Search
Thứ 4, 01/03/2017, 16:29 PM

Giáo viên chủ nhiệm véo rách tai học sinh lớp 2 vì làm sai bài tập về nhà

Giáo viên chủ nhiệm véo rách tai học sinh lớp 2 vì làm sai bài tập về nhà

Giáo viên chủ nhiệm véo rách tai học sinh lớp 2 vì làm sai bài tập về nhà

Câu chuyện về cô bé học sinh lớp 2 bị giáo viên chủ nhiệm véo rách tai vì làm bài tập về nhà chưa chính xác đã và đang khiến nhiều người vô cùng bức xúc.

Hình phạt bạo lực với cô bé 8 tuổi chỉ vì... làm sai bài tập về nhà

Ngày 24/2 vừa qua, các mạng tại Trung Quốc đồng loạt bài viết về vụ việc bạo lực học đường xảy ra tại Thiểm Tây với tiêu đề "Thầy giáo sử dụng hình phạt bạo lực véo rách tai học sinh".

Địa điểm xảy ra vụ việc là trường Tiểu học thuộc huyện Trấn An, tỉnh Thiểm Tây. Vào tiết học Ngữ Văn đầu giờ chiều ngày 23/2, một em học sinh lớp 2 vì chưa hoàn thành đúng yêu cầu của bài tập về nhà nên đã bị giáo viên chủ nhiệm Lư Phó Trân véo đến mức rách tai.

Những bài đăng được chia sẻ còn kèm theo một tấm hình về tình trạng vết thương ở tai của nạn nhân với những vết khâu chằng chịt khiến nhiều người không khỏi đau xót, phẫn nộ.

Để xác nhận tính chính xác của thông tin trên, các phóng viên đã liên lạc với gia đình của em học sinh trong vụ việc. Ông Trần – cha của Tiểu Y (tên nhân vật đã được thay đổi) chia sẻ: Tiểu Y năm nay vừa tròn 8 tuổi, hiện đang học lớp 2 tại trường Tiểu học huyện Trấn An.

Sáng 23/2, Tiểu Y được mẹ đưa tới trường học như thường lệ. Ngày thường em đều tan học vào lúc 5h chiều. Nhưng ngày hôm đó, 9h tối Tiểu Y mới về tới nhà vì lý do trực nhật tại lớp. Khi đó, gia đình bắt đầu nhận thấy em có nhiều điểm bất thường.

Mẹ cô bé kể lại: "Cháu nói rằng tai rất đau. Lúc ấy tôi cũng không chú ý lắm. Một lát sau nhìn kỹ mới nhận thấy tai cháu có vết thương."

Giáo viên chủ nhiệm véo rách tai học sinh lớp 2 vì làm sai bài tập về nhà - Ảnh 1.

Vết thương trên tai của Tiểu Y tương đối nghiêm trọng. (Ảnh: nguồn Internet).

Ngay sau đó, mẹ của Tiểu Y đã đưa cô bé tới phòng khám gần nhà. Tại đây, bác sĩ nhận thấy vết thương của Tiểu Y tương đối nghiêm trọng, buộc phải đưa lên bệnh viện tuyến trên để xử lý.

Trong buổi tối cùng ngày, Tiểu Y đã được gia đình đưa tới bệnh viện huyện Trấn An.

"Tôi có hỏi con về nguyên nhân bị thương. Cháu nói rằng vào 2h chiều hôm đó, vào giờ học Ngữ Văn, vì làm sai bài tập về nhà nên bị giáo viên chủ nhiệm Lư Phó Trân véo tai, có nhiều bạn học sinh khác cũng chịu hình phạt như vậy." - mẹ của Tiểu Y cho biết.

Điều khiến cho người nhà cô bé càng thêm đau xót là ngay cả khi bị thầy giáo sử dụng bạo lực, Tiểu Y cũng chỉ có thể chịu đựng mà không biết nói với ai.

Từ 2h chiều tới 9h tối cùng ngày, cơn đau từ vết thương liên tục hành hạ cô bé suốt suốt 7 tiếng đồng hồ. Chỉ tới khi không thể chịu được, Tiểu Y mới nói ra sự việc.

Sự im lặng từ phía nhà trường và những tổn thương không đáng có với một học sinh lớp 2

Ngày 25/2, các phóng viên đã được gặp Tiểu Y trong phòng bệnh tại huyện Trấn An. Người nhà cho biết, vành tai bị rách của Tiểu Y đã được bác sĩ khâu lại, nhưng vì quá đau đớn, cô bé suốt đêm không thể ngủ, khi nằm cũng chỉ có thể nằm nghiêng để tránh đụng vào vết thương.

Bác sĩ phụ trách trường hợp của Tiểu Y cho biết, vết thương đã được khâu lại ngay khi cô bé nhập viện. Tình trạng vết thương được chẩn đoán là rách tai do tác động từ bên ngoài.

"Dạy dỗ học sinh là việc nên làm. Nhưng tôi không thể tưởng tượng được tại sao lại có một người giáo viên ra tay bạo lực và nhẫn tâm như vậy với trẻ nhỏ." – Cha của Tiểu Y bày tỏ sự phẫn nộ.

Sau khi người nhà của nạn nhân đăng tải câu chuyện của cô bé lên các diễn đàn mạng, giáo viên Lư Phó Trân đã liên hệ với gia đình Tiểu Y để xin lỗi, đồng thời bày tỏ mong muốn tới thăm học sinh và hy vọng gia đình không làm to chuyện.

Giáo viên chủ nhiệm véo rách tai học sinh lớp 2 vì làm sai bài tập về nhà - Ảnh 2.

Cho tới thời điểm câu chuyện được đăng tải, trường tiểu học huyện Trấn An vẫn chưa có bất kỳ động thái nào. (Ảnh: nguồn Internet).

Tuy nhiên, trong ngày 25/2, phóng viên đã chủ động gọi điện vào số của giáo viên Lư Phó Trân, nhưng người nghe một mực khẳng định họ đã gọi nhầm số và khóa máy ngay sau đó.

Phóng viên tiếp tục gọi điện tới cơ quan phụ trách khiếu nại và giải đáp thắc mắc của trường, nhưng cũng không có người nghe. Liên lạc tới ban Khoa giáo huyện Trấn An, điện thoại cũng trong tình trạng không có người bắt máy.

Trả lời thắc mắc của các phóng viên, đại diện phòng Giáo dục của huyện Trấn An cho biết:

"Chúng tôi đã thông báo tới ban khoa giáo huyện Trấn An, yêu cầu họ trực tiếp thụ lý và điều tra vụ việc này, nhất định phải đưa ra thông tin chính thức trong 3 ngày tới".

Những năm vừa qua, Trung Quốc từng nhiều lần ghi nhận những vụ việc liên quan tới thái độ hành xử bạo lực của giáo viên đối với học sinh xảy ra trên khắp cả nước.

Hồi tháng 4/2016, một giáo viên mầm non tại thành phố Trùng Khánh đã bị bà của học sinh bắt gặp khi đang đánh vào đầu và giật tóc em này.

Vì quá bất bình trước hành vi bạo lực kể trên, người bà đã xông vào lớp và đánh giáo viên. Vụ việc đã gây chấn động dư luận Trung Quốc về thực trạng bạo lực học đường của giáo viên đối với học sinh xảy ra thường xuyên tại nước này.

Phụ huynh cần làm gì khi con bị bạo hành?

Việc bị giáo viên bạo hành sẽ gây tổn thương tâm lý cho trẻ với nhiều mức độ khác nhau. Đây không chỉ là vấn đề xảy ra tại Trung Quốc mà ngay cả ở Việt Nam hay nhiều nước khác trên thế giới, hiện tượng không đáng có này đôi khi vẫn xảy ra.

Vậy, bố mẹ - các bậc phụ huynh nên làm gì khi con mình rơi vào tình huống đó?

Theo các chuyên gia tâm lý học, bất cứ phụ huynh nào cũng cần biết rằng hành vi bạo lực sẽ gây tổn thương tâm lý, tinh thần, khiến con cảm thấy mình không được tôn trọng, thiếu tự tin.

Chính vì lẽ đó, bố mẹ cần phải ở bên cạnh, chia sẻ với con sau sự cố, tránh đổ lỗi hoặc phạt thêm con trẻ.

Cha mẹ cũng cần chuẩn bị cho con các kỹ năng về học tập, hoàn thành bài tập đầy đủ, nhắc nhở con tuân thủ kỷ luật của lớp. Song song với đó, hãy gần gũi với con, dặn con khi bị ai đó đánh mắng, cần phải trao đổi chia sẻ với bố mẹ để người lớn tìm cách giải quyết.

Một chuyên gia tâm lý học đã từng chia sẻ rằng: "Kể cả với một đứa trẻ hư cũng không nhất thiết phải dùng bạo lực. Bạo lực chỉ cho chúng ta kết quả ngắn hạn chứ không giải quyết vấn đề gốc rễ. Trẻ hư cần thêm các chuyên gia hỗ trợ như nhà học, tâm lý học…

Vấn đề cốt lõi của người làm giáo dục là tìm hiểu nguyên nhân để xử lý vấn đề tận gốc, chứ không phải dùng đến bạo lực để can thiệp làm cho mọi chuyện phức tạp hơn".

Vẫn biết, một con sâu có thể làm rầu cả nồi canh song qua câu chuyện đáng tiếc ở trên, các giáo viên nên lắng nghe chia sẻ của chuyên gia tâm lý trên để sự nghiệp "trồng người" ngày càng hiệu quả.

 

Theo Trí Thức Trẻ



0.48379 sec| 1546.445 kb