Chị gái nạn nhân Ái cho biết: “Trong đêm 5/6, Ái có bắt được một chú chim đem về nhà. Đêm đó, cả tôi cùng mẹ bảo Ái đi ngủ cũng như thả chú chim non đó đi, nhưng em nói: “Nếu chú chim này mà đi thì con cũng chết”. Đến trưa hôm sau, tôi không thấy chú chim này ở trong nhà nữa, cũng lúc đó tôi nhận được hung tin Ái gặp nạn”.
Đám tang các em nhỏ được tổ chức tại nhà ông bà nội.
Sáng 6/6, hai cháu Nguyễn Thị Diễm Ái (SN 2004) và Đào Hữu Thành (SN 2003, cùng ngụ đội 7, thôn Diêm Thụ, xã Vinh Thái, huyện Phú Vang) lại bị đuối nước tử vong. Được biết, hai cháu nhỏ bị nạn rủ nhau ra đầm phá Tam Giang để bắt sứa. Dù đã được nhiều người khuyên bảo về nhà nhưng hai cháu vẫn lội ra giữa đầm dẫn đến sự việc thương tâm.
Một số người dân giữ tôm dưới chân cầu Trường Hà (xã Vinh Phú, huyện Phú Vamg) kể, khoảng 9h45, họ thấy Ái, Thành đùa giỡn với nhau, rồi cùng nhau đi bắt sứa. Người dân khuyên hai em về nhà kẻo nắng và nguy hiểm nhưng hai em không nghe.
Ông Lê Đình Chương (48 tuổi, ngụ xã Vinh Phú) kể lại: “Khoảng 10h15, tôi vẫn thấy hai cháu đi bắt sứa. Sau đó, cả hai đã định về nhà nhưng do chia sứa không đều nên hai cháu tiếp tục đi bắt thêm. Khoảng một tiếng sau, tôi thấy mũ, dép cùng bao đựng sứa trôi theo dòng nước nên nghĩ có chuyện không hay. Tôi kêu cứu thì một thanh niên đi đường dừng lại, xuống sông phát hiện ra thi thể của hai cháu. Đến 1 giờ chiều, thi thể của hai cháu được vớt lên”.
Nhà hai nạn nhân ở gần nhau, cả hai gia đình đều thuộc diện hộ nghèo và đều đang sống trong những căn nhà tình nghĩa. Ái học hết lớp 3 đã phải nghỉ học vì bệnh tim cũng như kinh tế khó khăn. Thành đã 13 tuổi nhưng mới học hết lớp Năm.
Cả hai đều hoàn cảnh bất hạnh. Cha Ái mất sớm. Còn mẹ Thanh bỏ đi khi em vừa mới lọt lòng.Hai số phận nhiều thiệt thòi đã thân thiết, nương tựa vào nhau trong cuộc sống
Pháp luật Thời đại tìm về nhà em Ái. Ngôi nhà nằm lọt thỏm ở khu vực toàn cát trắng, xe máy không thể chạy vào được. Người mẹ ngồi thất thần bên bạn thờ con gái nhỏ. Bà Nguyễn Thị Hương (49 tuổi)
tâm sự, chồng mất sớm do bệnh động kinh.
Bà bị khớp, chỉ nuôi vài con vịt ở nhà, còn lo toan cho hai con gái nhỏ và cha già 86 tuổi nên gia đình khó khăn thuộc diện hộ nghèo 12 năm qua. Con gái đầu của bà đang học nghề cắt tóc. Nhận thức được hoàn cảnh nên từ nhỏ Ái thường lên đồi cắt cây về làm chổi bán kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Cái gì mà hái, nhặt bán kiếm được tiền, Ái đều đi kiếm.
Theo lời người mẹ, buổi chiều trước hôm xảy ra tai nạn, Ái đã đem sứa về nhà nhờ mẹ đi bán. Nhưng bà Hương mắng con gái vì đi bắt sứa nguy hiểm, dễ bị đuối nước. Bà còn vứt mấy con sứa đó ra vườn nhưng không ngờ hôm sau con lại tiếp tục đi bắt.
Cũng hôm đó, Ái bất ngờ nói sức khỏe mình đã ổn, xin đi học võ và sang năm học mới lại cắp sách đến trường tiếp tục theo học lớp 3.
Chị gái của Ái cho biết thêm: “Trong đêm 5/6, Ái có bắt được một chú chim đem về nhà. Đêm đó, Ái thức để chăm sóc con chim. Cả tôi cùng mẹ bảo Ái đi ngủ cũng như thả chú chim non đó đi, nhưng em nói: “Nếu chú chim này mà đi thì con cũng chết”. Đến trưa hôm sau, tôi không thấy chú chim này ở trong nhà nữa, cũng lúc đó tôi nhận được hung tin Ái gặp nạn”.
Mẹ và chị bên di ảnh nạn nhân Ái.
Hoàn cảnh em Thành cũng thương tâm. Anh Đào Dũng (41 tuổi, bố nạn nhân Thành) kể, sau khi sinh Thành, vợ chồng ông lục đục, người vợ bỏ đi để lại ông trong cảnh gà trống
nuôi con. Anh Dũng vừa nuôi con nhỏ vừa chăm mẹ già 76 tuổi. Hằng ngày, anh đi phụ hồ, để con ở nhà với bà nội. Ngoài giờ học, Thành ở nhà giúp đỡ việc nhà cho cha, thi thoảng nghe có gì bắt nhặt bán kiếm tiền là Thành đi.
“Hôm đó, Ái qua nhà rủ con tôi đi chơi. Không ngờ, cả hai lại đi bắt sứa. Đây chỉ là lần thứ hai con tôi đi bắt sứa như thế. Tôi hối hận vì không quan tâm cũng như khuyên răn con tránh nơi sông suối nguy hiểm. Cái rào ở Vinh Phú đó sâu lắm, người lớn trượt chân ngã còn nguy liền, huống gì tụi nhỏ. Tôi chỉ có duy nhất một người con, giờ còn đâu”, người cha òa khóc.
Bà nội của Thành cho hay, bà có 3 chị em gái. Trong vòng 3 tháng trở lại đây, trước tiên cháu nội của người chị 84 tuổi bị điện giật tử vong. Sau đó, đến cháu ngoại của chị 79 tuổi cũng đột ngột qua đời vì bệnh tật. Giờ đến cháu nội của bà chết vì đuối nước. “Ba chị em tôi già như vậy mà chứng kiến các cháu trẻ qua đời, đau đớn lắm”, người bà nghẹn ngào.
Ông Lê Văn Chi (trưởng thôn Diêm Thụ) cho biết, hai gia đình có con gặp nạn thuộc diện nghèo nhất thôn, trong đó gia đình Ái khó khăn hơn. Theo ông Chi, hai gia đình này cũng ít quan tâm đến con. Đây cũng là bài học lớn, để dân làng chúng tôi quan tâm đến con cái nhiều hơn.
Ông trưởng thôn cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ việc, chính quyền, cơ quan đoàn thể từ thôn đến tỉnh đều có sự hỗ trợ giúp đỡ vật chất và tinh thần bước đầu, nhưng khó khăn của hai gia đình vẫn còn phía trước.
Trước nỗi đau mất mát của các gia đình, ngay trong chiều tối ngày 6/6, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Công an tỉnh, Sở Giáo dục Đào tạo, Hội Chữ thập đỏ… đã đến thăm hỏi, động viên gia đình của các nạn nhân. Đồng thời, UBND tỉnh hỗ trợ 2 triệu đồng, Sở Giáo dục ĐT hỗ trợ 1 triệu đồng, Công an tỉnh hỗ trợ 2 triệu đồng cho mỗi em tử vong.
Theo
báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 6400 người bị đuối nước, trong đó hơn 50% là trẻ em và trẻ vị thành niên. Trung bình, mỗi năm nước ta có khoảng 3.500 trẻ bị chết đuối, nghĩa là có khoảng 9 trẻ tử vong do đuối nước mỗi ngày.
Theo thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố, mỗi năm Việt Nam có trên 11.500 trẻ em bị đuối nước. Việt Nam cũng là quốc gia có số trẻ em bị chết đuối cao thứ hai trên thế giới.
Còn theo Liên minh Trẻ em An toàn, có trụ sở ở châu Á, tỷ lệ chết đuối của trẻ ở các nước đang phát triển cao gấp 10 – 20 lần so với các quốc gia công nghiệp hóa. Theo kết quả các cuộc thăm dò của Liên minh này, Bangladesh được ghi nhận là nơi có tỷ lệ và số trẻ em bị chết đuối cao nhất – gần 17.000 mỗi năm; tiếp theo là Việt Nam – với mức trên 11.500 trẻ bị chết đuối. Cũng là quốc gia châu Á và có nhiều sông ngòi nhưng tại Thái Lan, chỉ có khoảng 2.600 em chết đuối mỗi năm
.
Theo Báo Pháp Luật