Search
Thứ 3, 10/01/2017, 08:45 AM

Học sinh lớp 11 - 12 chỉ còn học 5 môn, giáo viên thừa đi đâu?

Học sinh lớp 11 - 12 chỉ còn học 5 môn, giáo viên thừa đi đâu?

Chương trình giáo dục phổ thông dự kiến thực hiện vào năm 2018, theo đó học sinh lớp 11 - 12 sẽ chỉ còn phải học 5 môn. Điều này khiến nhiều phụ huynh mừng, nhưng nhiều giáo viên lại sốc vì lo ngại không biết mình sẽ “đi đâu về đâu”?

 

Phụ huynh Nguyễn Phương Nga (Tứ Kỳ - Hải Dương) có con học lớp 10 cho biết, việc giảm tải chương trình cho học sinh cấp 3 là rất đúng. “Vào cấp 3, hầu hết các con chỉ được định hướng tập trung vào các môn thi ĐH, CĐ. Tuy vậy, hiện các con đang phải học quá nhiều môn không cần thiết. Đó là nguyên nhân mà ngoài giờ lên lớp, các con phải ra sức học thêm mới đỗ ĐH”, bà Nga nói.

Tương tự, phụ huynh Nguyễn Thanh Bình (Hà Nội) cho rằng: “Một nghề cho chín, còn hơn chín, mười nghề. Học 5 môn nhưng học đến đầu, đến đũa để khi “học” rồi có thể “hành” được. Học ít mà kỹ còn hơn học trên chục môn mà chỉ chung chung, đại khái. Hiện, học sinh cấp THPT phải học 13 - 14 môn là quá nhiều”.

Đồng tình, cô Trần Thị Hiền - giáo viên một trường THPT tại Thái Thụy (Thái Bình) cho rằng: “Phần lớn học sinh cấp 3 có ý định thi vào ĐH đều học các môn phụ rất “lớt phớt”. Giáo viên môn phụ như giáo dục công dân, thể dục, công nghệ, tin học… cũng thường phải “xuê xoa” về điểm số cho các em. Nhất là đối với học sinh lớp 11 - 12, có môn giáo viên còn tạo điều kiện dành tiết dạy cho các em ôn tập nhưng môn thi ĐH, CĐ. Chính vì vậy, thiết kế chương trình giảm tải các môn phụ cho các em là rất hợp lý”.

 hoc sinh lop 11 - 12 chi con hoc 5 mon, giao vien thua di dau? hinh anh 1

Theo chương trình mới, học sinh sẽ "hành" nhiều hơn "học".  Ảnh minh hoạ: IT

Tuy vậy, thầy Trần Hữu Huân - giáo viên tin học tại Phủ Cừ (Hưng Yên) đặt câu hỏi: “Các môn phụ tuy không thi để xét tuyển vào ĐH nhưng vẫn rất cần thiết. Lực lượng giáo viên hiện rất lớn, nếu loại khỏi chương trình chính thì thầy cô sẽ đi đâu, về đâu?”.

Chương trình giáo dục phổ thông mới đang được Bộ GD-ĐT chủ trì xây dựng và GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - làm Tổng chủ biên. Theo đó, ngoài các môn, Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ được dạy suốt năm học, các môn khác chỉ bố trí mỗi học kỳ chỉ học 1 môn. Số lượng các môn trong 1 học kỳ của học sinh lớp 10 chỉ còn 6 - 7 môn, lớp 11 - 12 chỉ còn 5 môn.

Để giải quyết vấn đề giáo viên “thừa”, GS Thuyết cho biết: “Chúng ta có thể thay đổi cách phân công, giáo viên lớp 10 không chỉ dạy lớp 10 mà hoàn toàn có thể dạy ở lớp 11 và 12 nữa”.

Đối với lớp 11 và 12, khi học sinh cần tập trung vào các môn học chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai, các môn phụ vẫn được duy trì nhưng trở thành môn học tự chọn không bắt buộc như trước.

Không những thế, theo ông Thuyết, chương trình giáo dục phổ thông sẽ phải bổ sung thêm nhiều môn học hoặc nội dung học tập thuộc các lĩnh vực như: , Kinh tế, Tài chính, Nghệ thuật, Thể dục thể thao… Khi đó, giáo viên không phải thừa mà thậm chí còn thiếu giáo viên ở các môn học bổ sung.

Theo thiết kế của chương trình giáo dục phổ thông mới (năm 2018 - 2019), dự kiến học sinh lớp 10 vẫn sẽ được học đầy đủ các môn học với nội dung hướng nghiệp rõ ràng hơn. Đối với học sinh lớp 11 và lớp 12, các môn học được thiết kế tập trung theo định hướng nghề nghiệp. Ngoài ra, học sinh có thể chọn thêm ít nhất một môn phù hợp với sở trường, sở thích của mình.

 

Theo danviet.vn



0.32373 sec| 1522.602 kb