Ở Trung Quốc, vì ảnh hưởng của chính sách một con, rất nhiều gia đình sinh con gái đã mang con đi vứt bỏ. Năm 2007, ở Nam Xương, tỉnh Giang Tây, một người đàn ông vô gia cư 50 tuổi tên là Hùng Kiến Quốc đã nhặt được một bé gái trong thùng rác.
Ngày thường, ông Quốc đi nhặt ve chai, kiếm vỏ chai trong thùng rác. Một hôm, ông đã thực sự sửng sốt khi phát hiện ra một đứa bé bị bỏ đói trong thùng rác.
Cô nhi viện ở Trung Quốc rất đông, hoàn cảnh cũng không được tốt. Do đó, bất chấp khó khăn, túng quẫn ông vẫn quyết định giữ đứa trẻ lại, nuôi lớn thành người, đặt tên là Diễm Diễm.
Ông Quốc chăm chỉ nhặt rác, kiếm tiền hơn. Ông mua một cái bình nhỏ cho con uống sữa. Bình thường, họ ở gầm cầu, bên cạnh một đền thờ, cả gia tài chỉ có một tấm chăn và một miếng thảm. Thời gian dần trôi qua, Diễm Diễm trưởng thành, ban ngày cũng biết cùng bố đi nhặt ve chai.
Vì không có giấy báo tạm trú, lại sống rất khổ cực, cô bé Diễm Diễm không được đi học. Nhưng ông Quốc đã tự mình dạy con học theo sách tiểu học lớp 3. Ông dành dụm tiền mua một quyển sách toán, vở ghi chép và một quyển sách ngữ văn để dạy học cho con. Cô bé thường học bài dưới ánh đèn đường.
Ông Quốc rất tự hào về con gái mình. Diễm Diễm học tập rất thông minh, em có thể trả lời đúng hầu hết các câu hỏi trong sách toán và thuộc hơn một chục bài thơ. Ông Quốc nói mình sẽ nuôi dưỡng Diễm Diễm cho đến khi con gái hoàn toàn tự lập được.
Do thường xuyên phải học bài trong điều kiện ánh sáng kém, Diễm Diễm thường hay mỏi mắt, phải lấy tay dụi liên tục. Ông Quốc cảm thấy đau lòng nhìn con mà nói: “Nghỉ ngơi một chút đi con, đừng nhìn nữa sẽ hỏng mắt đấy”.
Bởi vì sống ở dưới gầm cầu nên đôi chân của Diễm Diễm chi chít những vết muối đốt. Khi được hỏi rằng có cảm thấy cuộc sống cực khổ hay không, em trả lời: “Chỉ cần nơi nào có cha, nơi đó là nhà của con”.
Ông Quốc lấy ngày nhặt được Diễm Diễm là ngày sinh nhật của em. Hàng năm, vào ngày này ông đều đưa con gái đến tiệm chụp một bức ảnh và sau đó mua cho cô bé một chiếc bánh nhỏ. Ông Quốc nói: “Chiếc bánh là món quà sinh nhật của Diễm Diễm, còn ảnh chụp là cho tôi đấy, để cho tôi vĩnh viễn nhớ ngày hội ngộ đó”.
Bởi vì lòng nhân từ của ông Quốc, Diễm Diễm mới được cứu sống. Mặc dù cuộc sống của hai cha con còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí còn không có lấy một mái nhà để che mưa chắn gió, nhưng đối với họ tình cảm gia đình là vô cùng quý báu.
Một câu chuyện thực sự cảm động cho chúng ta thấy tình người như ánh sáng chứa chan thắp sáng trong màn đêm đen tối. Dù khổ cực đến mấy, hai bố con nhà ông Quốc vẫn vui vẻ hạnh phúc với những điều nhỏ nhặt bởi chỉ cần có nhau, nơi đó là nhà với nhiều tiếng cười và sự sẻ chia.