Search
Chủ nhật , 03/07/2016, 11:33 AM

Bắc Kinh tung tin Nga "ủng hộ về biển Đông", học giả TQ chứng minh điều ngược lại

Bắc Kinh tung tin Nga "ủng hộ về biển Đông", học giả TQ chứng minh điều ngược lại

Trong khi truyền thông Trung Quốc hô hào rằng Nga "ủng hộ lập trường của Bắc Kinh về biển Đông", một học giả của nước này đã nêu luận điểm chứng minh điều ngược lại.

của chuyến thăm chính thức Trung Quốc hôm 25/6 của Tổng thống Nga Vladimir Putin là nguyên thủ hai nước đã ký kết ba hiệp định: "Tuyên bố chung của Nga và Trung Quốc", "Tuyên bố về tăng cường sự ổn định chiến lược toàn cầu " và "Tuyên bố về Hợp tác trong lĩnh vực phát triển không gian thông tin". 

Đây là chuyến công du Trung Quốc thứ 5 của ông Putin, đồng thời là lần gặp mặt chính thức thứ 6 của ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ trong 13 tháng. Những con số được cho là thể hiện mối quan hệ song phương "mật thiết", ở mức độ "chưa từng có trong lịch sử".

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu quốc tế người Trung Quốc Đinh Đông, ngoài tuyên bố liên quan đến phát triển không gian mạng, hai tuyên bố chung còn lại giữa Nga và Trung Quốc không đi đến những biện pháp cụ thể.

Nga chỉ có thể "hỗ trợ" Trung Quốc ở "ngoại giao bề nổi"

Trong bài phân tích mới đây, ông Đinh chỉ ra những dấu hiệu cho thấy trong vấn đề biển Đông, Nga không "ủng hộ lập trường của Trung Quốc" như những gì Bắc Kinh lan truyền trên truyền thông nước này.

Tuyên bố chung về thúc đẩy luật pháp quốc tế được phía Nga quyết định phát biểu thông qua Bộ ngoại giao hai bên, chứ không ra tuyên bố ở cấp nguyên thủ và thông cáo cũng không đề cập các biện pháp cụ thể.

Ông Đinh cho hay, điều này "thể hiện rõ Nga không muốn bị lôi kéo vào mâu thuẫn biển Đông ở mức độ chiến lược, mà chỉ thể hiện ở ngoại giao bề nổi". Theo ông, đây cũng là "sự ưu ái" tối đa mà Nga có thể dành cho Trung Quốc.

Đáng chú ý, trong tuyên bố kể trên cũng không xuất hiện cụm từ "biển Đông", cho thấy điều Moscow chỉ bày tỏ "ý nguyện ngoại giao" trên phương diện vụ kiện biển Đông ở Tòa trọng tài thường trực (PCA) do Philippines làm nguyên đơn, mà không hề bày tỏ "ủng hộ toàn diện" đối với Trung Quốc về chính sách và lợi ích biển Đông.

"Tôi rất ngạc nhiên là một số học giả nổi tiếng cùng báo chí Trung Quốc lại dựa vào tuyên bố chung về luật quốc tế giữa Nga-Trung để kết luận là Nga ủng hộ lập trường chính sách của Bắc Kinh ở biển Đông," học giả Đinh Đông bình luận.

Học giả TQ: Nga không ủng hộ Bắc Kinh về vấn đề biển Đông - Ảnh 1.

Vụ tàu chiến Nga xuất hiện ở biển Hoa Đông, gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, hôm 9/6 được học giả Trung Quốc cho là cách để Nga tránh ủng hộ trực tiếp Trung Quốc về vấn đề biển Đông. (Ảnh: Reuters)

Tàu Nga xuất hiện gần Senkaku/Điếu Ngư, Moscow "né" biển Đông

Theo phân tích của ông Đinh Đông, Nga trên thực tế đã cố gắng hạn chế khả năng bị chỉ trích là "ủng hộ Trung Quốc ở biển Đông".

Bằng chứng là 3 chiến hạm Nga đã lần đầu tiên xuất hiện cùng thời điểm với 1 tàu chiến Trung Quốc ở Vùng tiếp giáp lãnh hải Nhật Bản, gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung-Nhật tranh chấp chủ quyền, vào rạng sáng 9/6.

Ông Đinh lập luận, đối với Nga mà nói, động thái này chứng minh cho Trung Quốc thấy Moscow sẵn sàng ủng hộ Bắc Kinh về mặt quân sự, nhưng đồng thời tránh được việc phải "lộ diện" trên biển Đông, gây ấn tượng tiêu cực với Mỹ hay các nước ASEAN.

Mặt khác, sự kiện hôm 9/6 đã làm leo thang căng thẳng Trung-Nhật, đem lại "vốn liếng ngoại giao" nhất định cho Tổng thống Putin. Theo kế hoạch, ông sẽ thăm chính thức Nhật Bản trong năm 2016 và tổ chức hội nghị thượng đỉnh quan trọng với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Học giả TQ: Nga không ủng hộ Bắc Kinh về vấn đề biển Đông - Ảnh 2.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Sputnik/ Michael Klimentyev)

Putin vẫn "kiềm chế" Trung Quốc ở Biển Đông

Ông Đinh Đông đánh giá Tổng thống Putin là một cao thủ trong các bàn cờ về ngoại giao chiến lược.

Trong bối cảnh Nga bị phương Tây cấm vận bởi cuộc khủng hoảng Ukraine và phải "ngả về Trung Quốc" để tìm kiếm những lợi ích quan trọng về tài chính, song Moscow vẫn duy trì được trạng thái cân bằng trong ngoại giao hai nước.

Thậm chí, ở một số vấn đề quan trọng mà phía Trung Quốc rất quan tâm và tỏ ý muốn hợp tác, Nga còn kiềm chế được Bắc Kinh. Ở khu vực biển Đông, Nga vẫn có những lợi ích và đối tác thiết thực khác ngoài Trung Quốc - ông Đinh cho biết.

Ông viết: "Khi nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc (ông Tập Cận Bình) chọn nước Nga là điểm đến công du đầu tiên (tháng 3/2013) thì nền tảng cơ bản cho ngoại giao hai nước đã được xác định.

Đây cũng là mở đầu cho sự thay đổi chiến lược cân bằng nước lớn đối với Trung Quốc.

Hàng loạt động thái sau đó của Bắc Kinh, từ khởi xướng 'giá trị quan châu Á của người châu Á' cho đến đẩy mạnh xây đảo nhân tạo (phi pháp-PV) ở biển Đông, đều củng cố cục diện chiến lược trên.

Trên thực tế, hệ quả tất yếu của việc Trung Quốc bị Mỹ cùng nhiều nước châu Á cô lập là sự phụ thuộc nhiều hơn của Bắc Kinh vào Nga."

Học giả người Trung Quốc nhận định, Trung Quốc đã không bị Mỹ xem là đối tượng cô lập kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Tình hình này chỉ mới thay đổi từ năm 2015 khi Bắc Kinh ngang nhiên gia tăng hoạt động quân sự hóa trên biển Đông.

Vấn đề biển Đông rất phức tạp và không phải là lợi ích quan trọng nhất vào thời điểm hiện tại của Trung Quốc. Việc bỏ qua phương châm cơ bản, chuyển sang áp dụng chính sách cứng rắn không phải là hành động khôn ngoan.

"Chính điều này đã đảo lộn toàn bộ cục diện ngoại giao của Trung Quốc, đẩy họ vào tình thế bị cô lập trong các tranh chấp ở cả biển Đông và Hoa Đông," ông Đinh kết luận.



0.30122 sec| 1555.523 kb