Chúng tôi len lỏi trên những con đường của làng quê Mỹ Hòa, xuyên qua những vườn bưởi năm roi trĩu quả đến nhà ông Trần Văn Túi (79 tuổi). Ông cùng gia đình đã dành cho chúng tôi buổi trò chuyện đầy ắp tình người...
Nỗi ân hận của người ở lại
Ông Túi kể lại, vào những năm 2004 – 2005, con ông là anh Trần Văn Hơn lâm vào cảnh bế tắc. Ruộng, rẫy thu hoạch không nuôi đủ gia đình vợ và 2 con. Con dâu ông, chị Nguyễn Thị Lan không thể nhìn cảnh túng thiếu khổ cực đã dứt áo ra đi lên TP.HCM tìm cách mưu sinh.
Anh Hơn nhiều lần lên thành phố tìm vợ nhưng chị tìm cách lánh mặt. “Nhiều lần như thế, thằng Hơn buồn lắm nhưng nó cũng chẳng biết làm sao. Thỉnh thoảng vợ nó cũng có gởi chút ít về phụ chồng nuôi con”, ông nói.
Đường vào xã Mỹ Hòa - quê hương của bưởi năm roi |
Tháng 8/2007, Hơn xin vào làm việc tại công trường xây dựng cầu Cần Thơ. Chưa nhận được đồng lương nào thì cuối tháng 9 tai nạn ập đến.
Tin sập cầu Cần Thơ lan truyền nhanh chóng. Nhiều người đã nhận được thi thể người thân vậy mà thi thể Hơn vẫn còn mù mịt chưa có dấu hiệu nào tìm ra.
Nhiều đêm ông Túi cầu nguyện nơi đấng thiêng liêng vô hình nào đó giúp ông tìm được xác con. Vợ Hơn hay tin vội vã trở về ôm 2 con bật khóc. Chị kêu gào thảm thiết, cố giải thích vì những lý do tế nhị nên đã không gặp chồng mỗi lần Hơn lên tìm. Giờ đây chị ân hận vô cùng vì không nhìn được mặt chồng vào những ngày cuối đời.
Ông Trần Văn Túi |
Ông Túi còn kể cho chúng tôi nghe, trong lúc chưa tìm được thi thể con, có lần ông nằm ngủ, trong trạng thái mơ màng ông nghe tiếng con. Anh nói: “Ba xê vào trong cho con nằm với. Mấy ngày nay năm ngoài trời lạnh quá". Ông nhích người vào trong. Hơn ngả lưng xuống cạnh ông. Hơn có chỉ chỗ anh đã nằm trong mấy ngày qua....
Đến sáng, ông ra tận nơi đào bới tìm kiếm. Ông chỉ cho xe ủi, ủi sâu xuống vị trí mà trong chiêm bao Hơn đã hướng dẫn. Phải mất nhiều thời gian, thi thể Hơn mới được phát hiện. Hơn là nạn nhân cuối cùng được khai quật ở lớp đổ nát khá sâu.
Chị Lan cùng cha chồng đưa thi thể anh Hơn về nhà phát tang và mai táng. Những ngày kế tiếp là gánh nặng đè lên đôi vai người góa phụ nửa chừng xuân.
Chị không trở lại thành phố, dùng toàn bộ số tiền đền bù và hỗ trợ xây lại nhà và dùng làm vốn nuôi con.
Tấm bia ghi tên những người tử nạn trong vụ sập cầu |
Suốt câu chuyện ông Túi kể lại, chúng tôi không hề nghe một lời nào oán trách con dâu. Ông nói: “Thỉnh thoảng mẹ con nó ghé đây thăm vợ chồng già. Bên dâu bên cháu nội, tuy con trai không còn nhưng những tình cảm mà ông có được có lẽ khó tìm được trên đời này. Vừa qua, đứa cháu nội lớn xây dựng gia đình về Bình Dương sinh sống. Tôi chỉ mong chúng nó được hạnh phúc và làm ăn thuận lợi hơn...”.
Xuất phát từ những người nghèo khổ, khi có tiền, chị Lan không hề đổi thay. Ông Túi kể lại, nó nói tiền này là sinh mạng của chồng. Mình phải làm sao nơi chín suối anh ấy nhìn thấy những đứa con ngoan mà mỉm cười là mãn nguyện rồi.
Nếu bước thêm bước nữa ...
Chúng tôi về ấp Mỹ Hưng 1. Nhà chị Nguyễn Thị Trúc ở khuất trong con hẻm nhỏ. Chồng chị là anh Lê Văn Tươi và em rể là Nguyễn Văn Chính đã chết trong tai nạn sập cầu Cần Thơ.
Miếu thờ nạn nhân bên trong Bồ Đề cổ tự |
Hiện giờ, cuộc sống của chị và người em ruột, chị Nguyễn Thị Kim Liên tuy không khá giả gì nhưng đã đi vào ổn định. 10 năm trôi qua, con cũng đã lớn, bắt đầu có sự nghiệp. Cả 2 chị đều vui vẻ bên con ...
Hỏi thăm chị Trúc về ngày tang thương ấy. Chị bồi hồi nhớ lại rồi 2 mắt đỏ hoe. 10 năm trôi qua hình ảnh người chồng thân yêu vẫn chưa phai mờ trong tiềm thức của chị. Chị nói: "nhắc tới cái ngày đó tôi không sao ngăn được nước mắt. Hôm ấy, tôi đang ở nhà chăm mấy đứa nhỏ thì được tin cầu sập. Tôi bỏ hết chạy thẳng ra hiện trường. Trước mặt là đống đổ nát. Đôi chân tôi muốn quỵ xuống.
Rồi sau đó, trong dòng người cứu hộ thi thể nhà tôi và em rể được tìm thấy. Kim Liên lúc ấy ngất xỉu. Người nhà đưa 2 chị em tôi về nhà".
Chi Trúc rơm rớm nước mắt khi được hỏi về chồng |
Chôn cất chồng xong chúng tôi bắt đầu với cuộc sống mới. Chị Kim Liên kể tiếp. Số tiền bồi thường, gia đình nhà chồng nhận, chỉ giao cho tôi sổ tiết kiệm là số tiền trợ cấp để nuôi 2 con nhỏ. Cũng từ ngày ấy, bên nhà chồng có những điều tiếng không hay đối với mẹ con tôi nên tôi đã ôm con về bên mẹ ruột. Bằng nghề may, tôi đã tảo tần trong 10 năm nay để nuôi con khôn lớn. Một đứa đã vào đại học và một đứa chuẩn bị học 12. Giờ đây nhìn lại, tôi cảm thấy không hổ thẹn với những gì trước đây cha chúng từng kỳ vọng.
Chị đã làm tròn trách nhiệm người vợ, người mẹ trong thời buổi khó khăn này. Chúng tôi nhìn chị bằng ánh mắt cảm phục. Trong khi đó, chị Trúc có phần vất vả hơn. Thế nhưng, sau 10 năm 3 đứa con của chị đều trưởng thành trong đó có cô con gái lớn đã tốt nghiệp sư phạm, đang đi dạy ở Bạc Liêu.
Công việc của 2 chị hiện này là chỉ lanh quanh ở nhà lo cho các con. Đó là niềm vui trong cuộc sống đầy bon chen này. "Nhìn cả 2 chị, chưa ai đến tuổi già. Một mai, các cháu thành gia thất hai chị sẽ hiu quạnh lắm. Có một lúc nào 2 chị nghĩ đến bước thêm bước nữa không ?" Chúng tôi hỏi. Chị Kim Liên bẽn lẽn nhìn nơi khác. Chị Trúc cho biết, hôm nay mới có người hỏi chị câu này.
"Thật tình mà nói chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Một phần tình nghĩa với người chồng còn quá sâu đậm, một phần vì các con. Chúng tôi muốn sống cho trọn vẹn nghĩa tình. Một mai kia các con có gia đình, chúng có nghĩ đến người mẹ này không tùy vào chữ hiếu của chúng thôi anh ạ..."