Người dân ở ngôi làng nhỏ Zhanli, thuộc tỉnh Quý Châu, Trung Quốc thường tìm đến một phụ nữ đặc biệt, có khả năng giúp họ quyết định giới tính của con cái nhờ nước giếng thần.
Wunai Yinjiao là người phụ nữ có khả năng giúp các cặp vợ chồng cùng làng sinh con theo ý muốn trong gần 20 năm qua.
Theo Global Times, bà không phải là bác sĩ sản khoa hay cán bộ kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc mà chỉ là một người trồng thảo dược ở Zhanli, ngôi làng của dân tộc Đồng thiểu số ở vùng tây nam Trung Quốc.
Wunai Yinjiao trò chuyện với những bé gái trong làng. Ảnh: IC.
Ngôi làng nằm sâu trong núi, khá tách biệt với thế giới bên ngoài và có nền văn hóa riêng.
Một trong những truyền thống của làng Zhanli là kiểm soát giới tính của những đứa trẻ trước khi chúng ra đời. Ngôi làng này có cách kiểm soát dân số riêng mà không cần đến các chính sách của nhà nước.
Yinjiao là người trồng thảo dược duy nhất trong làng kể từ năm 1999.
Các cặp vợ chồng thường tìm đến bà khi muốn có đứa con thứ hai. Cách mà bà thường dùng là múc nước từ hai giếng “cô bé” và “cậu bé” rồi nấu với một loại thảo dược địa phương.
Nhờ uống hỗn hợp này, các cặp vợ chồng có thể quyết định giới tính của đứa trẻ. Mỗi gia đình ở Trung Quốc chỉ được phép có hai con, vì thế họ muốn có một con trai và một con gái.
Những người lớn tuổi trong làng nói rằng thời kỳ đầu của triều đại nhà Thanh (1644 – 1911), những người đứng đầu của làng đã nhận thức được việc đất đai canh tác không đủ đáp ứng số dân ngày càng tăng.
Họ đã đề ra các quy định nhằm kiểm soát dân số.
Theo đó, các cặp vợ chồng sở hữu diện tích đất thấp hơn mức quy định chỉ được sinh một con. Những người phá lệ sẽ bị khai trừ ra khỏi làng. Nhờ quy định này, dân số trong làng đã được kiểm soát.
Hầu hết gia đình ở Zhanli có hai con, 98% trong số đó có đủ một nam, một nữ. Số dân trong làng chỉ tăng từ 737 lên 786 người trong 58 năm qua.
Tỷ lệ nam nữ cân bằng ở ngôi làng này là một hiện tượng chưa có lý giải khoa học.
Người dân trong làng đều tin rằng hiện tượng này bắt nguồn từ tác dụng của thứ thảo dược bí ẩn trong khi các nhà nhân khẩu học gọi đó là “hiện tượng Zhanli”.
Theo zing.vn