Đó là ý kiến của bà Ninh Thị Hồng – Ủy viên Thường vụ, Thường trực Trung ương Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam trong cuộc trao đổi với PV về sự việc nghệ sĩ hài Minh Béo hồi hương với thái độ tự đắc, không biết hối cải sau 9 tháng ngồi tù vì tội ấu dâm ở ‘xứ sở cờ hoa’.
Trên đất Mỹ, tội phạm ấu dâm là đối tượng bị khinh bỉ, căm ghét và là mục tiêu của các cuộc tấn công, phỉ báng, thậm chí là sát hại. Còn ở Việt Nam tội ấu dâm cũng là điều cấm kỵ. Tuy vậy, người ta sợ hãi khi nhắc đến nó, bởi sự xâm hại đến trẻ em như một nhát dao cứa sâu vào nỗi đau tinh thần của những “mầm non sống”. Chính lối suy nghĩ đó đã tiếp tay cho những tội phạm ấu dâm sống nhởn nhơ ngoài pháp luật.
Chỉ có những “nghệ sĩ rởm” mới chào đón Minh Béo như một “người hùng”
Thời gian gần đây, sự việc Minh Béo về nước với thái độ “dương dương tự đắc” sau 9 tháng ngồi tù vì tội ấu dâm ở “xứ sở cờ hoa” khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Không chỉ vậy nhiều “nghệ sĩ” còn tỏ thái độ hân hoan, chào đón, chúc mừng Minh Béo giống như một “ngôi sao Hollywood” đã tạo nên sự phản cảm không thể lý giải.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Ninh Thị Hồng – Ủy viên Thường vụ, Thường trực Trung ương Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam cho hay chỉ có những “nghệ sĩ rởm” mới chào đón Minh Béo như một “người hùng” như vậy.
Bà Ninh Thị Hồng – Ủy viên Thường vụ, Thường trực Trung ương Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam cho hay chỉ có những “nghệ sĩ rởm” mới chào đón Minh Béo như một “người hùng” như vậy.
“Nghệ sĩ có đặc thù lao động khá khác biệt. Anh lên sân khấu biểu diễn cho công chúng ngoài việc phải có thể hình đẹp thì cần có đạo đức và tâm hồn sáng. Bản thân tôi lên án kịch liệt hành động tự đắc của Minh Béo. Minh Béo đừng bao giờ bước lên sân khấu nữa, bạn diễn hề như thế đủ quá rồi, chúng tôi xấu hổ khi xem bạn. Đó là lý do Minh Béo nên chọn một nghề khác để làm”, bà Ninh Thị Hồng thẳng thắn.
Bà Hồng cho biết, từ xưa đến nay, nhiều người cho rằng phải giao cấu với trẻ em mới là tội, còn việc lạm dụng tình dục với trẻ vị thành niên đó là chuyện bình thường. Nhưng không, pháp luật Việt Nam đã quy định đó là tội dâm ô với trẻ em (hay ấu dâm như cách gọi của người Mỹ). Là công dân Việt Nam, ai cũng cảm thấy xấu hổ khi có một người của nước mình bị pháp luật nước sở tại bắt vì tội ấu dâm.
Bà Hồng nhấn mạnh, dư luận cùng với báo chí truyền thông của Việt Nam cần phải lên án mạnh mẽ hơn nữa để chống lại nạn xâm hại tình dục.
Bà Hồng nhấn mạnh, dư luận cùng với báo chí truyền thông của Việt Nam cần phải lên án mạnh mẽ hơn nữa để chống lại nạn xâm hại tình dục. Mặc dù Minh Béo phạm tội ở nước ngoài nhưng giới chức trách Việt Nam, nhất là Cục Nghệ thuật biểu diễn nên nghiên cứu và đưa ra phương án xử lý là cấm Minh Béo biểu diễn trên các sân khấu.
“Không chỉ riêng Minh Béo mà gia đình của anh ta cũng phải cảm thấy xấu hổ trước việc làm này, bởi lẽ “Trăm năm bia đá thì mòn, nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”, bà Hồng nói.
“Nạn nhân xâm hại tình dục im lặng vì xấu hổ, vì không được cảm thông, chia sẻ”
Theo bà Ninh Thị Hồng, trong vòng 5 năm (2011-2015) cả nước có khoảng 5300 vụ xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt nạn nhân là trẻ em nam đang có xu hướng gia tăng.
Trong quá trình công tác có những vụ việc khiến bà bàng hoàng, đau sót suốt thời gian dài, thậm chí không bao giờ quên được. Đó là vụ xâm hại tình dục bé gái 8 tháng tuổi ở Bắc Giang khiến cơ quan sinh dục và hệ tiết niệu của bé hư hỏng nặng, phải cắt bỏ. Đó là vụ xâm hại tình dục ở Cà Mau, khi hung thủ vì say xỉn đã giở trò đồi bại, sau đó giết nạn nhân, vùi xác xuống đất bùn để phi tang. Đó là vụ cha ruột hiếp dâm con gái, dẫn đến có bầu và phải sinh con ở tuổi 13… Tất thảy những vụ việc này đều là nỗi ám ảnh khôn nguôi với những mầm non bé bỏng, khiến tuổi thơ của họ chìm đắm trong nỗi sợ hãi cùng cực.
Theo bà Ninh Thị Hồng, trong vòng 5 năm (2011-2015) cả nước có khoảng 5300 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Ảnh minh họa cắt từ bộ phim Hope của Hàn Quốc nói về vấn nạn xâm hại tình dục.
Theo bà Hồng, xâm hại tình dục là một tội ác đáng khinh bỉ, cần phải lên án mạnh mẽ. Nạn nhân có thể không chết nhưng đã gieo rắc những dấu vết và ám ảnh nặng nề lên tâm hồn non nớt, thánh thiện của trẻ. Chúng cảm thấy ghê tởm vì không hiểu tại sao người lớn lại có hành vi như thế đối với mình, vì thế mà rơi vào bế tắc, hận thù, phát triển tâm sinh lý không bình thường.
Những vụ xâm hại tình dục không được đưa ra ánh sáng pháp luật là do chính bản thân các em và gia đình đã im lặng. Họ im lặng vì xấu hổ, vì không được xã hội cảm thông và chia sẻ. Họ im lặng vì sợ mọi người biết, kỳ thị và khinh bỉ.
Nỗi đau của những đứa trẻ bị xâm hại tình dục là không thể đong đếm được.
“Nhiều người nghĩ đến tương lai lâu dài của con, lớn lên con khó có cơ hội lấy chồng. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận thế này, những đứa trẻ bị xâm hại tình dục còn rất bé, đó là điều ngoài ý muốn. Chính vì vậy, điều quan trọng nhất phải làm thay đổi suy nghĩ của mọi người, khi đó những người bị xâm hại mới không che giấu và những đối tượng xâm hại tình dục mới được đưa ra ánh sáng pháp luật“, đại diện Trung ương Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam cho biết.
Bên cạnh việc truy tìm thủ phạm, ngành y tế và các tổ chức xã hội phải trị liệu, động viên tinh thần để em nguôi ngoai nỗi ám ảnh bị xâm hại tình dục. Những người xung quanh không có thái độ tò mò khiến nạn nhân có những suy nghĩ không tích cực.
Bà Ninh Thị Hồng – Ủy viên Thường vụ, Thường trực Trung ương Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam.
Theo bà Ninh Thị Hồng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm hại tình dục gia tăng.
Thứ nhất là đạo đức xã hội xuống cấp, trật tự xã hội bị đảo lộn. Người lớn, nhất là những đối tượng không nghề nghiệp đua đòi ăn chơi, khi có nhu cầu quan hệ tình dục thì thường “nhắm” vào đối tượng là trẻ em.
Thứ hai gia đình còn lơ là trong việc quan tâm con cái. Khi con bị xâm hại tình dục, nhiều gia đình cho rằng đó là điều xấu hổ nên không dám tố cáo mà chỉ “giải quyết trong êm đẹp” nên dẫn đến nhiều kẻ có hành vi xấu nhưng vẫn nhởn nhơ ngoài pháp luật.
Thứ ba là việc quản lý văn hóa phẩm lỏng lẻo. Trên mạng xã hội, truyền hình… có rất nhiều hình ảnh phản cảm, không phù hợp với đối tượng là trẻ em.
Thứ tư là thiếu khu vui chơi cho thanh thiếu niên.. Bên cạnh đó pháp luật xử lý chưa nghiêm, né tránh, bao che nhau.
Theo phunuvagiadinh