Xuất hiện đầu tiên vào năm 1886, căn bệnh kỳ lạ này khiến con người ta không thể đứng thẳng được, mà buộc phải bò nếu muốn di chuyển.
Ngay từ khi những nền văn minh đầu tiên của nhân loại xuất hiện, thì cũng ngần ấy năm con người chứng kiến hàng loạt những căn bệnh kỳ lạ. Căn bệnh chúng ta chuẩn bị nhắc đến ở đây cũng vậy, nó khiến con người ta không thể đứng nổi, và buộc phải bò bằng 4 chân nếu muốn di chuyển. Căn bệnh mang tên Genu recurvatum – hay chứng gối trong lõm trước bẩm sinh.
Chứng bệnh khiến 80.000 người phải bò nếu muốn di chuyển
Đây là một chứng bệnh bẩm sinh hiếm gặp, với tỉ lệ khoảng 1/100.000 trẻ. Nhưng điều này cũng có nghĩa rằng, hiện đang có ít nhất 80.000 người khốn khổ ngày nào cũng phải đi bằng 4 chân.
Nạn nhân của chứng bệnh này thường là phụ nữ. Họ sinh ra mà không có khớp gối, khiến đôi chân không thể đứng thẳng mà gập hẳn về phía trước. Một số người vẫn có thể bước đi, nhưng đa phần phải bò, sử dụng tay thay cho đôi chân của mình.
Trường hợp mắc bệnh đầu tiên được ghi nhận vào cuối thế kỷ 19. Vào năm 1886, một rạp xiếc đã đưa cô bé Ella Harper – nạn nhân của chứng lõm gối – ra trình diễn trước công chúng. Họ gọi cô là “cô gái lạc đà”, vì cô đi bằng 4 chân.
Ella Harper – cô gái lạc đà vào năm 1886
Tính đến thời điểm hiện tại, khoa học vẫn chưa giải thích được nguyên nhân của căn bệnh này là gì.
Chỉ biết rằng, đây là một căn bệnh bẩm sinh, và có giả thuyết cho rằng đó là do chấn thương trong quá trình mang thai, hoặc do trẻ lọt mông ra trước thay vì đầu lúc lâm bồn. Tuy nhiên, chẳng ai biết được lý do chính xác là gì.
Như đã nêu trên, một số trường hợp vẫn có thể đi lại được. Tuy nhiên, chứng bệnh này có thể xương hông và chân phát triển không bình thường, khiến họ phải đi bằng 2 cạnh bàn chân, thay vì đi đứng như người thường.
Ngoài ra, tốc độ thoái hóa của sụn và xương cũng nhanh hơn, gây nên những cơn đau khó lòng diễn tả.
Chỉ một số ít người có thể sử dụng vật lý trị liệu, còn đa phần bệnh nhân lõm gối buộc phải phẫu thuật để cải thiện bệnh tật.
Như cô gái dưới đây – Chen Tuanzhi đã phải sống chung với căn bệnh này trong 26 năm. May mắn thay, cô được một tổ chức từ thiện quyên góp tiền để phẫu thuật.
Chen Tuanzhi trước phẫu thuật
Và sau phẫu thuật…
Nhưng không phải ai cũng may mắn được như cô. Nhiều người không đủ tiền để phẫu thuật, và họ thậm chí chẳng còn dám ra đường hay tiếp xúc với xã hội vì mặc cảm.
Hơn nữa, vì đây là một chứng bệnh hiếm gặp, phản ứng đầu tiên của người bình thường luôn là sửng sốt, tò mò, săm soi… tóm lại là như đang nhìn một sinh vật lạ.
Có lẽ, người ta đã quên mất rằng họ đang nhìn một con người kém may mắn, nhưng về cơ bản chẳng khác biệt so với chính bản thân họ.
Theo Trí Thức Trẻ