(Congtin.net) - Ở cái tuổi đúng ra chỉ ở nhà chơi đùa cùng cháu chắt nhưng cụ ông 97 tuổi Nguyễn Văn Chũm vẫn hàng ngày xách hai giỏ bánh ú và bánh tét đi từng ngõ hẻm ở Sài Gòn để nuôi hai con bệnh tật.
Tóc bạc trắng đầu, lưng còng, các đốt đầu của hai bàn tay cũng bị cong lại vì xách giỏ bánh quá nặng nhưng cụ Chũm vẫn luôn lạc quan: “Ai cũng phải làm mới có mà ăn”.
Bán bánh nuôi hai con gái 48 và 50 tuổi
Sinh ra không ai có quyền được lựa chọn số mệnh của mình nhưng có lẽ cuộc đời đã quá bạc bẽo với cụ ông Nguyễn Văn Chũm (quê Hà Đông) khi mà sống đến gần một thập kỷ vẫn chưa thể có một ngày thảnh thơi.
Sâu trong con hẻm nhỏ ở đường số 21, khu phố 5 (phường 8, quận Gò Vấp, TP.HCM), ngôi nhà tình thương mới được tặng của cụ Chũm mặc dù có ba cha con sinh sống nhưng hiếm khi có tiếng nói cười.
Cụ Chũm kể, từ thời kháng chiến chống Pháp, cụ và vợ loạn lạc vào Sài Gòn. Vài năm sau thì vợ mất, cụ đi bước nữa với một người phụ nữ gốc Bến Tre. Cuộc sống thời chiến thì ai cũng như ai, bữa cơm nào cũng ăn kèm khoai với sắn, vợ chồng cụ sinh được ba người con, hai gái một trai.
Xương đốt tay của cụ Chũm bị còng lại vì xách nặng bao năm qua ẢNH: ĐỘC LẬP
Thế nhưng người con gái lớn của cụ bị tâm thần nhẹ, không thể lao động, người con gái sau thì bị câm điếc ngay từ khi mới chào đời. Tất cả hy vọng cụ Chũm đặt vào người con trai duy nhất. Trớ trêu thay, người con trai duy nhất của cụ chết khi chưa tròn 18 tuổi.
Rồi thì gia đình cụ cũng dành dụm mua được một căn nhà sàn trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Hàng ngày, cụ Chũm đạp xe ba bánh đi bán cháo lòng, bánh ướt vòng quanh Sài Gòn, còn vợ cụ ở nhà chăm sóc cho hai cô con gái.
“Vậy mà tự nhiên bả đổ bệnh nặng, rồi mất, để lại tất cả mình tôi lo. Hai cô con gái lúc ấy cũng lớn nhưng mà bệnh tật, tôi không lo thì ai lo”, cụ Chũm nói.
Những đứa trẻ ở gần đó hay chạy sang nhà mua bánh giúp cụ Chũm. ẢNH: ĐỘC LẬP
Được một thời gian, những nhà ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè phải di dời để cải tạo dòng kênh. Tất cả số tiền đền bù, cụ Chũm mua được một lô đất nhỏ tại Gò Vấp, cũng là chỗ ở hiện nay. Nhưng khi cái ăn chỉ vừa đủ thì tiền đâu mà cất nhà nên khi ấy ba cha con cụ Chũm chỉ dựng tạm vài miếng ván, khúc gỗ làm chỗ che nắng che mưa. Mãi đến ba năm trước, một nhà hàng trên địa bàn mới xây tặng cha con cụ ngôi nhà tình thương.
“Bánh ú đây, bánh ú đây, bánh nhân đây!”
Chúng tôi tìm đến gặp cụ vào một buổi sáng cuối tuần, cụ lấy ghế mời chúng tôi ngồi. Dù cụ Chũm có luôn tươi cười và hát vu vơ nhưng bao nhiêu khó nhọc của thời gian chẳng hề ẩn đi mà vẫn đan xen cùng những vết nhăn chằng chịt trên khuôn mặt co nhúm.
Lưng còng tóc bạc, xương tay cũng cong đi vì cụ phải xách những giỏ bánh nặng gần chục ký mỗi bên nhưng cụ vẫn nói: “Có hề gì đâu mà”.
"Lâu lâu cũng có người tìm đến tận nhà tôi mua hết bánh, mấy ngày đó thì tôi được nghỉ bán. Ở nhà thì cũng khỏe nhưng tôi đi bán cũng quen rồi, cuộc đời mình nó phải thế. Chỉ sợ khi tôi mất đi, hai đứa con gái không biết sẽ thế nào thôi…" Cụ Chũm tâm sự.
Bao nhiêu năm gian khó in hằn chằng chịt trên khuôn mặt của cụ Chũm. ẢNH: ĐỘC LẬP
Mỗi ngày, cụ Chũm đi chợ từ sáng sớm mua mớ rau, ít trứng hay tép rồi về cùng với người con gái thứ hai là chị Nguyễn Thị Lan (48 tuổi) nấu cơm. Người con gái lớn là Nguyễn Thị Thanh (50 tuổi) thì vì chứng bệnh tâm thần, nên chỉ thu mình ở trên gác, khi nào thiệt đói mới xuống ăn cơm, buồn thì đi long nhong ngoài đường đến tối mịt lại tự tìm đường về.
Giọng nói chậm rãi, cụ Chũm nhỏ nhẹ: “Lúc tôi đi chợ về cũng là lúc người ta giao bánh tới. Hai giỏ, một giỏ 30 bánh ú, một giỏ chục cái bánh tét. Bán hết nhiêu đó thì tôi lời được 100 ngàn”.
Dáng cụ Chũm liêu xiêu giữa cái nắng gắt của buổi giữa trưa...ẢNH: ĐỘC LẬP
Bữa sáng gộp với bữa trưa, cụ Chũm ăn xong là khoảng 11 giờ thì lại hai tay hai giỏ đi vòng qua các con hẻm dưới cái nắng gắt giữa trưa. Đi vài bước, cụ cất tiếng rao yếu ớt, khàn đặc: “Bánh ú đây, bánh ú đây, bánh nhân đây!”. Thêm vài bước nữa, cụ ngồi nghỉ, rồi lại tiếp tục. Cứ thế, cụ đi bán đến khi nào hết bánh mới về.
Cụ Chũm cho biết, hôm nào cụ bán hết sớm thì khoảng 17 giờ, trễ thì đến tận 20 giờ. Mỗi ngày đi bán cụ Chũm phải mang theo một cái ghế nhỏ để chiều đến dừng lại ở một gốc cây trên đường Cây Trâm, ở đây cụ có nhiều khách quen nên mọi người luôn ủng hộ cụ.
Dáng người nhỏ bé, dù nắng hay mưa cụ Chũm vẫn đều đặn xách giỏ bánh đi bán, đi mệt cụ lại ngồi nghỉ, rồi lại đi...ẢNH: ĐỘC LẬP
“Lâu lâu cũng có người tìm đến tận nhà tôi mua hết bánh, mấy ngày đó thì tôi được nghỉ bán. Ở nhà thì cũng khỏe nhưng tôi đi bán cũng quen rồi, cuộc đời mình nó phải thế. Chỉ sợ khi tôi mất đi, hai đứa con gái không biết sẽ thế nào thôi…”, nói rồi cụ Chũm nhìn xa xăm…
Chúng tôi hỏi, lần gần đây nhất cụ đi khám sức khỏe là khi nào, trái gió trở trời cụ có thấy mệt trong người không. Cụ Chũm vẫn chậm rãi, trả lời chúng tôi bằng cái giọng khàn đặc của mình: “Chắc mấy chục năm rồi tôi không đi khám bệnh, có bệnh thì ra nhà thuốc mua thuốc thôi, chứ đi khám mất luôn cả buổi sao đi bán được. Cũng may mà trời thương cho tôi sức khỏe”.
Người con gái thứ hai của cụ Chũm bị câm điếc bẩm sinh, hàng ngày chị nấu cơm rồi lại quanh quẩn ở nhà
Mỗi ngày cụ Chũm lấy 30 bánh ú, và 9 cái bánh tét đi bán. Bán hết số bánh này, cụ Chũm chỉ lời được 100 ngàn
Nắng đổ thẳng đầu nhưng cụ Chũm vẫn bước đi, cất tiếng rao...
Dáng lưng còng cùng tiếng rao khàn đặc của cụ quen thuộc với nhiều người Sài Gòn
Cứ vậy, dù nắng hay mưa, cụ ông gần 100 tuổi vẫn còng lưng nặng gánh mưu sinh, hai tay hai giỏ, mỗi giỏ gần chục ký. Dáng người nhỏ bé, liêu xiêu đã bao năm bước vào tận cùng những ngõ hẻm của Sài Gòn, với tiếng rao quen thuộc khiến bao người không khỏi xót xa..