Bị lừa bán từ khi còn nhỏ, 14 năm sống lưu lạc xứ người quên cả tiếng mẹ đẻ, Mai đã tìm được đường về nhà nhờ một tờ giấy chôn ở gốc cây...
“Em phải làm vợ từ năm 12 tuổi. Thân phận chẳng khác nào một đứa ở đợ nhà người, làm thân trâu ngựa suốt ngày đêm. Chỉ đến khi sinh được con trai nối dõi tông đường thì số phận em mới dần thay đổi. Em mới được gia đình chồng xem như một con người", Vi Thị Mai (SN 1990, ngụ xã Quế Sơn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) nhớ lại chuỗi ngày dài đầy tủi nhục khi làm vợ xứ người.
Bát phở định mệnh và thân phận cô bé con bị bán làm vợ xứ người
Đang trên đường đi học về thì Mai gặp một người phụ nữ ăn mặc sang trọng đi trên một chiếc xe máy rủ đi ăn phở. Bụng đang đói lại được người mời, Mai gật đầu ngồi lên xe người phụ nữ lạ. Sau khi được ăn no, người phụ nữ này đưa Mai lên một chiếc ô tô rồi lạnh lùng bỏ đi, để mặc cô bé gào khóc, van xin.
Khi sang đến Trung Quốc, nghe người ta nói chuyện với nhau bằng tiếng lạ, Mai cứ nghĩ mình bị lạc đường. Cuộc mua bán diễn ra nhanh chóng, Mai được một người đàn ông bản địa mua về để làm vợ cho con trai ông ta. Hành trình lưu lạc xứ người của Mai bắt đầu từ đó. Mai còn nhớ đó là năm 2002, khi em còn là một cô bé 12 tuổi.
Chị Mai hạnh phúc ngày trở về.
Mai kể, gia đình chồng ở một vùng đất hẻo lánh, bốn bên được bao bọc bởi núi rừng, đồi trũng. Người chồng chỉ lớn hơn Mai một tuổi, suốt ngày đêm chỉ biết dám mắt vào trò chơi điện tử. Gia đình nghèo, sợ con cái sau này không có tiền lấy vợ theo phong tục địa phương nên mới mua Mai về làm vợ. Mang tiếng làm vợ nhưng Mai lại bị gia đình chồng xem chẳng khác nào một đứa giúp việc.
“Hàng ngày, em phải theo cha mẹ chồng lên núi cuốc ruộng, quanh năm chỉ biết hái chè, bẻ ngô, tới bữa lại về tất tả chu toàn cơm nước cho người nhà chồng. Gia đình chồng 3 thế hệ, 8 người sống chung trong căn nhà rách mái. Mới đầu, không hiểu họ nói gì nên em thường xuyên làm sai việc, bị họ bỏ đói, đánh đập không thương tiếc", Mai nhớ lại cuộc sống tủi nhục.
Một mình nơi đất khách khi tuổi đời còn quá nhỏ, không người thân, không ngôn ngữ, lại thường xuyên bị người nhà chồng hắt hủi, đánh đập, xem như tôi tớ trong nhà. Ngày vất vả làm việc, đêm đến, cô bé chỉ biết gối đầu khóc nghẹn vì nhớ cha mẹ, chán nản với cuộc sống hiện tại. Đã không ít lần Mai tự tìm đường để chạy trốn nhưng ở một nơi hẻo lánh, bốn bên là đồi núi, chẳng biết trốn ở đâu, đành chấp nhận an phận.
Được "làm người" nhờ sinh con trai
Năm 18 tuổi, chồng Mai quyết định đi học nghề cắt tóc. Mai khăn gói theo chồng để tiện đường chăm sóc. Thời gian này, dù không còn vất vả dậy sớm thức khuya để làm việc nhưng Mai vẫn khóc rất nhiều vì người chồng vốn khó tính lại cục mịch, chỉ cần trái ý là chửi bới, sỉ nhục vợ một cách thậm tệ.
Cuộc sống địa ngục của Mai như được sang trang mới từ khi sinh đứa con trai đầu lòng, nối dõi tông đường cho người nhà chồng. Gia đình chồng tỏ ra rất vui, thương yêu, cưng chiều con trai của Mai hết mực. Cũng vì vậy mà Mai được “thơm lây”, dần được chồng, người nhà chồng quan tâm hơn, xem như một thành viên trong gia đình.
“Từ khi sinh con em mới được xem như là một con người, không còn phải lầm lủi làm việc như trước, cũng không bị chửi mắng, đánh đập nhiều. Khi con trai tròn năm, vợ chồng em được cho ra ở riêng tại một ki-ốt nhỏ mà chồng đang thuê để mở tiệm cắt tóc. Hàng ngày, em đi chợ, nấu nướng và chăm sóc con".
Khi mọi người trong gia đình chồng có cái nhìn thiện cảm hơn, chị Mai mạnh dạn chia sẻ tâm tư, muốn trở về quê hương tìm kiếm gia đình đã thất lạc hàng chục năm nay nhưng đều bị chửi mắng. Giữa tháng 5/2016, hạnh phúc vỡ òa khi chị được chồng cho phép trở về quê hương trong thời hạn 10 ngày và không được phép mang theo con. Gạt nước mắt, chị khăn gói trở về sau 14 năm lưu lạc.
Trí thông minh của cô bé 12 tuổi và con đường trở về nhà
Trở về quê hương khi bản thân không còn nói được tiếng mẹ đẻ, kí ức về gia đình, nơi chôn nhau cắt rốn sau hàng chục năm xa cách đã trở nên mơ hồ. Thứ duy nhất chị còn giữ lại là mảnh giấy nhỏ, ghi đầy đủ tên tuổi cha mẹ, quê quán bằng tiếng Việt được chị ghi lại từ ngày mới bị lừa bán sang Trung Quốc. Chị cẩn thận bỏ mảnh giấy vào túi ni lông, cột chặt rồi chôn ở một gốc cây ngay trong vườn nhà chồng. Thỉnh thoảng chị vẫn thường bới lên để kiểm tra, hi vọng sau này dựa vào đó sẽ tìm được đường về nhà.
Nắm chặt tay con gái, bà Lang Thị Hiền (mẹ chị Mai) trải lòng ngày gặp lại. Vợ chồng bà Hiền sinh được 5 cô con gái. Hiền là con út trong gia đình và cũng là đứa may mắn nhất khi được đến trường học chữ. Sau khi bị bán qua Trung Quốc, vốn thông minh, lại biết chữ nên Hiền đã ghi lại cẩn thận tên tuổi, quê quán của cha mẹ để sau này có cơ hội tìm về. Bà không ngờ chính thông tin ít ỏi đó lại là một phép màu kì diệu để gia đình bà được đoàn tụ với nhau sau hàng chục năm dài xa cách.
Bà Hiền vui mừng kể lại ngày gặp lại con gái sau 14 năm mất tích.
"Ngày ấy, ở bản tôi nhiều người phụ nữ, trẻ em bị lừa bán qua Trung Quốc lắm. Đợi mãi không thấy con trở về, gia đình tôi chia nhau đi tìm nhưng không có tin tức. Cứ nghĩ nó chết đuối hoặc bị người ta đưa sang Trung Quốc bán rồi. Không ngờ sau hàng chục năm tôi vẫn còn được gặp lại con gái mình. Giờ có nhắm mắt, tôi cũng an lòng", bà Hiền chia sẻ.
Trở về quê hương khi không còn nói được tiếng Việt, người nhà chị Mai phải nhờ một số người nói được tiếng Trung Quốc đến phiên dịch. Chị Mai cho biết sau khi đặt chân về Việt Nam, vì không thể nói được tiếng Việt nên đi đến đâu, chị cũng giơ mảnh giấy ra rồi dùng kí hiệu để mong mọi người hiểu ý, chỉ đường. Sau hai ngày, chị về đến đất Nghệ An. Chị lại may mắn được một người phụ xe khách đưa lên xe về huyện Quế Phong (địa chỉ ghi trên tờ giấy). Khi được đưa đến UBND xã Quế Sơn, hiểu được ý định của người phụ nữ lạ cùng những thông tin ghi trên tờ giấy, chính quyền xã đã cử người điều tra rồi trực tiếp đưa chị tới gặp gia đình.
“Đến bây giờ, dù đã ở trong ngôi nhà của mình, được gặp lại mẹ, các chị, thắp hương lên bàn thờ cha nhưng em vẫn nghĩ đó là một giấc mơ. Em cứ sợ mình phải chết trên đất khách, nơi chẳng một ai là người thân. Em rất vui và cho mình là người may mắn khi được trở về, đoàn tụ với gia đình", gạt nước mắt, chị Mai trải lòng.
Căn nhà của mẹ con bà Hiền.
Mới đoàn tụ được hai ngày, chị Mai đã phải chuẩn bị ra đi vì thời hạn theo quy định của nhà chồng sắp hết. Dù muốn hay không chị cũng phải trở lại bên đó, an phận với cuộc sống làm vợ xứ người vì con cái. Tình mẫu tử không cho phép chị ở lại trên chính quê hương mình dù rất muốn. Với chị Mai, sau hàng chục năm xa cách, giờ trở về thấy các chị đã yên bề gia thất, biết người mẹ già vẫn cố gắng sống để đợi chị trở về là hạnh phúc lắm rồi.
Chia sẻ sự việc với PV, ông Sầm Lê Lương (trưởng công an xã Quế Sơn) cho biết: Sau khi chị Mai trở về, địa phương đã tạo điều kiện để làm các thủ tục hành chính cần thiết như nhập khẩu, làm chứng minh nhân dân và các giấy tờ liên quan.
Ở địa phương còn rất nhiều phụ nữ, trẻ em mất tích nghi bị lừa bán sang Trung Quốc nhưng chị Mai là một trường hợp hi hữu và có thể nói là kì diệu khi may mắn trở về sau 14 năm lưu lạc.
*Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi