Vừa mới đây, trên các diễn đàn mạng xã hội chia sẻ hình ảnh 1 dòng status chia sẻ về việc bán máu đi phượt gây nhiều tranh cãi.
Status gây "bão" trên các diễn đàn mạng. Ảnh: I.T
Cụ thể trên hình ảnh ghi lại dòng tâm trạng: “Có ông nào đam mê phượt kiểu dạng bất chấp như thế này không? Bán máu, tiểu cầu để đi. Cứ 21 ngày là có gần 500 ngàn để đi rồi. Xách mông lên và đi thôi”.
Những lời chia sẻ này được chụp lại và đăng tải lên các diễn đàn và nhận được rất nhiều luồng ý kiến trái chiều. Có người cho rằng việc bán máu với tần suất 21 ngày 1 lần sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của phượt thủ.
Bên cạnh đó, một số ý kiến lại ủng hộ việc làm này. Nickname N.V.N cho rằng: “Mình thấy nếu máu ai tốt nên làm như vậy thường xuyên vì tốt cho cả mình, cả bệnh nhân cầm máu”.
Tương tự, nickname T.T chia sẻ: “Ủng hộ hành động này, vừa cứu người vừa có tiền tiêu hợp pháp”.
Tuy nhiên cũng có nhiều người cho rằng, dòng cảm xúc đó chỉ là một cách nói đùa trên diễn facebook.
Về vấn đề này, Thạc sĩ - Bác sĩ Hà Hữu Nguyện- Trưởng khoa Hiến máu và các thành phần máu, Bệnh viện Huyết học truyền máu Trung ương chia sẻ: “Nếu như trường hợp trên bán máu để lấy tiền đi phượt với tần suất 21 ngày thì đó chỉ có thể là bán tiểu cầu chứ không có chuyện là bán máu toàn phần. Còn nếu bạn hiến máu toàn phần thì phải đúng sau 84 ngày bạn mới được hiến tiểu cầu. Đối với viện Huyết học truyền máu Trung ương, bên cạnh kiểm tra thông tin người hiến máu qua chứng minh thư chúng tôi còn kiểm tra bằng dấu vân tay. Đặc biệt, đối với những người hiến máu lấy tiền thì việc này lại được kiểm tra kỹ hơn.”
Ảnh minh họa. I.T
Bác sĩ Nguyện cũng cho biết, hiến máu gồm có 2 phần gồm có hiến máu toàn phần và hiến máu các thành phần. Trong thông tư 26 của Bộ Y tế về hướng dẫn hoạt động truyền máu quy định: Đối với những người hiến máu phải đáp ứng các tiêu chuẩn như: Độ tuổi hiến máu từ đủ 18 tuổi đến 60 tuổi. Người hiến máu phải đảm bảo về sức khỏe là có cân nặng ít nhất là 42kg đối với phụ nữ, 45 kg đối với nam giới, không mắc các bệnh truyền nhiễm như HIV, viêm gan B,viêm gan C, giang mai, … hay các bệnh mãn tính hoặc cấp tính về thần kinh, hô hấp, tiết niệu…
Thời gian tối thiểu giữa các lần hiến máu và các thành phần máu: Khoảng 12 tuần đối với hiến máu toàn phần hoặc khối hồng cầu bằng gạn tách là; khoảng 2 tuần đối với hiến huyết tương hoặc hiến tiểu cầu bằng gạn tách. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho người hiến ở viện Huyết học truyền máu Trung ương đang quy định là sau 3 tuần mới được hiến nhắc lại.
Hiến bạch cầu hạt trung tính hoặc hiến tế bào gốc bằng gạn tách máu ngoại vi tối đa không quá ba lần trong 7 ngày. Trường hợp xen kẽ hiến máu toàn phần và hiến các thành phần máu khác nhau ở cùng một người hiến máu thì khoảng thời gian tối thiểu giữa các lần hiến được xem xét theo loại thành phần máu đã hiến trong lần gần nhất.
Về chế độ bồi dưỡng, đối với những người hiến máu tình nguyện có giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện thì có giá trị tôn vinh, không nhận tiền chỉ có 1 phần quà kỷ niệm, 1 suất ăn nhẹ, tiền hỗ trợ đi lại 45.000 đồng. Đối với những người hiến máu lấy tiền nhiều người còn gọi là bán máu hay hiến máu chuyên nghiệp thì tùy theo thể tích máu hiến mà người hiến sẽ được trả số tiền tương ứng.
Cũng theo bác sĩ Nguyện, đối với những người hiến máu/bán máu đều có hồ sơ lưu trữ để khi cần tìm hiểu thông tin đều có thể tra khảo. Đơn vị máu đến người nhận thì họ sẽ không biết người hiến máu là ai vì liên quan đến thông tin bảo mật cá nhân người hiến máu. Để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân trước khi hiến máu mọi người đều được phát phiếu đăng ký hiến máu, trả lời các thông tin về vấn đề sức khỏe. Đồng thời, người hiến máu phải cam kết lời khai trung thực và tình trạng sức khỏe ổn định sau đó mới được các bác sĩ tiến hành kiểm tra sức khỏe. Nếu kiểm tra người hiến máu đảm bảo thì mới được hiến.
Theo Dân Việt