Search
Thứ 4, 31/08/2016, 10:29 AM

Lòng dân bên thác Bản Giốc

Lòng dân bên thác Bản Giốc

Xã Đàm Thủy (Trùng Khánh, Cao Bằng) nằm ở khu vực nhạy cảm khi trải dài 17,5km dọc theo đường biên với Trung Quốc. Trên địa bàn xã có với 58 cột mốc biên giới. Xã cũng là nơi có danh lam thắng cảnh nổi tiếng - thác Bản Giốc. Với tầm quan trọng về vị trí như vậy, xã cũng có những con người hết sức đặc biệt, trong đó có vị Bí thư - Chủ tịch - thượng tá quân đội Mê Văn Đạt.

Vị cán bộ xã 3 trong 1

Trong cả buổi trò chuyện với chúng tôi, anh vẫn tất tả giải quyết đủ thứ công việc của Bí thư kiêm Chủ tịch một xã đường biên. Không thiếu chuyện từ nhỏ tới lớn, từ việc xây ki-ốt bán hàng tới việc xin làm đường điện xuống thôn, bản… Việc nào anh cũng giải quyết gọn lẹ, nhưng vẫn không thiếu sự điềm đạm vốn có của người lính.

 long dan ben thac ban gioc hinh anh 1

Bí thư - Chủ tịch - thượng tá quân đội Mê Văn Đạt. Ảnh:  Việt Anh

Thượng tá Đạt trước khi về làm lãnh đạo xã biên giới Đàm Thủy là Trưởng ban Hành chính, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng. Anh Đạt cũng là sĩ quan biên phòng đầu tiên trong cả nước được biệt phái, tăng cường về xã trọng điểm, làm Bí thư kiêm Chủ tịch. Mô hình “cán bộ biệt phái, tăng cường” này sau đó được nhân rộng tại nhiều địa bàn trọng điểm, phức tạp ở khắp cả nước.

Khi được phân công nhiệm vụ mới, là người lính, đương nhiên anh phải chấp hành. Nhưng là con người, ai chẳng có tâm tư, anh cũng thế. Gia đình anh lúc đó 4 người ở 4 nơi. Vợ anh là giáo viên, dạy học ở Bảo Lạc, cách Đàm Thủy tới 200km và cách nhà (ở TP.Cao Bằng) 100km. Còn hai đứa con, đứa lớn theo học sĩ quan chuyên nghiệp, nhà chỉ còn mỗi cô con gái út học THPT. Vì thế, mỗi năm gia đình chỉ được gặp nhau vài lần, vào những ngày lễ tết. “Cũng được cái con bộ đội nên các con tôi có thói quen tự lập từ sớm, không ngại vất vả. Vậy nên bố mẹ cũng yên tâm công tác” - anh Đạt tự hào nói.

Anh Đạt cho hay: “Tôi về đây làm Bí thư từ tháng 10.2007. Lúc đó, Đàm Thủy đang là xã trọng điểm phức tạp về - trật tự. Xã có làng Lúng Péc có 248 hộ dân, với hơn 1.000 người dân tộc Nùng, sống sát biên giới. Trước năm 2006, tại địa bàn xã từng có nhiều vụ biểu tình. Thậm chí, nhiều đối tượng xấu còn tụ tập, chống đối người thi hành công vụ. Cán bộ xã là người địa phương không thể vào khu vực đó để giải quyết, xử lý. Chỉ còn bộ đội biên phòng mới vào được bởi chúng tôi quản lý vấn đề biên giới, có đủ uy tín để vận động, thuyết phục người dân”.

Khi mới về Đàm Thủy, anh Đạt dành phần lớn thời gian để gặp gỡ bà con nắm tình hình, rồi mới xây dựng kế hoạch giải quyết vấn đề. Ở làng Lúng Péc khi ấy, hoạt động của tổ chức Đảng, đoàn thể đã bị tê liệt.

Tìm hiểu ngọn ngành câu chuyện, thượng tá Đạt mới biết, địa bàn xã có 2 doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác quặng mangan nhưng gần như không sử dụng lao động địa phương. Vậy là dân khai thác quặng lậu rồi bán sang bên kia biên giới. Mỗi ngày, có hàng nghìn lượt ngựa thồ quặng qua lại giữa biên giới hai nước. Khi chính quyền tiến hành ngăn chặn, người dân tức giận đập phá máy móc của 2 doanh nghiệp khai thác quặng. UBND tỉnh phải thu hồi giấy phép, đóng cửa 2 mỏ khai thác mangan. Tiếp đó, chính quyền mới củng cố lại Chi bộ Đảng, các tổ chức đoàn thể, trưởng xóm..., rồi tuyên truyền, vận động người dân kết hợp các biện pháp hành chính khác.

“Ai còn biểu hiện chống đối sẽ gọi lên răn đe, giáo dục. Tiếp đến, chúng tôi tăng cường giáo dục khoa học kỹ thuật cho bà con, đưa con giống cho người dân để phát triển nông nghiệp. Cán bộ xuống làng cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm với dân. Sau một thời gian, bà con nhận thức được khai thác quặng trái phép là vi phạm pháp luật nên đều quay lại với ruộng đồng, chăn nuôi. Khi bắt đầu có thu nhập ổn định, họ mới thôi. Tới năm 2011, tình hình yên ổn hẳn” - vị Bí thư mang quân phục cười hiền.

Chờ du lịch chuyển mình

 long dan ben thac ban gioc hinh anh 2

Khách du lịch cả Trung Quốc và Việt Nam đi bè trên sông Quế Sơn (Quây Sơn) để ngắm thác
Bản Giốc. Ảnh: Việt Anh

Về mặt hành chính, Đàm Thủy có 18 xóm, 204 hộ, 5.014 nhân khẩu với 4 dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao. Trong đó, dân tộc Tày và Nùng chiếm số đông, ngoài ra chỉ có 6 hộ dân tộc Dao, 4 hộ dân tộc Kinh. Địa bàn xã trải dài 17,5km dọc biên giới với Trung Quốc, với 58 cột mốc từ cột mốc 816 tới 837. Khu vực biên giới có 9 xóm gồm 630 hộ dân... Những con số này thượng tá Đạt thuộc lòng.

Dân trong xã chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, làm dịch vụ. Với lợi thế có điểm du lịch nổi tiếng thác Bản Giốc, xã tập trung phát triển du lịch. 40% dân cư làm du lịch, có 23% làm du lịch hoàn toàn, 17,91% kết hợp giữa làm du lịch và sản xuất nông nghiệp. Còn lại khoảng 64,71% dân số làm nông.

Tuy nhiên, điều dễ dàng nhận thấy là du lịch ở Đàm Thủy vẫn chưa khởi sắc nếu không muốn nói là còn nghèo nàn so với tiềm năng. Tham quan một vòng, chúng tôi chỉ thấy có một vài nhà hàng, khách sạn, resort, trong khi lượng khách du lịch đổ về đây mỗi năm không hề nhỏ. Thống kê của xã, năm 2015 có khoảng 150.000 lượt khách du lịch tới thác Bản Giốc, trong đó có nhiều du khách quốc tế. Trong khi đó, phía Trung Quốc mỗi năm đón tới 1,2 triệu lượt khách tới tham quan thác Đức Thiên (tên họ đặt cho thác Bản Giốc).

Lý giải sự chậm phát triển của du lịch, Chủ tịch Mê Văn Đạt cho biết: Do Đề án phát triển du lịch thác Bản Giốc (theo Quyết định 134/2007 của Chính phủ) vẫn bị vướng trong quy chế khai thác chung giữa hai bên Việt – Trung. Hiện đề án mới có quy hoạch 1/1.000, chưa thông qua quy hoạch chi tiết 1/500 nên hơn 200ha của xã Đàm Thủy nằm trong quy hoạch vẫn bị treo, chưa thể triển khai các dự án, công trình.

“Ngày 16.6.2016, hai Chính phủ đã ký kết thỏa thuận chung. Tuy nhiên, trong đó lại tiếp tục giao cho chính quyền địa phương hai bên hội đàm, thống nhất, thực hiện các nội dung tiếp theo... mình không thể tự làm được. Cơ sở hạ tầng của mình còn phải phục vụ cả khách Trung Quốc nữa. Nếu họ không thích, làm xong lại phá thì rất lãng phí”.

Thông tin là dự kiến cuối năm nay, quy hoạch chi tiết 1/500 sẽ được thông qua. Khi đó hy vọng du lịch tại khu vực thác Bản Giốc sẽ khởi sắc.

 

Theo Dân Việt

 



0.30149 sec| 1535.117 kb