(Congtin.net) - “Chúng tôi rất xấu hổ khi nhìn thấy hành vi ứng xử vô văn hóa của bảo vệ trong đoạn clip và thành thực xin lỗi mọi người vì những hành vi đó”, PGS.TS.Trần Minh Điển nói.
Hình ảnh lấy từ clip được đưa lên mạng ngày 7-7
Liên quan đến clip ghi lại cảnh đôi co giữa tài xế xe cứu thương và bảo vệ tại cổng Bệnh viện Nhi Trung ương, sau khi lãnh đạo BV khẳng định thông tin trên mạng xã hội chưa phản ánh đầy đủ nội dung và bản chất sự việc và thực tế không có việc bảo vệ ngăn cản xe cứu thương làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng bệnh nhân, sáng 7-7, trên Facebook tiếp tục xuất hiện clip thứ 2 cũng về sự việc trên.
Đó là clip của một Facebooker mang tên Dung Bui Tien với status: "Bệnh viện Nhi Trung ương hôm đó, mình cũng có mặt tại đó và quay được, bức xúc thật”.
Clip ghi lại cảnh trên xe cứu thương, một em bé hấp hối và một y tá ngồi cạnh bóp bóng trợ thở. Bên ngoài, một người phụ nữ khóc lóc, giận dữ vì bảo vệ của Bệnh viện không cho xe chở bệnh nhân ra khỏi viện. Bệnh nhi nằm trrong xe là bé Trần Công D, sinh ngày 9-10-2015 (Tam Hợp – Quỳ Hợp – Nghệ An) bị tim bẩm sinh nặng, giãn não thất và suy dinh dưỡng nặng. Dù bé đã được phẫu thuật nhưng tình trạng đa dị tật, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao nên gia đình đã xin về.
Những hình ảnh mới nhất của clip về sự việc đã gây bức xúc trong dư luận.
Mỗi ngày, rất đông bệnh nhân đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám, chữa bệnh
Chiều tối 7-7, trao đổi với phóng viên về vụ việc, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương bày tỏ: "Chúng tôi rất xấu hổ khi nhìn thấy hành vi ứng xử vô văn hóa của bảo vệ trong đoạn clip và thành thực xin lỗi mọi người vì những hành vi đó hoàn toàn không phù hợp với văn hóa của bệnh viện nói chung và của Bệnh viện Nhi Trung ương nói riêng".
Theo ông Điển, ngay sau khi nhận thông tin về vụ việc, Bệnh viện đã có văn bản gửi Công ty bảo vệ AZ (đơn vị được Bệnh viện ký hợp đồng làm bảo vệ an ninh cho Bệnh viện), đề nghị Công ty rà soát, kiểm tra lại phương pháp chuyên môn kỹ thuật cũng như văn hóa ứng xử của nhân viên.
“Chúng tôi không đồng tình với hành vi thiếu chuyên nghiệp của bảo vệ như đã có và đã đình chỉ công tác với nhóm bảo vệ liên quan đến vụ việc. Với những gì đã xảy ra, Bệnh viện sẽ xem xét và nếu thấy Công ty AZ không đáp ứng các yêu cầu của Bệnh viện thì sẽ dừng hợp đồng với Công ty này”, ông Điển nói.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Minh Điển, khi có bệnh nhân đưa xuống xe cứu thương, ngay lập tức, hệ thống bảo vệ kích hoạt lại và cho xe đi. Nhưng khi đã di chuyển được khoảng 20m, lái xe tự dừng lại, không đi nữa và gọi điện thoại đến lực lượng 113. Do vậy trách nhiệm để em bé đi về quê chậm thuộc về người lái xe.
PGS.TS Trần Minh Điển cho biết thêm, từ vụ việc đã xảy ra, cũng cần xem xét lại hệ thống xe cấp cứu nói chung cũng như của Bệnh viện vì hiện tình trạng xe cứu thương khá lộn xộn.
Thực tế là có hiện tượng “cò” bệnh nhân hoặc xe ở bên ngoài vào, do đó giải pháp khắc phục bền vững phải là thiết lập hệ thống xe cấp cứu để có thể chở được nhiều đối tượng bệnh nhân, như bệnh nhân cấp cứu cần được hỗ trợ chức năng sống, bệnh nhân hấp hối, bệnh nhân đã tử vong, hay bệnh nhân đã khỏi bệnh và ra viện, để đảm bảo cho người bệnh thuận tiện hơn. Bệnh viện cũng sẽ cố gắng kiểm soát những vấn đề này để đảm bảo người dân được tiếp cận tốt hơn với hệ thống xe cấp cứu.
Chiều 7-7, ông Nguyễn Xuân Trường, Chánh Văn phòng Bộ Y tế đã yêu cầu kiểm tra thông tin mà báo chí và mạng xã hội đã đưa.
Theo đó, nội dung phản ánh, vào thời điểm trả bé Trần Công D. cho người thân, cháu vẫn còn thở, vẫn còn nhịp tim. Do đó, gia đình rất muốn đưa cháu về nhà sớm nhất để cháu được trút hơi thở tại quê nhà. Tuy nhiên, khi xe cấp cứu của Bệnh viện Nghệ An đến đón cháu, 2 người bảo vệ của Bệnh viện Nhi Trung ương kèm theo 2-3 người lạ mặt là “cò” bệnh viện, đã giữ xe lại, không cho di chuyển.
Những người bảo vệ này nói rằng “chỉ cho phép đưa bệnh nhân vào chứ không cho đưa bệnh nhân ra, đã có qui định” và có những lời nói thiếu chuẩn mực.
Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện Nhi Trung ương khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra thông tin báo nêu, đề xuất giải pháp xử lý và báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 15-7.