Search
Thứ 6, 03/03/2017, 09:24 AM

"Cuộc chiến" vỉa hè Sài Gòn và chuyện người Việt mất điện thoại ở Dubai

"Cuộc chiến" vỉa hè Sài Gòn và chuyện người Việt mất điện thoại ở Dubai

Nhung, cô bạn đi du lịch cùng đoàn tôi đến Dubai, đánh mất Iphone 6 plus những hai lần.

Nhưng cả hai lần, chiếc điện thoại đều quay về với chủ bằng con đường giống hệt nhau.

"Quá tuyệt vời!"

Nhung bị đãng trí bởi những đợt mua sắm say mê giống rất nhiều người Việt khác khi ra nước ngoài, đã để quên điện thoại trong toilet của hai trung tâm thương mại lớn và xa hoa top 10 thế giới (Dubai Mall và Mall of The Emirates).

Sau vài chục phút, Nhung tất tả quay lại. Chiếc điện thoại đã được ai đó nhặt và đưa đến cho nhân viên gửi trả người mất.

Sau vài động tác kiểm tra đơn giản, chiếc điện thoại chứa hàng ngàn tấm và danh bạ quan trọng, đã quay về chính chủ.

Cái duy nhất Nhung phải làm là nói "thank you" bằng giọng Nghệ An với mấy trai đẹp an ninh có râu quai nón đen nổi bật trên bộ đồ trắng truyền thống của người hồi giáo.

Kết thúc chuyến đi, nhắc đến cái cách quay về của chiếc điện thoại, Nhung cười như Liên Xô được mùa: "Quá tuyệt vời! Ở nơi nhiều người tốt, người không tham, muốn mất cũng khó"

Cuộc chiến vỉa hè Sài Gòn và chuyện người Việt mất điện thoại ở Dubai - Ảnh 1.

Ảnh: Dubai Mall nhìn từ bên ngoài.

Khi nghe chuyện này, ai đó sẽ bảo, ở Dubai toàn người giàu (thu nhập bình quân đầu người của Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất UAE lên tới 68.000 USD), nên một cái điện thoại khó có thể khiến họ động lòng tham.

Sự thực thì người có mức thu nhập trên 68.000 đô la ở UAE không nhiều, nếu so với tỉ lệ dân số.

Trong 9,2 triệu dân UAE, chỉ có 1,4 triệu người có quyền công dân, còn 7 ,8 triệu là ngoại kiều (85% ngoại kiều này là người gốc ả rập khác và các nước Châu Á).

Rất nhiều người trong số ngoại kiều ấy là người lao động đến từ những nước nghèo, với mức thu nhập chỉ đạt 300 – 600 USD/ tháng. Và như vậy, tất nhiên, đối với họ, chiếc Iphone 6 plus mới, cũng là một vật có giá trị.

Nhưng họ đã không tham.

Danh ngôn cổ đúc kết "biến đá cho hoá ra vàng, vẫn chưa thoả mãn lòng tham con người" hay nói như Mignon McLaughlin "tất cả chúng ta đều được sinh ra can đảm, tin tưởng, và tham lam, và sự tham lam ở lại với hầu hết chúng ta".

Ở UAE, tất cả mọi nơi đều được gắn camera, trừ phòng ngủ và toilet. Tại sao người Dubai họ không cầm nhầm chiếc điện thoại của Nhung ở nơi không lắp camera?

Có nhiều câu trả lời, nhưng một trong những câu trả lời mà Muhammad Saigol, một lái xe taxi đến từ Pakistan nói ra với tôi, là: Mọi người sống trong một môi trường mà những sự tham lam, trái với quy chuẩn đều không được dung thứ.

Dẹp vỉa hè Sài Gòn: Đối tượng nào mất nhiều nhất?

Một xã hội mà ở nơi nào đó "lệ" vượt qua "luật", nơi nào đó mà sự lách luật được ngụy trang dưới những từ ngữ uốn éo như "linh động", "châm chước", "", "bởi nghèo", "bởi thiếu hiểu biết"…thì nơi đó, thước đo văn minh sẽ đứng trước nguy cơ méo mó giá trị.

Cái vỉa hè ở Sài Gòn, Hà Nội và các đô thị khác ở Việt Nam, chính là nơi tồn tại nhiều thứ "lệ" vượt qua "luật" nhưng vẫn được dung thứ.

Vì vậy, đối tượng cảm thấy "mất mát" nhiều nhất khi chính quyền kiên quyết dẹp bỏ nạn lấn chiếm vỉa hè, chưa chắc đã là những người bán hàng rong như ai đó đã nói.

Rất dễ để thấy rằng, các chủ cửa hàng cửa hiệu mặt phố, mới là những những người lấn chiếm nhiều nhất. Chiếm thêm vài mét vỉa hè để bành trướng hàng hóa.

Đa số những ông bà chủ này không nghèo, không phải chật vật để lo vài miệng ăn. Cái họ muốn là giàu thêm nữa, kiếm tiền dễ hơn nữa.

Đối tượng mất mát thứ hai, chính là nhóm lợi ích hàng ngày vẫn làm ngơ cho vi phạm hoặc hành xử theo kiểu "phạt cho tồn tại".

Ai đó không đồng ý gọi việc lập lại trật tự vỉa hè là "cuộc chiến" thì hãy xem lại.

Cuộc chiến vỉa hè Sài Gòn và chuyện người Việt mất điện thoại ở Dubai - Ảnh 2.

Tại đường Hai Bà Trưng, quận 1, nhiều hàng rong vẫn được bày bán công khai, chiếm toàn bộ vỉa hè của người đi bộ. Ảnh: Hoàng Việt.

Nếu những "nhóm lợi ích" và "tham nhũng vặt" ở những cấp thấp nhất này mà khó triệt bỏ, thì việc chiến đấu với những nhóm lợi ích lớn - như đề cập của các vị lãnh đạo – còn khó khăn đến nhường nào.

Để xóa nhóm lợi ích, dù to hay nhỏ, đều cần đến một cuộc chiến quyết liệt và bền bỉ vì chắc chắn sẽ gặp phải rất nhiều kháng cự từ thô lỗ đến cực kỳ tinh vi.

Giành lại vỉa hè, cũng là cuộc chiến để chống lại thực phẩm thiếu an toàn, không rõ nguồn gốc. Mua nhanh bán nhanh, sự tiện lợi nhiều khi là kẻ thù của sức khỏe.

Để người Việt thay đổi hành vi, chấp nhận mua một cách có trách nhiệm ở các siêu thị, cửa hàng cửa hiệu uy tín, cũng cần một cuộc chiến lớn về nhận thức.

Đối tượng được chia sẻ nhiều nhất trong cuộc chiến vỉa hè, chính là những gánh hàng rong cơm áo mưu sinh. Nhưng không phải không có giải pháp cho họ.

Việc Quận 1 triển khai chợ phiên ở bến Bạch Đằng; Quận Tân Phú dành quỹ đất trống cho những gánh hàng rong tới bán…chính là một phần của giải pháp. Chính quyền cần có nhiều giải pháp khác nữa để những số phận này không bị vướng vào bi kịch.

Đừng lấy cái nghèo ra biện minh

Có một câu hỏi rất thực tế: Nếu chính quyền quy hoạch một khu đất cố định cho người bán hàng rong, liệu những người bán hàng rong có thôi bám vỉa hè?

Câu trả lời cũng rất thực tế: Nếu không có biện pháp mạnh, họ vẫn sẽ bám vỉa hè vì tiện, vì nghĩ rằng sẽ bán được nhiều hơn.

Khi ông này, bà kia bám được vỉa hè, được "phạt nhưng vẫn cho tồn tại", được "linh động" thì những người khác chẳng tội gì không nhào tới.

Khi một ông lao xe máy lên vỉa hè đi trót lọt, sẽ có cả dòng người phi theo. Ai chẳng may bị CSGT xử phạt, thay vì xấu hổ ký biên bản, thì lại hậm hực: CSGT thiếu trách nhiệm, sao bao nhiêu đứa vi phạm mà chỉ mình mình bị bắt?

Những người lấn chiếm vỉa hè có rất nhiều cách biện minh, đặc biệt là người nghèo.

Lấy cái nghèo để biện minh cho vi phạm pháp luật, về bản chất không khác gì một thương binh biện minh cho việc làm bậy của mình vì có công với nước; giống như một người phóng quá tốc độ gây tai nạn biện minh không biết luật giao thông; một kẻ xâm hại muốn được "thông cảm" vì thiếu hiểu biết; một kẻ ăn cắp biện minh mình nghèo quá…

Buhtan, một nước nghèo về vật chất, nhưng những người dân biết bảo vệ những giá trị bền vững và trở thành quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.

Nếu một xã hội luôn đứng một cách cảm tính về phía cái nghèo để biện minh cho những việc làm xấu xí, ảnh hưởng tới cộng đồng, văn minh, thì xã hội đó sẽ rất nhanh thỏa hiệp và tha hóa. Văn minh không phải lúc nào cũng tỉ lệ thuận với sự giàu có vật chất.

Muhammad Saigol, anh lái xe taxi ở Dubai đã không lấy tiền tip sau khi khuân vác vali cho chúng tôi, vì biết hành khách là người Việt Nam. Anh chia sẻ khoản tiền nho nhỏ đáng lẽ kiếm được ấy chỉ vì muốn làm những người khách Việt Nam vui.

Saogol, cũng như tất cả lái xe ở UAE, từ người rất giàu đến người rất nghèo, bao giờ cũng phanh xe lại khi thấy phía trước có người đi bộ chuẩn bị băng sang đường. Đổi lại, rất nhiều khi họ nhận được nụ cười và cái vẫy tay biết ơn của khách bộ hành.

Nếu biện minh mình nghèo thì Saogol không có lý do gì không cầm tiền tip, kể cả anh có yêu Việt Nam đến mấy. Nếu biện minh rằng mình nhặt được chứ có ăn cắp của ai đâu, thì chiếc điện thoại Iphone 6 plus của Nhung đã "thuê bao không liên lạc được" trong túi người khác.

Thế nên, đằng sau cuộc chiến vỉa hè của Sài Gòn, Hà Nội không chỉ là bộ mặt thông thoáng của đô thị, không chỉ là thước đo sự quyết liệt, hiệu quả của chính quyền, mà còn khiến những "vỉa hè hành xử" trong mỗi chúng ta không bị xẻ thịt chiếm dụng bởi những tư duy ngụy biện.

 

Theo Trí Thức Trẻ



0.40112 sec| 1559.891 kb