Search
Thứ 3, 12/12/2017, 08:32 AM

Đằng đẵng hành trình tìm kiếm hạnh phúc sau đám cưới kim cương ở Thanh Hoá

Đằng đẵng hành trình tìm kiếm hạnh phúc sau đám cưới kim cương ở Thanh Hoá

Người đàn ông ấy năm nay đã cận kề tuổi 80, có 8 người con, dâu, rể, 8 cháu, 2 chắt nội – ngoại. Hôm nay, ông đi lấy vợ. Vợ ông, cũng gần 75 xuân thì.

Chỉ có điều, người phụ nữ được ông hỏi cưới hôm nay cũng chính là người 55 năm trước, ông từng mang tráp trầu cau đến rước, cùng ông sinh những đứa con, nuôi dạy nên người.

Để có ngày vui này, 55 năm qua, vợ chồng ông đã trải qua biết bao gian khó, gần một nửa chặng đường là chia lìa đôi ngả. Người con trai út của ông bà – Nguyễn Hồng Phong - năm nay cũng gần 45 tuổi, hình dung theo nghĩa “tâm linh”, chuyện ông bà là sự hi sinh, là nỗi gánh chịu tai ương cho con cái được hưởng hạnh phúc, bình an, cơ đồ thịnh vượng.

Khi ở tuổi “thất thập cổ lai hi”, họ về với nhau, bằng một đám cưới vui hơn con trẻ. Chúng tôi gọi đó là “vui hơn con trẻ” bởi hạnh phúc đó được thử qua lửa đạn, qua gian nan, qua nỗi chia lìa, rồi gắn kết bằng sự bao dung, độ lượng cần có của người đàn ông và vị tha bản năng của người phụ nữ, cùng những điều tâm linh khó lý giải


Ông Nguyễn Xuân Cộng đón bà Lê Thị Nhuần trở về sau 23 năm lạc nhau

Ông Nguyễn Xuân Cộng đón bà Lê Thị Nhuần trở về sau 23 năm "lạc" nhau

Gần 60 năm trọn vẹn một

Ông Nguyễn Xuân Cộng (SN 1939) mở đầu câu chuyện với chúng tôi, bên hiên căn nhà trong khuôn viên khu đất rộng 2.500 mét vuông giữa lòng TP Thanh Hoá, bằng dòng hồi tưởng về cuộc đời mình, trước giờ “đón dâu”.

Ông mồ côi mẹ khi chỉ mới biết bò. Năm lên 13 tuổi, bố ông, sau một cơn bạo bệnh, cũng bỏ ông mà đi. Khi mới 15 tuổi, ông Cộng đã thoát ly quê hương, từ xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên lên Hà Nội tìm cuộc sống cho riêng mình.


Đám cưới kim cương khi chú rể năm nay đã 79 tuổi, còn cô dâu cũng 75 tuổi.

Đám cưới "kim cương" khi chú rể năm nay đã 79 tuổi, còn cô dâu cũng 75 tuổi.

17 tuổi, Thành đoàn Hà Nội giới thiệu ông đi thanh niên xung phong. 19 tuổi, chàng trai trẻ ấy vào làm công nhân nhà máy cưa Mật Sơn, thuộc ngành đường sắt ở Thanh Hoá.

Vừa làm công nhân, ông vừa học bổ túc văn hoá. “Giấy giới thiệu đi học của nhà máy chỉ ghi tôi học hết lớp 3. Sau khi học xong, tôi được tuyển đi học Trung cấp chế biến gỗ. Phải học để thoát ly khỏi cảnh lao động chân tay” – ông Cộng trầm ngâm nhớ lại. Đó cũng là động lực để ông quyết tâm cho 4 người con trai – gái được học hành đến nơi đến chốn dù cuộc sống có khó khăn đến đâu.

Người đàn ông có gương mặt hiền hậu, nụ cười đẹp, ánh nhìn nghiêm khắc, nhưng không giấu được phong thái hào hoa, ấy kể lại với tôi: Sau 4 năm tìm hiểu bà Lê Thị Nhuần – một người con gái sinh ra trong gia đình nghèo thành thị, cuối năm 1963, ông và bà kết hôn. Họ cùng nhau sống ở phố Cao Thắng, thị xã Thanh Hoá, sinh hạ 4 người con, cùng nhau nuôi dạy các con nên người.

Anh Nguyễn Hồng Sơn, người con trai lớn của ông Cộng, bà Nhuần nói rằng, ký ức của 4 người con trong gia đình họ Nguyễn ấy về cha mẹ luôn là sự hi sinh. “Tôi không bao giờ quên bóng dáng cha, đêm đông, trầm ngâm bên ánh đèn hiu hắt suy tư về tương lai con cái, và cả bàn tay chai sần của mẹ tất tả bên máy tiện sau giờ tan ca kiếm thêm con cá, mớ rau cho đàn con” – anh Sơn nhớ lại.


Đến giờ, tính cả 4 năm tìm hiểu và yêu bà ấy là gần 60 năm, tôi vẫn luôn biết ơn vợ tôi bởi đã cùng tôi sinh ra những đứa con, nuôi dạy chúng thành người tử tế. Chưa một lần trong cuộc đời, tôi nghĩ sẽ rời xa bà ấy - ông Cộng nói

"Đến giờ, tính cả 4 năm tìm hiểu và yêu bà ấy là gần 60 năm, tôi vẫn luôn biết ơn vợ tôi bởi đã cùng tôi sinh ra những đứa con, nuôi dạy chúng thành người tử tế. Chưa một lần trong cuộc đời, tôi nghĩ sẽ rời xa bà ấy" - ông Cộng nói

Năm 1989, với chính sách mở cửa của Nhà nước, khi đã 50 tuổi, ông Nguyễn Xuân Cộng bập bõm những bước khởi nghiệp đầu tiên trong nghề đá ốp lát, vật liệu xây dựng. Nhưng may mắn không mỉm cười với ông. Suốt 4 năm trời, hiệu quả công việc đó không cao. Những trăn trở công việc, chí làm giàu, những suy tư cho tương lai con cái, “cải cách” cuộc đời… cứ khiến ông băn khoăn mãi.

Năm 1992, ông chuyển hướng kinh doanh vật tư nông nghiệp. Công việc sau đó tiến triển thuận lợi do đáp ứng đúng nhu cầu sản xuất nông nghiệp của tỉnh Thanh Hoá. Đến cuối năm 1994, ông và gia đình lập nên Xí nghiệp sản xuất phân bón Tiến Nông (Công ty CP Công Nông nghiệp Tiến Nông ngày nay). Ông cũng là người sáng lập doanh nghiệp tư nhân đầu tiên tại Thanh Hoá sản xuất phân lân nung chảy bằng nhiệt lò cao.

Thành lập doanh nghiệp tư nhân giữa lúc đất nước mới mở cửa đã gặp vô vàn khó khăn, thách thức kéo theo những sóng gió cũng ập đến với gia đình khiến hai ông bà phải mỗi người một ngả.


Bà Lê Thị Nhuần nở nụ cười hạnh phúc bởi cuối cùng, đại gia đình bà đã hưởng hạnh phúc vẹn tròn. Bà được ông đưa vào lễ đường đám cưới kim cương

Bà Lê Thị Nhuần nở nụ cười hạnh phúc bởi cuối cùng, đại gia đình bà đã hưởng hạnh phúc vẹn tròn. Bà được ông đưa vào lễ đường đám cưới "kim cương"

Anh Nguyễn Hồng Sơn nói, 23 năm qua, dù cha mẹ anh không sống chung với nhau dưới cùng mái nhà, nhưng vẫn giành sự quan tâm, trách nhiệm với nhau và đặc biệt là cho con cái. “Bài học đầu tiên mà cha mẹ dạy 4 anh em tôi là bài học làm người tử tế, con cái hiếu lễ, anh em trên kính dưới nhường, đặc biệt là “uống nước nhớ nguồn”. Bố tôi, những mỗi lần biết tin mẹ Nhuần ốm đau, ông lại bỏ cả việc về chăm sóc, thăm nom bà” – anh Sơn nhớ lại.

Nhắc đến vợ, ông Cộng hướng ánh mắt xa xăm, bảo tôi: “Lương hưu tôi chưa một lần cầm đến, tất cả đưa cho vợ. Bà ấy ở một mình cũng buồn lắm. Tôi còn làm việc, còn niềm vui gặp gỡ mọi người. Bà ấy hi sinh quá nhiều hạnh phúc riêng tư”. Không giấu nổi sự xúc động, người đàn ông gần 80 tuổi rưng rưng: “Nếu tính cả 4 năm tôi tìm hiểu bà ấy, thì tôi trọn vẹn 60 năm một tình yêu. Tôi biết ơn bà ấy đã cùng tôi sinh ra và nhất tâm nuôi dạy các con khôn lớn, trưởng thành. Chưa một lần trong cuộc đời, tôi nghĩ sẽ rời xa bà ấy”.

Lẽ hợp – tan và hành trình tìm đến cùng sự trọn vẹn của hạnh phúc

Ông bà thương nhau như vậy, nhưng sao phải chờ đến bây giờ, mới được đoàn viên? Đáp lời câu hỏi của tôi, anh Nguyễn Hồng Phong, con trai út của ông Cộng kể lại, cách đây 5 năm, anh em trong gia đình tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày cưới cho bố mẹ.

“Buổi lễ đó có đầy đủ các anh chị em, con cháu. Ai ai cũng cảm nhận được niềm hạnh phúc. Nhưng vẫn chưa thể nào trọn vẹn được vì nguyện vọng đưa ông bà về với nhau vẫn chưa thành. Cha và mẹ vẫn quan tâm nhau, có trách nhiệm, muốn về với nhau mà không thể, vẫn hai người hai ngả. Bởi còn những rào cản, khó khăn, những tai ương mà không thể lý giải bằng những điều hiện hữu trong cuộc đời” – anh Nguyễn Hồng Phong .

Không cam lòng, anh Phong cùng các anh em trong gia đình bắt đầu hành trình đi tìm nguyên nhân để hoá giải “nỗi tai ương”. Họ tìm về quê nội Hưng Yên, về quê ngoại tại Thanh Hoá và Hà Tĩnh để nghiên cứu gia phả, tổ tiên, “” với tổ tiên những trăn trở, nghĩ suy. Thậm chí, họ còn tìm đến chốn tâm linh, tín ngưỡng khắp mọi nơi để truy tìm lời giải vì sao ông bà không trọn vẹn được trong tình yêu – điều mà anh Phong luôn khẳng định, chỉ có duy nhất trong cuộc đời.

Tìm hiểu nguồn cội, anh Phong hiểu ra rằng quá khứ - tổ tiên ông bà đang hiện hữu trong hình hài hiện tại, chính là bố mẹ, con cái, cháu chắt. “Phải hiểu về quá khứ, để sống với hiện tại và hướng về tương lai”, anh Phong nói.

Cuối cùng, anh Phong nói, 23 năm qua, để con cái được hạnh phúc, bố mẹ anh đã gánh chịu những tai ương, khó khăn, phải cách ly, để thuận theo nguyên tắc tự nhiên, đất trời: Có hợp – có tan – rồi lại hợp. Đi hết lẽ tự nhiên đó, sẽ tìm được hạnh phúc, bình an, thịnh vượng.

Bản thân anh Phong cũng là người trải nghiệm lẽ hợp – tan trong chính cuộc đời mình. Cách đây 1 năm, anh đã đứng giữa lằn ranh sinh – tử, gần 2 tuần chết lâm sàng vì căn bệnh rất nặng, có lúc tưởng chừng bế tắc. Nhưng bằng những nỗ lực vừa tâm linh vừa hiện hữu của vợ anh, của các chuyên gia y khoa giỏi nhất, đã cứu anh về với cuộc đời.

“Tỉnh dậy sau lần “chết hụt”, tôi nhận ra rằng, con người sinh ra ai cũng có sứ mệnh và bổn phận của mình. Chỉ khi nào hoàn thành tốt sứ mệnh và bổn phận đó, mới tìm được hạnh phúc - bình an – thịnh vượng. Nếu thịnh vượng mà không có hạnh phúc, bình an, thì không thể nào trọn vẹn được. Giàu có đến bao nhiêu mà gia đình, bản thân, nhân viên không hạnh phúc, thì không thể nói đó là thịnh vượng” – anh Phong chia sẻ.

Người chủ doanh nghiệp Tiến Nông chia sẻ, anh quan điểm rất nhẹ nhàng về hạnh phúc. Đơn giản là có việc để làm, có nhà để ở, và có tâm hồn yêu thương. Nhưng “có hạnh phúc, có hưởng thu, phải sẻ chia”. Đó là tâm niệm những người con trong gia đình ông Cộng thấu hiểu.

Bằng chứng là, gia đình ông Cộng cùng Tiến Nông đã “chia sẻ” rất nhiều. “Chúng tôi đỡ đầu, nuôi dưỡng 36 trẻ mồ côi tại Thanh Hoá. Ngoài ra, hàng năm, chúng tôi cũng dành hàng tỷ đồng làm công tác , từ thiện, hỗ trợ cho rất nhiều hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Đó là cách chúng tôi đáp ơn với tổ tiên, ông bà, bởi bố chúng tôi cũng là trẻ mồ côi, lớn lên bằng tình yêu thương, bàn tay chăm sóc của của họ hàng, cô bác ở Hưng Yên” – anh Phong .

Sự sẻ chia của người chủ doanh nghiệp với hơn 500 nhân viên không dừng lại ở đó. Những nhân viên lâu năm trong công ty ấy nói với tôi rằng, người đứng đầu công ty này liên tục cập nhật thu nhập của nhân viên, quan tâm đặc biệt đến người hưởng lương thấp nhất để tìm cách cải thiện, giúp họ yên tâm làm việc, cống hiến cho công ty. Cùng với đó, quan tâm đến hoàn cảnh gia đình, những biến cố của từng người để có sự hỗ trợ kịp thời….

Sau những biến cố, những lần hợp – tan, những trải nghiệm để có được hạnh phúc, bình an, thịnh vượng như ngày nay, ông Cộng và gia đình đã luôn tâm niệm:

Được làm việc phải tận tâm

Được quan tâm phải chân thành

Được cống hiến phải đam mê

Được tôn vinh phải khiêm tốn

Được hưởng thụ phải sẻ chia.

Tháng 12, khi những bông cúc hoạ mi báo hiệu mùa đông, mùa cưới đến. Tại Thanh Hoá, cũng đã có một đám cưới đặc biệt. Tôi nói với ông Nguyễn Xuân Cộng, trước lúc chia tay, rằng câu chuyện của ông đã truyền cảm hứng về tình yêu thương, sự hi sinh và chia sẻ. Ông nở nụ cười hiền từ chối ba chữ “truyền cảm hứng”, rồi bảo tôi: "Tuổi này rồi, tôi chỉ may mắn vì cảm nhận trọn vẹn hai chữ “hạnh phúc”.

giadinh.net



0.35940 sec| 1570.477 kb