Search
Thứ 5, 30/06/2016, 09:37 AM

Hôm nay Chính phủ công bố thủ phạm gây cá chết hàng loạt

Hôm nay Chính phủ công bố thủ phạm gây cá chết hàng loạt

5h chiều nay, Chính phủ họp báo công bố kết quả điều tra nguyên nhân và thủ phạm gây cá chết hàng loạt ở miền Trung.

 

Lãnh đạo Chính phủ cùng các bộ, ngành như Tài nguyên Môi trường, Công an, Khoa học , Thông tin Truyền thông… sẽ chủ trì buổi họp báo. Dự kiến nội dung cuộc họp tập trung vào công bố nguyên nhân, thủ phạm gây cá chết hàng loạt ở bốn tỉnh miền Trung, cùng với đó là giải pháp khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường và phương án đền bù cho ngư dân vùng ảnh hưởng.

Hiện tượng cá chết xuất hiện vào ngày 6/4 gần khu công nghiệp Vũng Áng (Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan ra các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Khoảng 70 tấn cá tự nhiên của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế chết dạt bờ, chủ yếu là loài sống ở tầng đáy. Riêng Thừa Thiên - Huế có 35 tấn cá nuôi bị chết. Ngư dân 4 tỉnh lao đao vì cá biển không tiêu thụ được, hoặc bán với giá rẻ, không đủ bù chi phí đánh bắt.

Nhiều tấn cá chết ở ven biển miền Trung. Ảnh: Đức Hùng.

Cá chết ở ven 4 tỉnh miền Trung. Ảnh: Đức Hùng.

Nhiều giả thiết về nguyên nhân cá chết được đưa ra, tập trung vào hai nhóm là tảo đỏ và độc tố hoá học thải ra từ hoạt động của con người. Trong số các nguồn xả thải gần khu vực Vũng Áng, cái tên được nhắc đến nhiều lần là Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa).

Ngư dân và các nhà khoa học nghi vấn hệ thống xả thải ngầm không đảm bảo và nhiều phụ phẩm độc hại của Formosa là nguyên nhân chính khiến môi trường biển biến động đột ngột, cá tầng đáy chết hàng loạt. Đường ống xả thải dài 1,5 km, đường kính hơn một mét được chạy ngầm dưới biển. Đường ống này được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép theo tiêu chuẩn 52/2013.

hom-nay-chinh-phu-cong-bo-thu-pham-gay-ca-chet-hang-loat-1

Diễn tiến điều tra nguyên nhân cá chết ở miền Trung. Đồ họa: Tiến Thành.

 

Khẳng định hiện tượng cá chết hàng loạt là thảm họa môi trường nghiêm trọng và quy mô lớn lần đầu xảy ra ở Việt Nam, Chính phủ đã chỉ đạo nhiều bộ ngành cùng khoảng 100 nhà khoa học trong nước và quốc tế vào cuộc.

Trực tiếp thị sát tại Formosa sau khi có hiện tượng cá chết hàng loạt, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận cơ quan chức năng đã lúng túng, xử lý chậm và không có ứng phó với sự cố có tính chất thảm họa. Bộ trưởng cũng thẳng thắn "nhận khuyết điểm" trước sự việc này.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường đã mời các chuyên gia Đức, Israel, Nhật Bản... vào cuộc để cùng tìm nguyên nhân. Đoàn kiểm tra liên ngành với sự tham dự của đại diện 7 bộ về việc chấp hành quy định bảo vệ môi trường tại Formosa được thành lập.

Hệ thống xử lý nước thải của Formosa Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng.

Hệ thống xử lý nước thải của Formosa Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, đã có nguyên nhân cá chết hàng loạt, nhưng chưa thể công bố. Theo ông, việc này không chỉ cần bằng chứng khoa học mà còn phải điều tra đầy đủ chứng cứ vi phạm pháp luật. "Bất kỳ sơ suất nào trong xác định nguyên nhân cũng có thể dẫn đến sai lầm trong khắc phục hậu quả", ông Tuấn nói.

Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh thuộc Tập đoàn Formosa của Đài Loan, bắt đầu xây dựng nhà máy tại Khu kinh tế Vũng Áng năm 2008, dự kiến hoàn thành 2017 với tổng vốn đầu tư gần một tỷ USD. Dự án gồm tổ hợp nhà máy sản xuất gang thép từ nguyên liệu thô ban đầu là quặng sắt và than đá thành các sản phẩm gang thép thành phẩm.

Quý I năm nay, Đài Loan đứng vị trí thứ 3 về tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm đầu tư vào Việt Nam với 465 triệu USD, sau Hàn Quốc và Singapore.



0.45165 sec| 1521.844 kb