Hoa hồng là một loại thuốc thiên nhiên phổ thông nhất, nhưng cách thu lượm và chế biến cánh hoa là khâu rất quan trọng. Cần hái cánh hoa hồng vào buổi sáng sớm và sẽ tốt hơn nếu hái sau cơn mưa hoặc sau một đêm có nhiều sương.
Tinh dầu hoa hồng là thành phần chữa bệnh cơ bản, nó kích thích và điều hoà hệ kháng thể với hệ thần kinh của con người, đồng thời gia tăng hoạt động của các tuyến nội tiết, xoá bỏ những rối loạn phức tạp trong các cơ quan của cơ thể và tái tạo tế bào. Tinh dầu hoa hồng rất tốt cho bộ máy tiêu hoá nhờ khả năng hàn gắn các lớp màng, khử khuẩn và bù đắp lượng men thiếu hụt trong dạ dày và ruột. Hầu hết các khoáng chất trong bảng tuần hoàn Mendeleyev đều có ở cánh hoa hồng. Ngoài ra, cánh hoa hồng có chứa canxi - tác động đến quá trình trao đổi chất và tiêu hoá thức ăn, kali - thành phần vô cùng quan trọng đối với hoạt động của tim, đồng - cải thiện tình hình hoạt động của tuyến nội tiết...
Toàn bộ vi khuẩn bị chết trong vòng 5 phút sau khi tiếp xúc với cánh hoa hồng tươi khiến nó thực sự trở thành loại dược thảo lý tưởng. Cánh hoa hồng tươi giúp chữa trị các mụn mủ, vết bỏng hoặc giảm chứng dị ứng. Bột cánh hoa hồng sấy khô trộn lẫn với mật ong là một bài thuốc hiệu quả chữa chứng hôi và viêm miệng. Xông bột hoa hồng là một liệu pháp khuyến cáo đối với những người có hệ thần kinh yếu, loạn thần kinh chức năng và trầm cảm. Đặt một bát nước nóng có rắc cánh hoa hồng vào trong phòng nếu bạn cảm thấy căng thẳng, lạnh đỉnh đầu hoặc cảm cúm. Tinh dầu hoa hồng làm dịu cơ tim, nên các bác sĩ luôn kê đơn xông bột hoa hồng cho những người bị hẹp van tim. Đổ nước nóng vào nửa cốc đựng cánh hoa hồng và đậy kín nắp để giữ tinh dầu, sau đó đổ vào nước tắm sẽ giúp chữa các chứng bệnh thần kinh. Có thể cho thêm nước ép củ cải đường để tăng tính năng chữa bệnh. Trà cánh hoa hồng (một thìa cà phê bột hoa hồng sấy khô pha trong một ly nước đun sôi) là bài thuốc chữa cảm lạnh, viêm họng, viêm phổi và các chứng loạn thần kinh chức năng, đồng thời cũng là một thứ đồ uống giàu vitamin.
Nếu không có sẵn hoa hồng, có thể dùng hoa tầm xuân thay thế. Cần thu hái quả tầm xuân vào cuối tháng Tám đến hết tháng Mười. Nên phơi quả tươi trong bóng râm, tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp, tốt nhất nên dùng lò sấy đặc biệt với nhiệt độ 80-100oC.
Hàm lượng vitamin C trong quả tầm xuân nhiều gấp 10 lần so với nho tím, gấp 50 lần so với chanh và 100 lần so với táo. Tầm xuân mọc trên núi hoặc những nơi có nhiều ánh nắng chứa nhiều vitamin C hơn. Hoa tầm xuân được coi là loài hoa tập trung nhiều vitamin nhất như vitamin C, B1, B2, P, K và carotene. Đó chính là lý do nước ép, nước sắc và sirô làm từ quả tầm xuân là bài thuốc hiệu quả phòng bệnh tê phù và thiếu hụt vitamin. Để tăng hiệu quả của loại dược thảo thiên nhiên này đối với những bệnh như cảm cúm, viêm phế quản mạn tính, các bệnh về phổi, dạ dày và loét hành tá tràng... có thể cho thêm một chút mật ong hoặc nước cốt chanh trước khi uống. Nếu được trộn với nước ép cà rốt, nước ép hoa tầm xuân sẽ có chứa hầu hết các vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
Theo: bannhanong.vietnetnam.net