Search
Thứ 6, 13/01/2017, 12:08 PM

Hà Nội treo thưởng hơn 4 tỷ cho ý tưởng chống tắc đường: Chuyên gia nói gì?

Hà Nội treo thưởng hơn 4 tỷ cho ý tưởng chống tắc đường: Chuyên gia nói gì?

"Cái chính của giải quyết ùn tắc giao thông Hà Nội hiện nay là tổ chức, quản lý giao thông lại không thấy Sở GTVT yêu cầu năng lực của tổ chức trong tuyển chọn".

Chuyên gia phân vân về điều kiện dự thi

Ngày 12/1, Sở Giao thông vận tải Hà Nội tổ chức lễ công bố cuộc thi tuyển ý tưởng phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc đến năm 2025, tầm nhìn 2030 với giải nhất trị giá 200.000 USD (khoảng 4,4 tỷ đồng).

Trao đổi với chúng tôi, TS Đinh Thị Thanh Bình, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT (Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội) bày tỏ sự đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm của Thủ đô khi tổ chức cuộc thi nhằm tìm kiếm các phương án, giải pháp chống tắc đường.

Theo TS Bình, trước đây, Hà Nội đã có nhiều đề án nghiên cứu đưa ra các giải pháp trong vấn đề giao thông nhưng hầu hết mới chỉ mang tính định hướng như phát triển vận tải công cộng, đề án giao thông thông minh, hạn chế phương tiện cá nhân... còn chưa chỉ ra được rõ ràng các giải pháp.

Ví dụ chưa có phương án tổ chức giao thông cho từng trục đường A, B, C, trong từng giai đoạn sẽ phải tổ chức, phần luồng chính, luồng thông qua như thế nào.

Đồng thời, chưa có đánh giá cụ thể về phương án, tổ chức giao thông mà tất cả đều theo kiểu sau khi xảy ra rồi mới tiến hành làm.

"Thêm vào đó, các mảng khớp nối của quy hoạch của Hà Nội hiện nay đang có vấn đề như xây dựng đi một đằng, giao thông đi một đằng.

Xây dựng tiến hành rất nhanh như ở phía Tây Nam, trong khi hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp nên tất cả đều dồn vào một hai trục đường chính rồi vào nội thành.

Do đó, giải quyết bài toán ùn tắc giao thông trước mắt thì vấn đề tổ chức giao thông, phân luồng và tổ chức giao thông cho từng đối tượng, khu vực, trục đường cụ thể là quan trọng nhất.

Bởi, trong thời gian ngắn, hạ tầng giao thông không thể cải thiện ngay được, gần như cố định thì tổ chức giao thông hiệu quả sẽ làm cho trên một năng lực của hạ tầng giao nhất định sẽ thông qua được lưu lượng xe lớn nhất có thể", TS Bình nói.

Hà Nội treo thưởng hơn 4 tỷ cho ý tưởng chống tắc đường: Chuyên gia nói gì? - Ảnh 1.

Hình minh họa: Người lao động

Bà Thanh Bình cũng cho hay, về tương lai, vấn đề phát triển phương tiện cộng cộng, hạn chế hợp lý phương tiện cá nhân và xa hơn nữa là bài toán quy hoạch đô thị với giao thông vận tải đi liền với nhau là điều Hà Nội cần thực hiện.

Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT (Đại học GTVT Hà Nội) cũng cho biết thêm, bà đang tìm hiểu thêm các thông tin để có thể đăng ký tham dự cuộc thi này nhằm mong muốn đóng góp các phương án, giải pháp giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông của Hà Nội.

Cụ thể, nếu tham gia, đề án của bà Bình sẽ tập trung chia vấn đề giao thông Hà Nội thành giai đoạn hiện tại, giai đoạn 5 năm một.

Trong mỗi giai đoạn sẽ có chương trình hành động cụ thể và đều phải xem xét 3 nội dung là tổ chức giao thông, phát triển phương tiện công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân, tạo sự ăn khớp giữa quy hoạch xây dựng với giao thông.

"Tuy nhiên, cái chính mà tôi kỳ vọng ở cuộc thi này là phải làm sao đề xuất ra được giải pháp cụ thể, chi tiết, khả thi để triển khai chứ không phải là những cái chung chung, định hướng, bởi nếu định hướng thì rất dễ nói và đã có nhiều đề án rồi", TS Bình nói.

Một vấn đề khác cũng được Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT đặt ra, đó là trong phần yêu cầu hồ sơ, điều kiện đăng ký dự thi mà Sở Giao thông vận tải Hà Nội đưa ra ở thông báo chủ yếu đề cập về thiết kế, quy hoạch xây dựng.

"Còn về quy hoạch giao thông vận tải không được xếp hạng nào cả và Bộ Giao thông vận tải không có xếp hạng, Bộ Xây dựng lại càng không. Riêng về thiết kế giao thông vận tải hạng 1 thì chỉ có cầu, đường chứ không có quản lý, tổ chức giao thông.

Trong khi, cái chính của giải quyết ùn tắc giao thông Hà Nội hiện nay là tổ chức, quản lý giao thông lại không thấy Sở yêu cầu năng lực của tổ chức trong tuyển chọn.

Do đó, tôi thấy cần phải làm rõ, chứ không sẽ bị hiểu là cuộc thi đang chọn sẵn cho đơn vị quy hoạch, thiết kế, xây dựng giao thông chứ không phải cho đơn vị quy hoạch chiến lược quản lý, tổ chức giao thông", bà Bình đưa ra quan điểm.

Trong khi đó trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam dù đánh giá cao cuộc thi này của Hà Nội nhưng lại cho rằng, ông sẽ không tham gia và nhận định "khó có người đoạt được giải nhất với giải pháp khả thi".

Bởi theo ông Thanh, hiện nay, với quy hoạch còn quá nhiều vấn đề bất cập và việc xây dựng không tuân thủ quy hoạch, hàng loạt nhà cao tầng mọc lên trong nội đô... đang là một sức ép vô cùng lớn, khiến giao thông Hà Nội ngày càng quá tải, ùn tắc.

"Theo tôi, để giải bài toán ùn tắc giao thông ở Hà Nội thì cái chính, quan trọng nhất trước mắt và lâu dài là phải hạn chế xây dựng các nhà cao tầng trong nội đô. Làm được việc này, thì sau đó, chúng ta sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp khác.

Còn tôi sẽ không tham gia vì "tài hèn sức mọn" nên khó có thể đưa ra được giải pháp khả thi cho giao thông Hà Nội", ông Thanh nói.

Cáp treo trong nội đô có khả thi?

Tại TP Hồ Chí Minh có một doanh nghiệp vừa đề xuất làm cáp treo từ công viên Gia Định vào Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để giảm ùn tắc, vậy Hà Nội có nên xây dựng cáp treo để vận chuyển hành khách, giảm ùn tắc giao thông không?

Với câu hỏi này, TS Đinh Thị Thanh Bình bày tỏ sự không đồng tình bởi cáp treo chỉ hoạt động được trong tầm ngắn còn nếu tầm dài thì công suất vận chuyển sẽ không lớn.

"Đối với sân bay thì vận chuyển từ trong vào, ngoài ra bằng cáp treo là hợp lý, vì khách ở đây theo đợt và cáp treo là phương thức kết nối ra bên ngoài để tránh sử dụng phương tiện mặt đất, tránh ùn tắc.

Còn nếu xa thì năng lực chuyên chở của cáp treo thấp nên không thể đáp ứng được nhu cầu hành khách. Do đó, các trục đường chính ở Hà Nội nếu làm cáp treo thì không thể được mà cách tốt hơn là nên làm đường sắt trên cao...", bà Bình nêu rõ.

Cùng với đó, bà Bình cũng nhấn mạnh, với giao thông Hà Nội hiện nay thì sẽ không có giải pháp nào được coi là đột phá mà cần kết hợp tất cả giải pháp với nhau mới mong giảm ùn tắc.

"Nếu chỉ tổ chức giao thông thì cũng không thể giảm ùn tắc vì lưu lượng phương tiện tăng lên từng ngày.

Ở đây, ngoài tổ chức giao thông cần kết hợp phát triển hạ tầng, phương tiện công cộng và kiểm soát phương tiện cá nhân một cách đồng bộ thì mới mong có hiệu quả...", Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT nhận định.

Theo kế hoạch cuộc thi, các ý tưởng tập trung vào các vấn đề như: Định hướng xây dựng không gian ngầm; Đề án giao thông thông minh; Đề án tăng cường quản lý phương tiện cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội.

Cuộc thi trao một giải nhất trị giá 200.000 USD (khoảng 4,4 tỷ đồng); giải nhì 100.000 USD (khoảng 2,2 tỷ đồng). Các hồ sơ đạt tiêu chí dự thi được hỗ trợ 25.000 USD (khoảng 550 triệu đồng).

Thời gian nộp hồ sơ đăng ký thi tuyển từ ngày 19 đến 23/1.

 

Theo Trí Thức Trẻ



0.32286 sec| 1546.945 kb