng quý báu vô cùng.

Dù chị không kể ra, nhưng ai cũng có thể hiểu chị là công nhân hoặc là người tha phương kiếm sống. Cuộc mưu sinh và cái nghèo không cho chị có cơ hội bên mẹ những ngày đau yếu, chỉ khi tử biệt sinh ly mới tất tả chạy về. “Chứ mẹ chết thì phải làm sao hả chú?”, một câu nói chứa đựng nỗi đau và cũng là sự uất hận của người con không gặp mặt mẹ trước khi mẹ mất.

Câu chuyện lên đến cao trào cảm xúc ở đoạn sau. Nam nhân viên sau khi nghe chị nói đã chạy đi một lát rồi quay trở lại. Anh nói: “Em đổi vé xong rồi, chị đi đi nhé. Không phải bù thêm tiền bạc gì đâu”. Ngay sau đó, một nữ nhân viên khác gửi lại cho chị 1,5 triệu đồng.

Không ai biết nam nhân viên ấy đã làm cách gì để giúp chị. Có thể anh đã trình bày hoàn cảnh của chị với người có trách nhiệm cao hơn, và mọi người đã nhanh chóng xử lý, chuyển chị lên hạng thương gia nhưng không thu tiền. Dù cách gì thì cũng đã có một kết thúc rất đẹp. Rất cảm ơn những tấm lòng nhân hậu, đã làm cho cuộc sống đẹp đẽ hơn.

Một bạn viết trên facebook rằng: ‘Đây là câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Mình đã khóc khi đọc đến dòng cuối cùng. Thật tự hào về truyền thống tương thân tương ái của người Việt. Xin chia buồn với sự mất mát của chị’.”

Một câu nói mà nghẹn lòng cả triệu người: “Chứ mẹ chết thì phải làm sao hả chú?”

Mẹ luôn là người yêu thương con vô điều kiện cho đến tận cuối đời, con nhất định ở bên mẹ khi mẹ mất.

Câu chuyện không dài, cũng chẳng hề phô trương, song lại mang ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc, gần gũi với mỗi người chúng ta, khiến ai cũng phải lặng mình suy ngẫm. Thời còn học Đại học, một người bạn cùng lớp với tôi đã đối diện với cú sốc mất cha mà không thể về nhà ngay được. Đó là ngày cuối cùng cậu ấy thi Đại học, chỉ còn một môn nữa là xong. Bố cậu ấy đưa con trai tới điểm thi xong liên quay về, trên đường về nhà thì bác gặp tai nạn, qua đời đột ngột. Cậu ấy nhận được cuộc gọi từ người lạ báo tin dữ ngay khi vừa bước vào phòng thi, chưa kịp gửi đồ đạc để vào phòng thi. Cậu ngã quỵ, vô hồn nhìn ra cửa, tôi biết khoảnh khắc ấy cậu đau đớn đến thế nào, không thở được, cũng không thể khóc được. Nhưng rồi mẹ cậu gọi cuộc thứ 2, nói với cậu từng câu từng chữ rất bình tĩnh, rõ ràng, yêu cầu con trai hoàn thành nốt môn thi cuối cùng.

Cậu là con trai duy nhất của họ, là niềm tin, là hy vọng, cũng là nguồn sống suốt gần 20 năm của bố mẹ mình. Biết rằng cú sốc ấy quá khủng khiếp, ai cũng cho rằng cậu ấy không còn tâm trí để làm điều gì nữa, bất cứ người nào ở trong hoàn cảnh ấy cũng sẽ từ bỏ tất cả để trở về nhìn mặt cha lần cuối. Nhưng cậu ấy đã nghe lời mẹ, nuốt nước mắt ngồi lại 2 tiếng, hoàn thành tâm nguyện của bố, thầm nhủ “bố ơi chờ con một chút nữa thôi, con sẽ về tiễn bố”. Nộp bài sớm nhất, cậu lao ra khỏi cửa, còn chẳng lấy cặp sách về.

Tôi đã khóc rất nhiều khi nghe cậu bạn kể lại kỉ niệm đau thương nhất trong cuộc đời mình. Cậu còn tự trách rằng nếu hôm ấy không đòi bố đưa đi để thi cho an tâm, bố đã không gặp tai nạn. Tôi chỉ biết nói rằng, đó không phải lỗi của cậu. Người phụ nữ kia cũng thế, những người vô tâm ở xung quanh cười nhạo cô, chê cô quê mùa chẳng hiểu biết gì, thế nhưng, đổi lại là họ, liệu họ có bình tĩnh được không, hay cũng vội vã tìm đủ mọi cách trở về bên cha mẹ đã qua đời? Tôi biết lời cuối cùng sau đây là rất cũ, nhưng nó chưa bao giờ hết ý nghĩa răn dạy, cũng chưa bao giờ là sai: “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không?”….

 

Theo Afamily



0.29744 sec| 1547.555 kb