Những con sông gắn liền với lịch sử Hà Nội, góp phần hình thành nền văn minh văn hóa của Thủ đô đang dần trở thành những dòng sông chết khi mỗi ngày phải hứng chịu hàng ngàn mét khối nước thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp do người dân xả ra.
Dọc nguồn các con sông trong nội đô như sông Tô Lịch, sông Kim Giang, sông Nhuệ… có một hiện trạng đáng buồn đó là tại các con sông này, dòng chảy hầu như không lưu thông được vì rác thải.
Sông Tô Lịch có chiều dài 14,6km chạy dọc suốt nội thành Hà Nội. Thượng nguồn là hồ Tây và kết thúc ở đoạn cầu Tó (Kim Giang, Thanh Xuân).
Dự án xây nhà ga đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông khiến sông Tô Lịch đoạn cuối đường Láng giao với phố Yên Lãng (Đống Đa) càng bị thu hẹp hơn.
Sông Kim Ngưu xưa là một tuyến giao thông đường thủy, nay chỉ có chức năng là một sông thoát nước cho nội thành Hà Nội.
Các con sông đang phải hứng chịu nước thải sinh hoạt, nước thải của các nhà máy hay từ các con sông khác đổ vào đây. Cuộc sống của người dân dọc hai bên bờ sông bị ảnh hưởng nặng nề.
Dòng sông ngập ngụa rác, hình ảnh không còn xa lạ đối với người dân sinh sống dọc bờ sông Sét – Sông Lừ. (Đống Đa, Hà Nội)
Chạy dọc dòng sông Nhuệ, không chỉ nguồn nước mà nguồn đất hai bên bờ sông dần đang biến thành những “vùng đất chết” bởi sự phát triển phức tạp của các làng nghề dọc bên bờ sông.
Người dân thôn Dưỡng Hiền (Xã Hòa Bình, Thường Tín, Hà Nội) những năm gần đây phát triển kinh tế nhờ việc nhập vải vụn về tái chế thế nhưng toàn bộ nước thải của các cơ sở sản xuất trong làng đều được xả thẳng ra môi trường.
Vải vụn chất thành đống dọc bên bờ sông và xử lý bằng cách đốt tạo nên bầu không khí khét lẹt nồng nặc.
Số tàn tro của vải vụn sau khi đốt được vứt thẳng xuống dòng sông vốn đã đen kịt và đặc quánh bởi chất thải.
Nước từ sông Nhuệ được bơm vào một kênh thủy lợi ở xã Mỹ Hưng (Thanh Oai, Hà Nội). Dòng nước sủi bọt trắng xóa bốc mùi hôi thối nồng nặc này vẫn được người dân hàng ngày sử dụng để tưới tiêu trong đồng ruộng.
Bà Thảo người dân làng Đan Nhiễm (Thường Tín,Hà Nội) cho biết, nước sông Nhuệ bị ô nhiễm từ nhiều năm nay, dù trồng sát bờ sông nhưng rau ăn của gia đình được bà tưới riêng bằng nguồn nước máy.
Một người dân đang cố gắng bơi tránh bãi rác nổi trên mặt sông Hồng, dù là dòng sông lớn nhất chảy chảy qua địa phận Hà Nội nhưng sông Hồng cũng đang ở mức báo động về tình trạng ô nhiễm
Được mệnh danh là con mương thối nhất Thủ đô, người dân sinh sống dọc con mương Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) phải chịu đựng tình trạng ôm nhiễm từ con mương này, mùi xú uế bốc lên khiến ai cũng sợ hãi.
Ngày 7/10 vừa qua, UBND Tp Hà Nội đã Nội đã khởi công dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá (Thanh Trì, Hà Nội). Dự án với tổng mức đầu tư khoảng 800 triệu đô này với kỳ vọng sẽ làm sống lại những dòng sông đang “hấp hối” ở Thủ đô.
Theo danviet.vn