Những em bé sinh ra ngoài ý muốn của bố mẹ, bị bỏ rơi, nhưng đã có 16 cháu đã vượt qua cái chết để tồn tại một cách mạnh mẽ. Hiện các cháu đang được chăm sóc tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ sơ sinh thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hải Dương.
Những em bé thiên ân
Hoàn cảnh từng cháu bé ở Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ sơ sinh được các cô phụ trách nhớ như in. Có những bé sống sót được làm người do số trời và được gọi là “những thiên thần của thiên ân”, trong số đó có cậu bé 14 tháng tuổi Đình Tùng. Chị Cao Thị Thu Phương (34 tuổi) - người gắn bó với công việc cứu vớt trẻ sơ sinh 7 năm nay chia sẻ: “Đình Tùng là con của một chị công nhân, do một phút lỡ dại mà có thai. Vì lý do tế nhị, bố đứa bé không thừa nhận cốt nhục của mình, mẹ Đình Tùng hoảng sợ, hoang mang cộng với sự uất hận đã tìm đến một phòng khám tư nhân ở thành phố Hải Dương dùng phương pháp xông thai (kích thích ép đẻ non) vì cái thai quá to, không thể làm các biện pháp kế hoạch thông thường”.
Nhiều nhà hảo tâm tự nguyện khám chữa bệnh cho các cháu. Ảnh: G.T
“Hiện Trung tâm có 16 cháu, nhưng có đến 12 cháu không rõ nguồn gốc, được Trung tâm đón và chăm sóc ngay từ khi lọt lòng mẹ. Đúng là chỉ có số trời cho làm người thì các con mới có thể sống sót được tới những ngày hôm nay”. Chị Cao Thu Phương |
Chị Phương cho biết, có đến 99% thai nhi khi dùng biện pháp xông thai sẽ chết, nhưng Đình Tùng là một trường hợp ngoại lệ, lúc bị cưỡng bức đưa ra khỏi bụng mẹ em vẫn thở thoi thóp. Quá hoảng loạn, mẹ Đình Tùng bỏ lại đứa con của mình, trốn khỏi phòng khám. Phóng khám Sản nhi đã thông tin tới Trung tâm Chăm sóc trẻ sơ sinh của tỉnh Hải Dương để đón em về. Giờ nhìn thấy Đình Tùng, có lẽ ngay cả mẹ của em cũng không thể ngờ con của mình hiện còn sống ở trên cõi đời này giờ đã biết đi, biết nói.
Nói về những em bé bị bỏ lại được sống sót về với mái ấm Chữ thập đỏ, trường hợp của Phạm Văn Minh có lẽ là đáng thương nhất. Hiện Trung tâm không biết bố mẹ của Minh là ai. Khi người ở Trung tâm đến tiếp nhận thấy Minh bị bỏ lại trong một cái giỏ nhựa đậy chăn kín mít. Minh bị sứt môi, hở hàm ếch, lại bị xông thai ra non khoảng 7 tháng tuổi. Lúc đẻ ra người nhà sợ trách nhiệm nuôi dạy đã đậy chăn lên rồi bỏ đi, họ nghĩ Minh sẽ từ từ chết. Nhưng rất may em được cấp cứu kịp thời và sống sót. Sự thoát chết kỳ diệu của Phạm Văn Minh được ông bà Mars Den Alan, một cặp vợ chồng người Pháp vô cùng xúc động, họ quyết định nhận Minh làm con nuôi để đưa về Pháp chăm sóc và phẫu thuật những khiếm khuyết dị tật mà Minh mắc phải ngay từ khi mới lọt lòng. Vừa qua Trung tâm đã nhận được thông tin tốt lành từ bố mẹ nuôi của Minh gửi về: “con đã được phẫu thuật lần 2 và sẽ phải phẫu thuật thẩm mỹ thêm 6 lần thì vết sứt môi của con sẽ hoàn thiện”.
Nói về những đứa trẻ của Trung tâm, chị Phương cho biết: “Hiện Trung tâm có 16 cháu, nhưng có đến 12 cháu không rõ nguồn gốc, được Trung tâm đón và chăm sóc ngay từ khi lọt lòng mẹ. Đúng là chỉ có số trời cho làm người thì các con mới có thể sống sót được tới những ngày hôm nay”.
Khất nợ lương để dành tiền cho trẻ
Bà Tăng Thị Sậm, phụ trách 3 cháu nhỏ trong Trung tâm. Ảnh: G.T
Với nhiều gia đình, chăm sóc một trẻ nhỏ đã khó, ở Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ sơ sinh để chăm sóc 16 cháu còn khó khăn hơn. Nhiều cháu không được khỏe mạnh, điều kiện chăm sóc các cháu lại thiếu thốn, khó khăn. Anh Dũng - Phụ trách Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ sơ sinh cho biết: “Hiện nay có 10 cháu được bao cấp 500.000 đồng/tháng, số trẻ trung tâm tăng lên 16 cháu, chia san sẻ mỗi cháu được 300.000 đồng/tháng cho cuộc sống hàng ngày. Vì thế tất cả những người trong Trung tâm đều phải đi vận động từ thiện, làm xã hội hóa nhưng cũng chỉ giật gấu vá vai để các cháu không đói hay thiếu sữa, thiếu cháo bữa nào nhưng luôn trong tình trạng cầm cự”.
Hiện tại, Trung tâm có 6 cán bộ, công nhân viên phải nợ bảo hiểm xã hội hơn 1 năm nay chưa có tiền đóng vì phải dùng khoản tiền đó để mua sữa, bỉm cho các con khi chưa tìm được nhà hảo tâm nào. Cũng liên quan đến nợ, Trung tâm có hợp đồng với 5 người giúp việc, mỗi người phụ trách 3 cháu 24/24 giờ, với mức lương 3 triệu đồng/tháng, nhưng do khó khăn mà đã 4 tháng rồi chưa trả lương cho họ.
Chị Thu Phương chia sẻ: “Mỗi lần trung tâm có trẻ ốm, em lại phải cắp con mình vào ngủ cùng, để tiện chăm các cháu ốm. Nuôi trẻ sơ sinh sợ nhất lúc giao mùa, các con đồng loạt ốm, ho, sốt, khóc như bầy ve suốt đêm, thấy mà thương và xót các con lắm. Hôm nào các con đi tiêm phòng về, cả trung tâm không ai ngủ được. Các bà, các cô thức cả đêm thay nhau bế rong các cháu”.
Còn về chuyện xoay xở làm sao để có nguồn sữa, bỉm phục vụ đủ cho 16 cháu bé cũng là một vấn đề nan giải. Chị Phương chia sẻ: “Chúng tôi tự thành lập ra một nhóm những bà mẹ bỉm sữa, thường xuyên trao đổi hay bán những loại sữa, bỉm không phù hợp khi được cho. Nhiều người hiểu lầm lại nghĩ chúng tôi mang sữa bỉm ủng hộ đi bán...”.
Bà Tăng Thị Sậm (59 tuổi) đang phụ trách 3 cháu Thái Dương, Hà Khang và Hoàng Lan ở trung tâm kể: “Một mình tôi chăm 3 cháu cả ngày lẫn đêm. Phải biết được cá tính các cháu mới chăm sóc được”.
Nhìn cách chăm sóc của các bà, các cô trong Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ sơ sinh, chúng tôi cảm nhận được tình thương của họ với những thiên thần bị bỏ rơi này xuất phát từ những trái tim nhân hậu.
Theo Dân Việt