Vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ có thể là một “cú hích” cho chiến dịch tranh cử của tỷ phú bất động sản Donald Trump, nhất là bởi vụ việc vừa qua cùng những diễn biến liên quan càng phản ánh rõ nét tâm lý lo ngại sâu sắc của người dân Mỹ trước chủ nghĩa khủng bố.
Ngày 12.6, 49 người thiệt mạng và 53 người khác đã bị thương trong một vụ xả súng đẫm máu tại hộp đêm Pulse dành cho người đồng tính ở Orlando, Florida. Thủ phạm là một tay súng, tuyên bố trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, lực lượng khủng bố đang bị coi là mối đe dọa toàn cầu.
Cả hai người đã có những phản ứng khác biệt sau vụ thảm sát. Trong khi ứng cử viên của đảng Dân chủ Hillary Clinton kêu gọi đẩy nhanh việc ban hành các đạo luật hạn chế sử dụng súng đạn, thì thực tế nhiều cuộc thăm dò dư luận cho thấy đa số người dân Mỹ không mấy mặn mà với các cuộc tranh luận về vấn đề này.
Ngược lại, các phát biểu của ông Trump về hậu quả của của vụ tấn công khủng bố lại tập trung chủ yếu vào nguy cơ khủng bố, vấn đề mà người dân Mỹ lo ngại nhất.
Ông Trump, kêu gọi Mỹ cứng rắn với những kẻ khủng bố, đã nhân vụ thảm sát này lặp lại lời kêu gọi tạm thời cấm người Hồi giáo nhập cảnh vì lo sợ họ có thể thực hiện một vụ tấn công mới, dù tay súng ở Orlando là công dân Mỹ không bị ảnh hưởng gì bởi đề xuất của ông Trump. Nhà chức trách nói tay súng bị hạ gục trong cuộc đột kích của cảnh sát đã bị cực đoan hóa bởi những bài viết hô hào thánh chiến đọc được trên Internet.
Bà Clinton lên án kế hoạch bài Hồi giáo của ông Trump cùng lời kêu gọi của ông đòi xây một bức tường dọc theo biên giới Mỹ-Mexico để ngăn chặn người nhập cư không giấy tờ vào Mỹ.
Theo Tân Hoa Xã, Cố vấn của đảng Cộng hòa Ford O’Connell cho biết việc tập trung nói về những vấn đề xung quanh chủ nghĩa khủng bố chứ không phải về kiểm soát súng đạn, sẽ đem lại lợi thế cho ông Trump trong cuộc cạnh tranh với bà Clinton.
Ông O’Connell nói: “Về cơ bản, người Mỹ đang sợ hãi… và chừng nào chiến dịch của ông Trump còn xoay quanh vấn đề khủng bố và kinh tế, ông ta vẫn có lợi thế hơn bà Clinton”.
Quả thật, trong những cuộc thăm dò dư luận do Đại học Quinnipiac thực hiện gần đây, người Mỹ coi ông Trump là một nhà lãnh đạo hiệu quả hơn trong việc đối phó với IS. Và mặc dù đa số dư luận không nghĩ rằng ông Trump có tố chất để làm tổng thống, song rất nhiều người Mỹ không hề hài lòng với nỗ lực đối phó nguy cơ khủng bố của Tổng thống Barack Obama. Họ cho rằng việc bà Clinton đắc cử, cũng đồng nghĩa với việc Chính quyền Obama có thêm một nhiệm kỳ nữa dưới cái tên Clinton.